Mộng Hà trở qua trở lại cái lúp tóc bằng voan trắng kết đầy hoa. Cô đặt lên tóc Nhị Thu, mỉm cười:
- Vẫn còn được lắm, em ạ... Nhìn mày tao còn mê mà.
- Không dám. Có muốn chửi thì chửi đại đi, xỏ làm gì.
Mộng Hà trợn đôi mắt lồi sau kính cận:
- Xỏ mày, bộ tao đẹp ra chắc, hay muốn tao lập lại lời khen? Danh nhân có nói "Từ chối lời khen là muốn nghe lại lần nữa", nhớ chưa?
- Tiếc quá, tao không có tiền lẻ để cho mày, con quỷ sứ.
Mộng Hà giật chiếc áo cưới màu xanh da trời trên tay Nhị Thu:
- Thôi dẹp đi, quên công việc một chút được không?
- Tao kết xong cái nơ đã, mà có gì ghê gớm vậy? Lần nào mày đến cũng ào ào như nước lụt sắp đến chân không bằng.
Mộng Hà vùng vằng:
- Chẳng có việc quái gì hết, tao chỉ muốn mày nghỉ tay đi uống nước với tao. Lúc nào cũng say mê lo áo cho người, còn áo của mình thì đến bao giờ?
Nhị Thu bật cười:
- Nhỏ này. Của mình đến lúc cần thì may, có gì đâu... À, mà cái "Hội độc thân" của tụi mày ra sao rồi? Rã đám chưa?
Nét mặt Mộng Hà bỗng sầm xuống:
- Một em xin rút lui rồi.
- Đi lấy chồng hở?
Mộng Hà lắc đầu:
- Lấy chồng nói làm gì? Nó xin ra khỏi Hội, lý do là... để còn hy vọng kiếm chồng.
Nhị Thu ngạc nhiên:
- Kỳ vậy?
- Là vì Hội có "Ngũ long công chúa", đi đâu cũng có nhau. Mà đó là những công nương... lắm lời, lúc nào cũng sẵn sàng chửi đàn ông sa sả. Con bé nó sợ chẳng may gặp một hiệp sĩ nào đó phải lòng mà cứ nghe bạn của giai nhân sỉ vả hết lời chắc chàng sẽ rút lui có trật tự. Chỉ nghĩ đến chuyện để vuột cơ hội ngàn năm một thưở là nó đâm hoảng.
- Rắc rối cuộc đời nhỉ, nhưng không thích có chồng mới vào Hội độc thân, sao nó lại...
Mộng Hà lừ mắt, ngắt ngang:
- Mày ngố bỏ xừ. Sở dĩ "Hội độc thân" được lập ra là để đánh lạc hướng danh từ "ế chồng" đáng ghét... Tuổi bọn mình không đua nổi với bọn con gái mới lớn, mày cứ "bát" một vòng Lê Lợi, Nguyễn Huệ chiều thứ bảy xem... Tụi nó hơ hớ, nõn nà, quần áo thì cứ phơi phới, mấy anh đàn ông rửa mắt bằng thích, đâu như mình, lúc nào mặt mày cũng cau có như mẹ chồng, ai thương nổi. Bởi thế mới phải ra vẻ ta đây cóc cần... thử có anh nào xin em về nâng khăn sửa túi xem có tít ngay mắt lại không?
- Nghe mày phát ngôn con gái mình mất giá quá.
Mộng Hà chỉnh lại:
- Chỉ có "gái già" mới mất giá, các em trẻ vẫn có quyền hành hạ đàn ông như thường.
Cô chợt nghiêm mặt:
- Thật lòng mà nói, không có chồng đôi khi quê quê, mọi người nhìn mình như thương hại. Tao đã có lúc phát cáu khi nghe hai đứa cháu kêu bằng cô nói với nhau: "Thông cảm cô Hà đi, mấy bà lớn tuổi hổng có chồng thường khó tính". Nhưng cứ nghĩ đến mình hơn bốn mươi rồi, lấy chồng, sinh con, biết chừng nào mới thấy nó nên người? Rồi liệu mình có khả năng nuôi con đầy đủ hay không? Đó mới là cái thực tế cần thiết. Cứ đẻ ra đó rồi nó lớn lên cách nào cũng mặc thì nói làm gì? Tuổi này, mọi suy nghĩ của mình đều chín chắn. Chắc vì vậy mà tao nghĩ đôi khi mình khó lấy chồng. Cứ suy tính trước sau, nào là tuổi tác, trình độ, quan niệm sống... rồi còn bao nhiêu điều so sánh lỉnh kỉnh khác nhau nữa. Đó là chưa kể đàn ông hợp với tuổi bọn mình mấy anh còn độc thân đâu.
Nhị Thu nghe một chút xót xa trong giọng nói của bạn. Cô cũng không biết mình thương Mộng Hà hay thương bản thân mình. Không khí giữa hai người bạn gái lắng xuống, nặng và buồn. Những chiếc áo cưới bỗng nhạt nhòa trước mắt Nhị Thu. Cô thấy ghét chúng. Một người con gái không mặc áo cưới một lần trong đời là mất đi sự trọn vẹn. Nhị Thu tự nguyền rủa mình đã chọn một việc làm trớ trêu luôn tạo điều kiện nhắc nhở tuổi tác ngày càng nhiều trên vai cô.
Có tiếng xôn xao ngoài cửa, Mộng Hà nhìn ra. Ba người phụ nữ đang bước vào. Người lớn tuổi, tóc bới cao, có vẻ mệnh phụ, mỉm cười hỏi Nhị Thu:
- Phượng Trinh xuống chưa hở em?
Nhị Thu chưa kịp trả lời, có tiếng nói từ trên cầu thang:
- Có em đây, xin chào.
Bà chủ Phượng Trinh đi xuống, bắt tay từng người. Nhị Thu quen với tất cả bạn bà chủ, đúng ra thì chị Phượng Trinh xem cô như đứa em gái. Họ quây quần trên mấy chiếc ghế cao. Câu chuyện giữa những người dư ăn dư mặc, may quần áo, mua hột xoàn, áp-phe... cô nghe đã quen tai. Mộng Hà nhìn chị Nguyệt, bảo bạn:
- Chị đó sang ghê, chắc lúc trước cũng vợ tướng tá, Thu nhỉ? Nhìn chị như người Nhật.
Nhị Thu gật đầu với nhận xét của bạn. Cô cũng rất hay nhìn chị Nguyệt, người phụ nữ trung niên cho người ta ấn tượng đẹp ngay trong cái nhìn đầu tiên. Mộng hà tiếp tục "phê phán":
- Cô tóc cúp cũng đẹp, có vẽ hiền thục, còn cô gầy gầy - Mộng Hà nhìn sang Kim Chi - model hết cỡ. Nhỏ này chắc đỏng đảnh lắm.
- Kim Chi rất dễ thương, hiền nữa.
Mộng Hà gật gù:
- Làm thầy bói kiểu này có ngày bị thân chủ tống ra khỏi nhà, nhưng nói gì thì nói, tao cá với mày, cô bé này không nhịn chồng đâu, cái miệng đó là chúa hay cãi.
Nhị Thu bật cười:
- Đôi môi nũng nịu đáng yêu thế mà mày chê hở?
- Tao nói theo tướng pháp mà lị.
Mộng Hà im bặt vì Kim Chi đang đi tới. Cô bé mặc chiếc Pull hở vai khá rộng, quầàn Jean trắng. Nhị Thu hỏi trước:
- Khải đâu?
- Anh Khải em bận việc. À chị Thu, tối nay đến nhà em chơi đi.
- Có mục gì vậy?
- Bí mật, chị cứ đến rồi biết.
Chị Nguyệt nói với lại:
- Nhị Thu ơi, Kim Chi nó đang dụ khị em đến nhà nó phải không? Nó đang muốn khoe tài nấu ăn đấy.
- Kim Chi tự nấu à?
Cô bé phụng phịu:
- Làm gì mà chị hoảng lên vậy? Bộ chị không tin em giỏi gia chánh sao?
- Tin chứ. Nhưng mà cũng hơi... nghi nghi.
Lại chị Nguyệt:
- "Bật mí" cho Thu một điều quan trọng nữa: Ông xã Kim Chi sẽ là phụ tá đắc lực cho đầu bếp chính trong bửa tiệc chiều nay.
Thu chêm vào:
- Có nghĩa ai cảm thấy khoái những món "đặc sản quốc tế" thì xin mời.
Kim Chi ghé tai Nhị Thu:
- Ngoài mục ăn uống, còn một tiếc mục đặc biệt dành cho chị - Bí mật - Điều này chỉ có em và Khải biết thôi. Bởi vậy chị phải có mặt. O.K.?
Nhị Thu nghiêng mình:
- Xin tuân lệnh.
Cô bé quay sang Mộng Hà:
- Nếu chị không chê, em xin mời luôn.
Mộng Hà mỉm cười nhã nhặn:
- Cám ơn Kim Chi, để lúc khác.
Nhìn Kim Chi nhí nhảnh trở lại với các bạn, Nhị Thu nghĩ đến căn nhà ở Bình Thạnh. Đó là tổ ấm của đôi vợ chồng trẻ. Một đôi vợ chồng rất giỏi trong việc kinh doanh. Khải là Việt kiều Canada. Anh theo gia đình xuất ngoại từ bé nên những năm đất nước biến động, Khải không biết gì. Kim Chi nhập cư sau, họ gặp và yêu nhau trên xứ người. Khi có chính sách mở cửa, Khải đưa vợ về Việt Nam. Đó là những người có tinh thần dân tộc. Nhị Thu quý sự hồn nhiên, trung thực của người thanh niên gần nửa cuộc đời sống trên đất lạ. Khải nói: "Dù cuối đất cùng trời, Khải vẫn mang trái tim Việt Nam".
Tốâi hôm đó, trên chiếc bàn dài được cắm những cây nến vì điện cúp bất ngờ, Khải giới thiệu các món ăn do mình đạo diễn bằng một giọng hài hước:
- Thưa quý vị, đây là món chân gà rút xương của Thái Lan, đây là chem chép sốt chua ngọt của "Tháng... Lai", còn đây là... ừm... canh chua lá giang... cũng của Thái Lan luôn. Thời gian du lịch Thái Lan, Khải học được hai bài học bổ ích: nấu nướng và... Sida.
Thấy mọi người mở to mắt, Khải tiếp:
- Xin quý vị đừng hiểu lầm tội nghiệp Khải. Khải chỉ học cách tránh Sida chứ không phải bị Sida chiếu cố đâu.
Mọi người cười ồ. Giọng nhỏ nhẻ của Kim Chi tiếp lời chồng:
- Khải chỉ đạo diễn bằng miệng. Chi mới là người trực tiếp nấu - nhưng em cũng xin nói trước là sau khi đọc tiểu thuyết "Ngọc Lai" của nhà văn Hoàng Thế Mai rồi em làm cái gì cũng... lai hết. Bởi vậy, món ăn cũng... lai luôn.
Lại cười. Đến lượt Kim Chi nhìn Nhị Thu:
- Nãy giờ em quên. Xin giới thiệu chị Thu với anh Nam, Việt kiều Mỹ. Đây là hai nhân vật cô đơn trong buổi tiệc này. Hy vọng lần sau Chi mời, anh chị sẽ... có cặp.
Bây giờ Nhị Thu mới để ý đến người đàn ông ngồi bên cạnh, thì ra khi sắp chổ, Kim Chi đã có dụng ý. Nhị Thu hơi ngượng:
- Sợ rằng đó là lời chúc vội đấy, Chi.
- Thời buổi của vận tốc ánh sáng mà chị.
Những lon bia được khui, món gỏi chân gà rút xương thật hấp dẫn. Anh Mười, chồng chị Nguyệt, gật gù:
- Được lắm. Vợ chồng Khải mở nhà hàng được đấy.
Anh quay sang vợ:
- Phải vậy không, em?
Chị Nguyệt nhìn chồng, cười nhẹ:
- Em hoàn toàn đồng ý với anh.
Thư ngồi cạnh anh Mười lên tiếng:
- Hạnh phúc như anh chị là nhất đấy.
Đèn bỗng sáng, chị Nguyệt giật mình:
- Giống ở nhà chị quá.
Khải cười lớn:
- Nhà em không có ma như nhà chị, chỉ có điên thôi.
- Ai điên?
Hai ba người cùng hỏi. Gương mặt Khải bỗng có vẻ trầm trọng:
- Nửa đêm, tự dưng em nghe cửa sắt bị đập ầm lên. Mấy đứa cháu ngủ nhà trước tưởng trộm, co dúm lại. Lúc đó, mưa rất lớn, vậy mà vẫn nghe tiếng khua của cửa sắt, chứng tỏ người nào đó đập rất mạnh. Em xuống hé khe cửa nhìn thấy một người đàn bà xỏa tóc dài, ướt sũng, đang đấm liên hồi vào cửa sắt. Em bỏ vô nhà nghĩ rằng bà ta sẽ bỏ đi. Nhưng rồi tiếng lay cửa vẫn tiếp tục. Lúc đó là 3 giờ sáng. Cáu quá, em bảo Kim Chi gọi điện cho công an phường. Họ đến và xua bà ta đi, đó là một người đàn bà loạn trí.
Kim Chi cãi:
- Em không nghĩ như thế, anh sao dễ tin quá.
- Thế em cho là gì? Cướp à?
- Không phải cướp thì cũng là đồng đảng.
Khải nhìn mọi người như phần trần:
- Từ sáng giờ, Kim Chi cứ nhất định cho rằng đó không phải là mụ đàn bà điên, rằng bà ta có đồng bọn và vụ lay cửa là dàn cảnh. Có họa là điên mới dầm mình trong mưa như thế...
Kim Chi vẫn bảo vệ ý mình:
- Em không tin như Khải. Rõ rằng em nhìn thấy có mấy bóng đên lảng vảng bên kia đường, chắc chắc là đồng bọn của mụ ta. Em nghĩ rằng nếu lúc mưa tầm tả đó mà bọn em mở cửa, chắc chắn sẽ có những tên côn đồ lao vào với hung khí để khống chế chúng em và cướp của.
Khải cười nửa miệng:
- Em giàu tưởng tượng quá đấy, em có thể viết truyệân trinh thám được rồi.
Kim Chi bướng bỉnh:
- Nhà mình từng bị cắt ba lần khóa, chỉ mới hơn tuần lễ, anh quên sao? Chúng đã lấy được chiếc Dream ra nhưng chưa kịp tẩu thoát thì bị phát hiện. Chúng bỏ của chạy thoát, nhưng em biết chúng chưa bỏ ý đồ. Cơn mưa tối qua là một cơ hôïi tốt...
Chị Nguyệt từ tốn:
- Thời buổi này, việc gì cũng có thể xảy ra, Khải ạ. Em đừng quá tin người. Kim Chi nó có lý của nó.
Tuấn, chủ café Phượng Xuân chen vào:
- Vì đồng tiền, người ta có thể làm tất cả. Có người phạm tội ác vì một số tiền rất nhỏ. Khổ nhục kế là mánh khóe của bọn lừa đảo cướp bóc hay áp dụng nhất. Khải đừng quá chủ quan.
Chị Nguyệt tủm tỉm cười:
- Điều chị vẫn thắc mắc là quanh đây bao nhiêu nhà, tại sao người đàn ấy lại chọn nhà Khải? ... Không lẽ nào đào hoa cả với... người điên?
Câu nói dí dỏm khiến mọi người bật cười. Chuyện xoay qua "con ma nhà... chị Nguyệt". Đó là cô con chủ nhà trước, cô chết trẻ, oan hay không chẳng ai biết. Họ chỉ biết một điều: thỉnh thoảng, giữa trưa hoặc đêm khuya, nàng thấp thoáng trong phòng khách, có lẽ trước kia là phòng ngủ tóc xõa và áo ngủ trắng muốt. Thỉnh thoảng, vài đồ vật trong nhà khua lên những lúc yên tĩnh nhất. Tuấn và Khải là hai chàng hăng hái xung phong phục kích để diện kiến người đẹp. Nhưng có lẽ do tính e thẹn vốn có của phái yếu, nàng từ chối xuất hiện. Theo chị Nguyệt thì đó là một hồn ma rất dễ thương, dịu dàng, tha thướt...
Nam ngồi yên nãy giờ, bất chợt hỏi Nhị Thu:
- Cô Thu có tin ma quỷ không?
Cô gái mỉm cười:
- Chẳng những tin mà còn sợ nữa.
- Chắc Thu đã có dịp?
- May là chưa, cứ nghĩ đến cũng đủ rợn người.
- Tôi được nghe Kim Chi và Khải nói về Thu nhiều.
Nhị Thu nhìn thoáng Nam:
- Một con người bình thường không có gì nhiều để nói đâu.
Họ đi ra ngoài câu chuyện của đám đông. Nam nói với Nhị Thu về đời sống của mình ở Mỹ. Làm việc cật lực mới theo kịp xã hội. Nhị Thu nói về những chuyến đi không thành.
Khi rời bàn tiệc, hai người đã biết nhau khá nhiều. Nam muốn đưa Nhị Thu về cho biết nhà nhưng cô thấy quá vội vàng nên chỉ cho số điện thoại ở nơi làm việc. Đúng ra, Nhị Thu sợ sự hiện diện của một người đàn ông bên cô lại tạo những hy vọng vô ích. Thật tâm Nhị Thu không tin mối quan hệ giữa Nam và mình rồi sẽ đi đến đâu...
Từ ngày Hòa lấy vợ, Nhị Thu trở nên trầm tư hơn trước. Cô dồn tất cả sự chú ý của mình vào công việc, nhiều lúc chẳng hiểu mình ra sao nữa.
Người ta yêu mình thì chối từ, đến lúc xa lại buồn... Hay cô không thật sự hiểu lòng mình? Không. Thu biết chắc như vậy, chẳng qua đó là sự vị kỷ. Hơn nữa, ít ra còn Hòa thỉnh thoảng Thu còn đi chơi đây đó. Có bên cạnh một người để nói chuyện cũng vui. Thu biết không dễ dàng kiếm được người tận tụy với mình như thế. Đám cưới Hòa, Nhị Thu có dự. Nhìn Hương tha thướt trong chiếc áo cưới do mình chọn, Nhị Thu nghe một chút cay đắng thoảng qua hồn. Vị trí cô dâu của Hương lẽ ra là của cô. Chỉ cần một cái gật đầu, quá dễ mà sao không làm nổi? Khi Hòa không còn là của mình, tự dưng Nhị Thu thấy anh đẹp trai, lịch lãm hơn. Hòa nói với cô khi Thu trao quà mừng:
- Sang năm đến lượt Thu nhé.
Cô mỉm cười thay cho câu trả lời. Mắt Hòa vẫn đầy trìu mến, vẫn như muốn nói một lời dù muộn. Nhị Thu bâng khuâng tự hỏi, nếu quả thật bây giờ mình khám phá ra yêu Hòa thì đúng là thê thảm, cũng may, cô chỉ tiếc anh thôi.
Nhưng đến lúc ăn cưới về, Nhị Thu mới thật sự bực mình. Mẹ cô không tiếc lời khen: nào là đám cưới lớn, chàng rễ lịch thiệp, nào là bên đàng trai cho cô dâu nhiều nữ trang, bà kết luận:
- Con Hương thật có phước, Hòa nó hiền lành, gia đình lại khá giả, về làm vợ nó cũng mát mặt, sướng một đời.
Thu biết mẹ có ý trách mình bỏ qua cơ hội tốt. Cô nhăn mặt nhưng không nói gì. Chỉ có Tam Hạ là không bằng lòng, nói thẳng với mẹ:
- Sao má chắc chắn chị Hương làm vợ anh Hòa sẽ sung sướng cả đời? Đời người có phải chỉ mấy ngày cưới đâu? Chị Thu không lấy anh Hòa vì không yêu anh ấy cho dù anh Hòa có hơn như thế nữa.
Người mẹ mát mẻ:
- Thôi tôi lỡ lời chạm đến mấy chị, tôi xin lỗi. Tôi quê mùa thấy sao nói vậy. Các chị học cao hiểu rộng, ai các chị cũng chê, tôi chẳng dám chê ai hết.
Tam Hạ bực dọc kêu lên:
- Má không chịu hiểu con cái chút nào. Nếu tụi con lấy chồng là cho bản thân mình, chứ không phải vì họ hàng chòm xóm. Mấy đứa bạn con sợ ế, sợ dư luận chê cười nhắm mắt vơ đại "miễn là lấy được chồng" bây giờ chịu không nổi phải mang con về báo cô cha mẹ, má biết chuyện đó mà.
Nhị Thu không cãi mẹ, nhưng cô về phòng thay quần áo rồi nằm vật ra giường. Cô ứa nước mắt bởi những lời chì chiết của mẹ. Cơn tức tưởi dồn nén được dịp vỡ òa. Nhị Thu úp mặt vào gối, để mặc từng cơn nấc rung đôi vai mảnh dẻ.
Tứ Xuân đứng nhìn Nhị Thu, khẽ lắc đầu, cô bé ngồi xuống giường ôm vai chị dỗ dành:
- Đừng thèm buồn nữa chị Ba. Má già, chướng tính nên nói vậy thôi.
Nhị Thu nói trong nước mắt:
- Chị khổ lắm.
- Em biết... Má nói kỳ quá à.
Nhị Thu vẫn tức tưởi:
- Chị biết má thương con nên mới nói, nên không cãi, nhưng má phải hiểu chị có muốn vậy đâu.
Tứ Xuân kéo tay chị:
- Dậy đi, rửa mặt rồi em nói chuyện này cho nghe hay lắm.
Thấy Tứ Xuân coi mình như đứa trẻ con. Nhị Thu bật cười:
- Thôi bé đi ngủ đi, khuya rồi.
- Nhưng Thu phải hứa không được khóc nữa.
- Ừ.
- Hứa đi.
- Chị không khóc nữa đâu hết nước mắt rồi.
Tứ Xuân vẫn chưa chịu đi:
- Chị Ba nè, người ta nói tên cha mẹ đặt cũng ảnh hưởng tới mình nữa cơ.
- Vậy à?
- Thu không thấy sao: Tam Hạ nóng như lửa, đúng là mùa hè, còn mùa thu thì buồn ơi là buồn.
Nhị Thu cốc đầu em gái:
- Chỉ có mùa xuân là hạnh phúc phải không?
Cô bé hơi ngần ngừ:
- Em cũng chẳng biết, nhưng chắc em không thèm khóc như Thu đâu.
- Có những dòng nước mắt hạnh phúc, Xuân ạ.
- Hạnh phúc sao lại khóc?
- Có chứ. Bé không thấy những người thân yêu xa nhau rồi tái hợp sao? Tận cùng của niềm vui hay tận cùng của nỗi buồn đều biểu lộ như nhau. Đó là một cảm xúc chung.
- Như thế người sung sướng hay bất hạnh đều khóc?
- Địa ngục và thiên đàng là một, bé ạ. Điều làm buồn người này lại khiến kẻ khác vui, không đúng vậy sao?
Tứ Xuân bỗng đổi giọng:
- Tam Hạ nhà mình lúc này cũng có mùa xuân rồi, chị Ba có để ý không?
- Ừ, chị biết.
- Biết! - Giọng con bé đầy vẻ náo nức - Hay quá, ai vậy Thu?
Nhị Thu đưa ngón tay lên môi:
- Suỵt. Đó là bí mật quốc gia. Một ngày nào đó bé sẽ biết.
- Em muốn biết bây giờ, Nhị Thu xấu nha. Mai em hỏi Hạ.
- Nó không nói đâu.
- Vậy sao Thu biết?
- Chị đoán...
- Thu xạo .... Em nghỉ chơi.
Nghĩ sao con bé lại năn nỉ:
- Thu, cho em biết đi mà, nói nhỏ thôi, rất nhỏ. Em sẽ không nói với Hạ đâu.
- Con khỉ, làm gì rối lên thế? Tam Hạ nó muốn giữ tình yêu đến một lúc nào đó ngã ngũ, hoặc là có tất cả, hoặc là không gì cả.
- Tính chị ấy dứt khoát. Em thấy lúc này Hạ chịu để ý đến quần áo, bà ấy rảo cửa hàng tìm được mấy bộ đầm sida đẹp quá chừng.
- Còn em, chừng nào đưa Chuẩn tới nhà?
Tứ Xuân rùn vai:
- Eo ơi, em sợ lắm, thêm một người tình là đùa với lửa. Em lại kỵ hỏa.
Con bé cười sau câu nói, mắt nó lim dim như đang nghĩ tới một người nào đó. Nhị Thu "điều tra":
- Em vẫn gặp Chuẩn đấy chứ?
- Hắn tìm em hoài.
Nhị Thu nheo mắt:
- Chuẩn và Huy ai "bảnh" trai hơn?
- Mỗi người mỗi vẻ...
- Mười phân vẹn mười chứ gì?
Hai chị em cười khúc khích, Thu quên buồn, cô buột miệng:
- Công nhận Huy phong độ.
Tứ Xuân tròn mắt:
- Chị biết?
Nhị Thu gật đầu.
- Trời đất, bao giờ?
Nhị Thu kể đại khái cuộc gặp gỡ tình cờ. Tứ Xuân liếm môi như chợt thấy khô cổ, Nhị Thu kết luận:
- Hai người tình lắm, anh Hòa còn phải khen.
- Chị kỳ, vậy mà không gọi em.
Tứ Xuân trách, Nhị Thu mỉm cười:
- Để làm gì? Làm người ta mất tự do vô ích.
Như nhớ ra điều gì con bé kêu lên:
- Thôi em biết rồi.
Đến lượt Nhị Thu ngạc nhiên:
- Biết quái gì?
- Có phải chị nói với má hôm nọ không? Hôm bà via lên lớp em đó.
- Không hề. Chuyện đó có gì quan trọng đâu. Chính hôm má hỏi em, chị cũng ngạc nhiên, không hiểu sao cụ via hay thế.
- Thu này, hồi trước Thu có chơi "Tìm bạn bốn phương"không? Chị của nhỏ bạn em cỡ tuổi Nhất Đông, nói mục đó hay lắm, chị ấy lấy chồng qua mục "Kết bạn" đấy.
Không đợi Nhị Thu trả lời con bé liến thoáng tiếp:
- Chị ấy kể hồi còn đi học quỷ quái lắm. Một nhóm con gái đi "bát" Lê Lợi. Một anh lính áo hoa rừng đang đứng mua sách, thế là mấy cô kháo nhau: đứa nào làm quen được với anh ta sẽ được bao một chầu bánh tôm hẻm Casino. Thế là Vân, chị cô bạn xung phong. Vân nói với các bạn:
- Tụi bây tới nhà sách Khai Trí đứng đợi nha. Khi nào thấy tao đi tới mà có "chàng" tò tò bên cạnh thì cứ nhảy bổ ra gọi ầm lên - sau đó chàng sẽ đích thân mời tứ cô nương đi ăn kem Mai Hương. Nhưng tao dặn trước, phải làm như vô tình nhìn thấy tao nhỏ nào mà hở ra màn kịch cho đối phương biết đừng trách tao độc ác.
Vân đưa tay lên dứ dứ để dọa các bạn. Ba cái miệng ranh mảnh long trọng thề thốt sẽ giữ bí mật "tuyệt đối". Sau đó kéo nhau đi về phía nhà sách Khai Trí, còn Vân ôm cặp đi ngược lại.
Cô bé đi vòng đến sau lưng anh lính. Anh đang chăm chú đọc một trang trong cuốn: "Giờ thứ 25" của Gheorghiu, gật gù có vẻ đắc ý. Vân đưa tay vỗ mạnh vào vai anh ta, vừa gọi như một tiếng reo: anh Hùng. Người lính giật mình nhìn lên, bắt gặp đôi mắt to đen lay láy của cô nữ sinh. Bốn mắt ngỡ ngàng!
Vân bỗng đưa bàn tay lên che miệng, như ngăn tiếng kêu thứ hai, rồi lắc đầu lắp bắp "... Không... không phải... tôi... xin lỗi".
Cô nữ sinh cắn đôi môi hồng, thẹn thùng vì sự nhầm lẫn. Rèm mi như hai cánh bướm chớp nhanh. Người hùng thấy có bổn phận gỡ rối cho giai nhân, vội xếp sách tươi cười:
- Không có gì đâu bé. Nhìn lầm phải không?
Cô bé gật lia lịa:
- Vâng ... lầm... Anh giống anh tôi quá.
Chàng có vẻ thích thú:
- Anh ấy tên Hùng?
Vẫn một giọng ngây thơ nhỏ nhẹ:
- Dạ... anh con dì... em.
Tiếng "em" êm như một nốt nhạc, tự nhiên và gần như thì thầm. Chàng muốn nói một câu gì đó. Nhưng cô bé cắn ngón tay trỏ cực kỳ duyên dáng. Nàng chớp mắt, dịu dàng:
- Lúc nãy, anh có đau không? Em vỗ vai mạnh quá.
Chàng cười:
- Ăn nhằm gì, "lính mà em".
- Cho em xin lỗi lần nữa nghe. Xin phép...
Rồi nàng quay gót. Đương nhiên là đi rất chậm. Lưỡi câu nàng móc mồi thơm quá. Con cá đã cắn câu. Nàng nghe tiếng chân đi theo rồi tiếng chàng:
- Cô bé.
- Gì ạ?
Cả hai vừa bước vừa nói chuyện.
- Em đi phố một mình?
- Như anh thấy!
- Cho anh... tháp tùng cho vui được không?
- Em... hổng biết... Kỳ quá. Mình đâu có quen nhau.
- Thì quen rồi đó.
- Ưm...

(còn tiếp)

  Lý Thụy Ý
Thêm bình luận

Bài vở và hình ảnh xin gởi về This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.