Căn phòng ngủ toàn một màu hồng, cả đôi dép vải mang trong phòng cũng thế. Tam Hạ sửa lại một cánh hoa cắm lệch rồi xoa tay thích thú.

Đây là lần đổi nhà thứ ba của họ. Và chắc hẳn là căn nhà cô thích nhất, vì nó mang tên cô. Shika đã mua ngôi biệt thự xinh xắn này để cho đời sống lâu dài của họ. Ông để cô trang trí theo sở thích và Tam Hạ đã để ra nhiều ngày tìm mua những món theo ý thích của Shika mà ông không hề biết. Cô muốn dành cho ông một sự ngạc nhiên. Đó là châm ngôn của Tam Hạ. Cuộc sống luôn luôn đổi mới và những bất ngờ thích thú. Cô tìm dịp để tạo niềm vui, khác hẳn cuộc sống trầm tư đơn độc của Shika từ trước tới giờ. Ngôi nhà là một món quà đáng giá, nhưng đáng giá hơn là hạnh phúc đến trong ngôi nhà đó. Tam Hạ yên tâm hơn về gia đình, số tiền cô đưa về để trang trải mọi chi phí cuộc sống. Đó là ý muốn của Shika. Ông muốn đền bù lại cho những người thân của Tam Hạ sự thiếu vắng cô, giờ đã không thể thiếu đối với ông. Cuộc sống của Tam Hạ chia làm hai: Từ sáng đến tối của người vợ và đêm về lại trong căn nhà quen thuộc, nơi cô được sinh ra và lớn lên, cô là người phụ nữ độc thân. Cô vui thích với chút phiêu lưu trong đời thường và thấy mọi người đáng yêu hơn.Đồng ý có con với người tình, Shika đã suy nghĩ rất nhiều. Ông không muốn làm khổ người đàn bà mà mình yêu quý và những giọt máu của ông. Suốt những năm dài xa nhà, Shika cố gắng để không gắn bó với một người phụ nữ nào. Ông chỉ ăn bánh trả tiền. Người nào cao tay lắm cũng chỉ lôi kéo ông được một thời gian ngắn. Ông tránh đàn bà một cách khó khăn vì ngoại hình của ông thường làm họ chú ý. Chỉ với Tam Hạ ông chủ động đến với cô. Trong cái bẫy tinh vi của cô gái, ông thấy mình là người giăng bẫy. Shika đã yêu và say đắm đến chính mình cũng ngạc nhiên. Trong người phụ nữ ở lứa tuổi chín muồi này có một ma lực khiến ông không thể nào rời nổi. Tam Hạ không điêu luyện trong nghệ thuật chăn gối vì ông là người đầu tiên đến trong đời cô, nhưng cô cũng không quá ngây thơ để chờ đợi và đòi hỏi người khác. Tam Hạ đáp ứng rất sôi nổi và chủ động khi cần. Lúc đê mê, khi cuồng nhiệt, người phụ nữ trong cô sống hết mình với bản năng đàn bà đầy khát khao mời gọi. Cô làm ông nôn nao theo khi họ cùng hết giờ làm việc, cô ghé tai ông thì thầm: "Yêu anh quá, anh thật tuyệt vời!". Bản chất đàn ông của Shika được vuốt ve tôn ngưỡng. Ông cảm thấy mình quan trọng hơn đối với người tình và ông tìm mọi cách đền đáp sự tôn ngưỡng đó.

Những lúc nằm trong vòng tay Shika, bản năng đàn bà trỗi dậy mãnh liệt. Tam Hạ mong tha thiết một đứa con. Cô đã đặt mình trong vị trí đó hàng chục, thậm chí hàng trăm lần, để nhìn từ mọi hướng và thấy hết mọi gai góc của vấn đề. Ở xã hội Việt Nam còn nặng phong kiến, một đứa con không cha chưa được chấp nhận như một sự đơn giản. Từ gia đình tới xã hội, Tam Hạ biết mình phải sẵn sàng chịu đựng tình huống xấu nhất. Điều cô bận tâm nhất là mẹ mình. Tam Hạ chưa nghĩ ra cách nào để nói với mẹ. Đó là người duy nhất cô cảm thấy khó vượt qua.

- Em.
Tam Hạ quay lại, Shika đang đứng sau lưng. Ông ôm trên tay một chồng hộp giấy.
- Anh mua gì nhiều thế?
- Góp một chút vào sự trang trí của em. Ông nhìn quanh, kêu lên:
- Sao ý thích của em giống anh thế nhỉ? Dường như là do anh bày biện chứ không phải em.
Đó là ý nghĩ cô muốn có ở Shika. Nụ cười trên môi cô thật duyên dáng:
- Hai chúng ta là một mà.
Ông nhìn cô hơi sững sờ:
- Anh cũng vừa nghĩ như thế. Tại sao vậy?
- Tại vì... như thế này, anh yêu...
Tam Hạ vòng tay qua cổ kéo ghì ông xuống. Cô hôn ông say sưa, khao khát. Nụ hôn chủ định lúc đầu rồi là cuồng nhiệt và mê đắm. Cô luồn tay trong áo chemise, bàn tay cô mát rượi, cô thì thầm:
- Da anh nóng.
Mùi mồ hôi đàn ông thật quyến rũ. Ông xoa lưng cô, vỗ vỗ âu yếm. Tam Hạ thấy mình bé bỏng trong tình thương rộng lớn của Shika. Cô sung sướng như khi làm tình. Chỉ cần nghĩ đến ông, không phải chỉ trái tim cô rung động mà cả thể xác, từng tế bào nhỏ nhất trong con người cô đều rộn lên, chao đảo.
- Em chờ anh lâu không?
Shika dìu cô đến ngồi trên mép giường. Ông muốn nhìn cô tươi mát trong bộ đồ lụa trắng giữa phòng ngủ toàn hồng. Giọng ông êm và ấm. Cô lắc đầu:
- Vừa đủ để em cảm thấy nhớ.
- Còn bây giờ?
- Vẫn nhớ, chưa bao giờ em quên anh.
Ông chỉ mấy hộp giấy:
- Mở ra đi em.
Tam Hạ thận trọng mở lớp giấy hoa sặc sỡ.
Hộp đầu tiên là con gấu trắng tuyệt đẹp. Cô reo lên:
- Dễ thương quá.
- Vẫn thua em. Mở nữa đi.
Hộp thứ hai: cây đèn ngủ có chụp màu trắng viền hồng. Tam Hạ nhìn Shika. Ông ra hiệu mở hộp cuối cùng. Trong lớp giấy là một hộp gỗ sơn mài đen tuyền cẩn xà cừ lóng lánh. Tam Hạ thận trọng bật nắp hộp. Lần này cô nắm tay ông:
- Anh tốt quá, Shika, bức tượng tuyệt đẹp.
- Anh muốn Nữ thánh bổn mạng luôn ở bên em.
Cô chớp mắt, cảm động. Tượng Nữ thánh Teresa ôm hoa hồng bằng cẩm thạch quý giá. Shika quả thật tế nhị. Hầu như mỗi món quà ông mua cho cô đều có một ý nghĩa riêng.
Shika ngồi bên cạnh ôm cô thật lâu, nhưng dường như ông có điều gì suy nghĩ. Cô hỏi giọng lo âu:
- Anh không khỏe à? Có điều gì vậy, Shika?
Ông lắc đầu chậm chạp:
- Không có gì quan trọng.
- Anh không cho em được chia xẻ với anh sao?
Ánh mắt Shika đầy trìu mến:
- Đừng chu đáo quá, anh hư đấy.
- Không sao, hư em chìu. Nhưng em muốn biết điều gì đã làm anh bận tâm.
- Anh đang nghĩ mình là người đàn ông tồi.
- Kìa Shika...
Ông khoát tay:
- Anh đã nghĩ đúng. Em đừng bao biện cho anh. Những gì cho em không đáng gì với điều anh được hưởng và ở quê xa xôi của anh, vợ con anh cũng đang chịu đựng sự bạc bẽo của người mà họ yêu thương tin tưởng.
Tam Hạ hiểu ông đang nghĩ gì. Luôn luôn ông bị ray rứt khi ở bên cô hay làm cho cô điều gì, cũng như khi ông cảm thấy hạnh phúc và lúc nào ông về Nhật, bên vợ con, Tam Hạ tin rằng ông cũng ray rứt như thế khi nghĩ đến cô. Bàn tay nhỏ nhắn của Tam Hạ vuốt những sợi tóc lòa xòa xuống trán của người tình, cô dịu dàng:
- Anh rất tốt, anh yêu. Tốt hơn nhiều người, và nếu có phép lạ cho em trở lại tuổi hai mươi, được lựa chọn tình yêu, em vẫn sẽ chọn anh.
Shika nhìn xói vào mắt cô. Ông tin cô nói thật lòng mình và ông cảm thấy sung sướng, thanh thản trở lại. Ông nhìn xuống bụng cô:
- Chúng ta sẽ có con chứ? Em có đổi ý không?
Cô nhoẻn cười hai núm đồng tiền thật sâu:
- Nếu có đổi ý là em mong được sinh đôi.
Shika nâng bổng cô lên, quay liền mấy vòng rồi thả xuống giường. Ông nằm choàng lên cô. Tam Hạ khép mắt lại, rạo rực vì cảm giác đê mê bắt đầu lan tỏa bởi những ngón tay phù thủy của người tình.
Có tiếng chuông gọi cổng. Tam Hạ nhíu mày: Ai biết địa chỉ nhà mới nhanh thế? Không lẽ người nhà mình?
Không có chuyện khẩn cấp, không ai làm phiền cô ở đây. Linh tính một chuyện không lành, cô bảo Shika:
- Để em ra xem ai.
Chưa đi đến cổng đã nghe tiếng Ý Yên:
- Dì Hạ ơi...
Giọng nó nghẹn lại, Tam Hạ phát hoảng:
- Gì vậy Yên? Ở nhà có chuyện gì?
Cô run tay mới mở được cánh cổng sắt nặng nề, Ý Yên nhìn dì, nói trong nước mắt:
- Dì về ngay đi.
- Ngoại làm sao hả?
Cô lay vai cháu, hỏi dồn. Những cơn tension của mẹ? Hay bệnh tim? Tuổi già? Sáng nay cô đi sớm nhưng nhà vẫn bình yên...
- Không phải ngoại, dì Thu...
- Sao lại dì Thu? Thu làm sao? Nói đi, con. Trời đất, tao cuống lên mà mày cứ nói từng chữ...
Cô bé nãy giờ cố lấy lại hơi thở và cố trấn tĩnh nên hầu như quên những gì phải nói. Thấy ánh mắt dữ dội của Tam Hạ, nó bật ra:
- Dì Thu tự tử.
- Cái gì?
- Tự tử.
Tam Hạ lảo đảo vịn vào cổng sắt. Ý Yên tiếp:
- Dì đi sớm lắm phải không?
- Khoảng 5 giờ. Lúc đó, dì Thu vẫn ngủ mà.
- Không phải đâu, dì Thu uống thuốc rồi đó. Thuốc ngủ. Chắc là nhiều lắm.
- Đưa đi bệnh viện chưa?
- Dạ rồi. Đang nằm phòng cấp cứu.
Shika đi ra, nhìn hai dì cháu. Tam Hạ nói nhanh:
- Em về nhà một chút, chị Thu gặp tai nạn.
- Được, em đi đi. Nhớ điện cho anh biết tình trạng của chị ấy, cần gì thì gọi anh. Cô xoay qua Ý Yên:
- Chờ dì thay đồ.
Shika theo Tam Hạ vào phòng, ông mở ví lấy 5 tờ 100 dollars:
- Em cầm theo để tiêu.
- Em còn tiền mà.
Ông lắc đầu:
- Nghe lời anh, cầm lo cho chị ấy.
Hai dì cháu đi thẳng đến bệnh viện Nguyễn Văn Học. Họ gặp Tứ Xuân ngay ngoài cửa. Tam Hạ hỏi trước:
- Thu sao rồi?
- Đang súc ruột.
- Nặng lắm không?
- Chị ấy đang hôn mê. Chắc uống nhiều thuốc.
- Vô được không?
Tứ Xuân lắc đầu:
- Chưa thăm được. Chị Đông và anh Vinh đang túc trực trong đó.
- Má đâu?
- Không dám cho má vô, sợ cụ lên cơn tim. Lúc nào ra phòng hẵng hay.
Cô kéo tay chị:
- Ngồi đây đi. Vô trong đó nghe mùi ether ghê lắm. Em có dặn anh Vinh được thăm là ra gọi liền.
Bệnh viện đầy người, kẻ lui người tới. Mùi thuốc đỏ, mùi ether nồng nặc. Những nét mặt lo lắng, căng thẳng. Một xe đẩy ngang, người nằm trên xe phủ drap trắng tòan thân, trừ gương mặt trơ xương xám ngoét. Tứ Xuân thì thầm:
- Chắc là chết rồi. Ghê quá!
Ý Yên tự dưng xích lại gần Tam Hạ.
- Sợ hả? Ngày thường, Yên liếng khỉ lắm mà.
Con bé nhìn dì:
- Tối mà dì Thu còn ở đây, Yên không vô đâu.
Tứ Xuân nháy mắt:
- Nhà ai cũng bận, Yên phải ở với dì Thu, chịu khó vài đêm thôi mà.
- Yên ở nhà với ngoại.
Nó nói rồi đứng lên đi một vòng. Tam Hạ hỏi em:
- Sao tự dưng chị Thu làm vậy nhỉ? Mấy hôm nay có ai nói gì chị ấy không?
- Có gì đâu. Từ hôm mẹ con dì Tuệ đi rồi thấy chị Thu buồn buồn, nhưng em không quan tâm vì có bao giờ Thu vui lắm đâu.
- Tao nghĩ phải có nguyên nhân. Thu rất dễ tủi thân, có khi ai đó nói chạm mà không biết.
Tứ Xuân đoán:
- Hay là bà ấy thất tình?
- Có tình đâu mà thất. Bỏ ông Hòa tới giờ đã quen ai đâu?
Tứ Xuân lắc đầu:
- Thu kín đáo lắm. Có cũng không ai biết đâu, mà ai phát giác ra vậy?
- Nhỏ Yên. Nó vô kêu dì Thu dậy đi làm. Ngày nào Thu cũng dậy sớm, nhưng tối qua Thu dặn sáng để cho chị ấy ngủ vì làm ca 9 giờ. Nhưng hơn tám rưỡi Thu vẫn chưa dậy, má bảo Ý Yên vô kêu.
- Rồi thấy chị ấy làm sao?
- Cửa khóa chặt, đập cũng không mở. Nhỏ Yên hoảng hồn hét toáng lên. Phải nhờ lối xóm phá cửa mới vô được. Chị Thu nằm trên giường, mắt nhắm nghiền, em lay không tỉnh.
Tam Hạ lắc đầu:
- Khổ quá, làm gì phải tìm cái chết không biết nữa. Lúc Ý Yên đến, tao cứ nghĩ đến má... Thôi để tao vô trong đó xem sao.
Cô đứng lên đi dọc theo hành lang đến phòng cấp cứu. Vinh và Nhất Đông đang ngồi trước cửa phòng. Nhất Đông nói nhỏ:
- Súc ruột rồi nhưng nó vẫn chưa tỉnh, nguy quá.
- Bác sĩ nói sao?
- Thuốc ngấm khá lâu rồi nên không thể tỉnh ngay được. Họ đang theo dõi tình trạng sức khỏe.
Vinh xen vào:
- Qua khỏi thôi, nhưng sức khỏe kém lắm. Máu còn 9,5. Thần kinh suy nhược vì tinh thần căng thẳng. Lúc nãy bác sĩ có nói phải giữ cho dì ấy được thoải mái.
Nhất Đông hỏi em:
- Mấy hôm nay ở nhà có chuyện gì không?
Tam Hạ lắc đầu:
- Không biết má có nói gì không chứ mấy chị em vẫn vui vẻ, em mới hỏi Tứ Xuân và Ý Yên.
- Em về nhà chưa?
- Chưa. Sốt ruột quá, còn ghé đâu được.
- Ghé nhà chút đi, coi má có mệt không? Ở đây có chị và anh Vinh lo, bây giờ chỉ chờ nó tỉnh lại thôi.
- Chị có tiền đó không?
- Đủ mà, viện phí tính sau.
- Chiều em đổi tiền mang đến. Cần gì cứ mua cho Thu nhé. Nhớ mua riêng kim chích, cả dây truyền nước biển, tránh xài đồ dùng của bệnh viện.
- Sợ Sida hả? Nó có ngán chết đâu.
- Thôi đi bà, may mà không phải tiếp máu.
Cô chào anh rể rồi tất tả đi ra. Tứ Xuân cũng theo chị về, Hạ dặn cháu:
- Con ở đây để ba má có bảo gì thì làm nghe, cần gì thì chạy về cho dì biết.
- Nhưng tối con về nhà.
Con bé đưa điều kiện, mặt xụi lơ. Không khí nhà thương không thoải mái chút nào. Ai tới đây cũng có nỗi lo không cho mình thì cho thân nhân. Các cô y tá mặt lạnh như tiền, nhìn bệnh nhân như nhìn cây chuối. Ý Yên không thiện cảm chút nào. Nó ân hận là mình đã không theo dì Hạ về để Tứ Xuân ở lại.
*
* *
Nhị Thu rơi vào một cơn mê trầm uất. Cô thấy mình dạt vào một sa mạc nắng cháy, cổ rát bỏng, cô gặp lại người cán bộ điều tra xét hỏi, anh ta cầm trên tay một ly nước đá lạnh. Anh đưa về phía cô:
- Chị khát không?
Nhị Thu gật đầu yếu ớt. Cô hầu như kiệt sức.
- Vậy thì khai đi, tài công là ai? Ai nhận tiền của chị đi vượt biên?
Cô gái lắc đầu. Ly nước lạnh bị đổ xuống cát nóng. Một chút hơi, một chút bụi và rất nhiều tuyệt vọng. Cô lại mê đi, lại bềnh bồng, không phải cõi chết mà là cõi sống. Cõi sống của quá khứ... Nhị Thu thấy mình đang ở trong biệt giam... rất gần, rất rõ, như mới hôm qua, như ngay bây giờ... Đó là quãng đời cô không cho phép mình quên, mà có lẽ muốn quên cũng không được.
Nghe tiếng kêu kẻng báo điểm danh buổi chiều, Nhị Thu xếp vội mấy vật dụng ít ỏi của mình rồi xối qua người, lau khô để mặc quần áo chỉnh tề. Buổi trưa, biệt giam nóng không thể tả. Hơi nóng hắt ra từ tấm cửa sắt làm phòng biệt giam thêm ngột ngạt. Cũng như đa số phạm nhân biệt giam, Thu chỉ mặc quần lót và một áo dây thật ngắn, cô đã tắm hai lần mà mồ hôi vẫn ướt đẫm chiếc áo mỏng. Cô chỉ mặc đồ bộ lúc làm việc và điểm danh. Tiếng mở khóa, Nhị Thu đứng thẳng người, ca cơm và canh còn để trên bục xi măng, vừa là giường ngủ, một vòi nước. Đủ và quá... tiện nghi cho một người tù. Cô đứng thẳng, xuôi tay đúng "quy cách", mắt nhìn thẳng vào vách tường trước mặt, chịu đựng một cách kiên nhẫn sự xem xét hai thước vuông "thổ cư" của mấy người công an coi trại. Một anh tẩn mẩn đọc hai câu thơ ai đó viết - hay khắc thì đúng hơn - trên vách biệt giam:
"Ngồi buồn ta dũa móng tay.
Chợt nghe thiếu gió mới hay... ở tù".
Anh cán bộ hất hàm:
- Chị viết đó hả?
- Không phải tôi, ai viết lâu rồi, cán bộ.
- Bôi đi.
Một anh khác, chừng như đã quen với dòng chữ này, lắc đầu:
- Khắc mẹ nó vào tường, bôi cái gì.
Họ kéo nhau đi, cửa khóa lách cách, tiếng cửa gió sập mạnh nghe nhức óc, Nhị Thu cởi đồ, trở lại với sự tự do... khuôn khổ của mình.
Biệt giam tối lờ mờ, ngọn đèn vàng vọt trên nóc không đủ để nhìn rõ bàn tay, Nhị Thu mở bịch nylon đựng hai con cá khô mà tập thể 4 vừa gửi cho hồi chiều. Cô lấy cá bẻ nửa con để vào ca cơm đã lượm kỹ sạn và bông cỏ. Cơm nhão, may có miếng cá khô mới nuốt được.
Nhai đến miếng thứ ba, đột nhiên cô nghẹn ngang rồi nước mắt ứa ra. Nhị Thu cố nuốt miếng cơm để mặc cho nước mắt. Cô và miếng khác nhưng thấy nuốt không nổi nên để xuống. Đây không phải là lần đầu cô ăn cơm tù, nhưng là lần đầu cô cảm nhận sự phi lý của đời tù. Sự phi lý của tội danh người ta gán cho cô và những người đồng cảnh. Đã bao nhiêu chuyến đi không thành, không bị bắt thì cũng chạy trối chết, chỉ để tìm một cái gì khác hơn cuộc sống này. Nhưng cái gì đã tạo ra cuộc sống đó? Cuộc sống mà người ta phải bỏ chạy? Nhị Thu thương mẹ, thương em. Tứ Xuân mới mười bốn tuổi cũng bị còng tay quăng vào nhà giam, tội nghiệp con bé. Cô vừa biết nó ở tập thể I, đối diện biệt giam của Tam Hạ. Chị em sẽ an ủi nhau. Lúc ngồi trên xe giải về Phan Đăng Lưu, còn có tên là T.20, cô đã ôm xiết em vào mình bằng cánh tay không bị còng. Cô dặn dò, an ủi em mà chính cô khóc trước. Nhị Thu còn nhớ ánh mắt tỉnh và giọng bực bội của Tam Hạ: "Đi là chấp nhận, cái gì chị cũng khóc được", cô xiết răng khi nói. Nhị Thu gật gật đầu nhưng nước mắt không thể ngừng. Cô cầu xin họ nhốt chung mấy chị em để cô lo được cho Xuân, nhưng đó là ảo vọng. Cô chỉ thật sự yên tâm khi biết tin các em.
Nhị Thu đổ cơm thừa vào bịch nylon để bên góc cầu tiêu. Cô tráng cái chén và muỗng nhựa để vào thau nhỏ trên đầu giường, chỗ cái giỏ đựng ít ỏi đồ đạc cần dùng. Cô lau sạch sẽ "thạch sàn" tuy biết còn lâu mới ngủ được. Biệt giam vẫn hâm hấp nóng. Cái cửa bằng bàn tay để hứng chút gió cũng bị đóng chặt, sau kẻng ngủ, cửa gió mới được mở, giờ đó mọi can phạm buộc phải nằm im trong mùng dù ngủ hay không, nên không sợ chuyện trò liên lạc với nhau. Những tiếng động từ bên tập thể vọng sang, tiếng cười nói, tiếng va chạm, cả tiếng lay cửa sắt, có tiếng hỏi vọng sang:
- Tám ơi! Ăn cơm chưa?
Thu biết hỏi mình, Tám là số biệt giam của cô, cô đến bên cửa, kề miệng nói qua khe:
- Buồn quá, nuốt không nổi, "Bốn" ơi!
Tiếng từ tập thể "Bốn" an ủi:
- Cố gắng đi. Chút xíu vũ trang đi qua, tụi này xin mở cửa cho.
- Cám ơn các bạn.
- Đừng buồn. Mai mốt qua phòng 4 nghe. Nhớ xin quản giáo - À, Tám ơi!
- Nghe.
- Ca sĩ nghiệp dư tập thể "Bốn" xin hát một bài tự biên đặc biệt để tặng bạn, chịu không?
Nhị Thu cảm thấy vui lây sự hồn nhiên của tập thể. Cô vỗ tay:
- Bravo. Hát đi!
Tiếng "đàn lưỡi" búng tăng tăng mở đầu âm điệu bài hát "Giọt buồn không tên" rồi tiếng hát rất hay, rất vững:
"Tình cờ gặp nhau trong chuyến đi xuyên đại dươmg.
Hai đứa cùng chung bao nỗi gian truân mà thương
Hành trang tương lai gói trong con tim thơ ngây
Phó mặc cho rủi may
Về Phan Đăng Lưu chung chuyến xe khi bị bắt.
Hai đứa nhìn nhau chia nỗi lo âu đầu tiên
Còng tay, lê chân lúc đêm khuya ru trăng nghiêng
Mình rét run từng cơn
Em ngồi đó
Bên nhau mà thấy sao như là xa ngàn trùng
Đêm dài quá
Đâu đây vọng tiếng ai kêu ai lần sau cùng
Người ta đưa em qua khu B khi trời sáng
Tôi đứng trông theo, nghe bơ vơ lúc gọi tên
Ta đã xa rồi!
Xa cả mơ ước tìm đến nhau ở bên trời!
Rồi ngày mai đây chẳng biết em - tôi về đâu?
Sông Bé gần đây? Hay Tống Lê Chân rừng sâu!
Làn da em đen
Vết tay chai như tim đau!
Cũng đành biết nói sao?
Ngày về, em ơi, biết có xa xôi vạn lý?
Ta có còn nhau hay lãng quên theo thời gian?
Người thân chung lo với bao đau thương, gian nan
Càng xót xa - Người ơi..."
Không có tiếng vỗ tay như thường lệ, mọi người yên lặng trong niềm xúc động sâu lắng. Bài hát thường thôi, có lẽ trước đây ở ngoài, Nhị Thu có thể cho là "sến" nhưng ai đó đã đổi lời và trong hoàn cảnh này nghe chua xót quá chừng! Lời người con trai nói với người con gái trước khi chia tay trong tù để rồi chẳng biết bao giờ gặp lại, nói lên khát vọng tuổi trẻ cho một tương lai mình phải chấp nhận đổi bằng mạng sống. Nhị Thu lại khóc! Yên lặng đến nỗi cô nghe thấy từng tiếng thở dài bên tập thể. Rồi tiếng nói gần của đàn ông, Nhị Thu đoán ở biệt giam cạnh mình:
- Cô bé ơi. Tuyệt vời, người hát và lời ca. Cho nghe lần nữa được không?
- Mười ơi! Hát lại cả phòng khóc hết bây giờ, thôi nghe.
- Nhưng ai sửa lời hay quá vậy?
- Một chị bạn tù đặt cho tụi này hát.
- Chị ấy đâu rồi?
- Qua Chí Hòa rồi, chị làm nhiều bài dễ thương lắm.
- Ma eo... meeo...
Đột nhiên có tiếng mèo kêu, câu chuyện cắt ngang lập tức, đó là ám hiệu của tập thể II ngoài cùng cho biết có vũ trang đi tuần qua. Tiếng chân đi rồi có tiếng bên tập thể 4:
- Cán bộ ơi!
- Gì?
Tiếng hỏi cộc lốc nhưng giọng con gái vẫn nhỏ nhẹ:
- Cán bộ mở cửa gió cho chị biệt giam 8 đi, chị ấy bị ngộp tim, thở không được.
- Sao mấy chị biết? Bày đặt!
- Thiệt mà, hồi chiều mới cấp cứu.
Cấp cứu? Nhị Thu cười một mình - Đó là mẹo vặt khi họ muốn xin mở cửa gió cho biệt giam - rất xưa mà cũng không bao giờ kém hiệu quả. Cô nghe tiếng càu nhàu của anh vũ trang, rồi anh ta nói lớn:
- Mở cửa để mấy chị nói chuyện hả?
- Không dám đâu. Tội nghiệp người ta...
Giọng khác chen vô:
- Để đức mai mốt đẻ con trai, cán bộ.
Nhiều tiếng cười nổi lên từ tập thể 2, 3 và 4... Giọng con gái áp đảo anh vũ trang dữ quá, anh ta dợm đi thẳng...
- Đi mà... cáan boộ... Mở cửa đi mà!
Giọng nhõng nhẽo đến buồn cười, chắc của cô nào còn trẻ lắm. Và lần này có hiệu quả ngay. Anh vũ trang đưa tay búng chốt cửa biệt giam 8 vừa lẩm bẩm câu gì đó.
- Thở đi, Tám ơi!
Nhị Thu đẩy miếng sắt bằng bàn tay, gió lùa vào khoảng không hẹp, nóng hâm hấp tạo thành cảm giác ơn ớn, khó chịu rồi mới loãng dần. Cô nhìn sang tập thể 4, gật đầu cười. Một cô bé tóc dài, khuôn mặt thật xinh hỏi Thu:
- Hồi nãy chị khóc ha?
- Lúc nào?
- Em hát.
- Hay quá, bé. Cảm động nữa, đúng y tâm trạng chị.
Cô bé hóm hỉnh:
- Vậy là chị cũng quen "chàng" và chia tay?
- Không? Điều đó thì không, nhưng xung quanh chị rất nhiều.
Cô bé chợt cúi mặt:
- Có em trong đó, bởi vậy em thích bài hát đó lắm.
Có tiếng đàn ông vọng ra từ biệt giam, khoảng cách rất gần mà âm thanh nghe như xa lắm:
- Tập thể 4 thiên vị quá, xin mở cửa cho 8 mà quên 10 nghe.
Vẫn cô gái trẻ ranh mãnh:
- Xin cho anh để vũ trang chửi hả? Đàn bà người ta yếu đuối. Dân "kinh tế" mập như anh đâu có yếu tim.
- Không yếu... nhưng tim... bọc mỡ... còn dễ chết hơn.
Mấy tập thể cười ồ lên, lại có tiếng mèo kêu và tất cả im lặng. Những gương mặt áp sát cửa sắt như cố tìm một cái gì đó bên ngoài.
Một chị phòng 3 hát vọng cổ "Biên cương lá rơi, Thu Hà em ơi! Đường dài mịt mờ, anh không tới nơi"... âm vang da diết như một lời tạ tình - Nhị Thu cười, nghĩ đây không phải đường dài, đây là chợ Bà Chiểu, nhưng những ngày tháng trước mặt không hạn định - nó là khoảng cách bất tận cho những trái tim mong đợi.

                                                                                *            *
                                                                                       *

( còn tiếp)

Lý Thụy Ý

Thêm bình luận

Bài vở và hình ảnh xin gởi về This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.