Tri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc
                                                               Nguyễn Công Trứ (1778-1858)

Một trong triết lý sống thực dụng là thuyết trung dung. Dịch nôm na là "vừa phải", “đứng giữa”, không ngả về một thái cực nào. Trên một vài phương diện, người ta có thể cho đó là thái độ ba phải, nghĩa là bên nào cũng đúng. Kiểu, “dĩ hòa vi quý”, không muốn làm phật lòng một ai. Thiếu lập trường.

Bài viết này không đề cập đến thái độ “lưng chừng” đó, nhưng bàn về thái độ sống sao cho vừa phải.

Malcolm Gladwell, một nhà báo, diễn giả, tác giả nhiều khảo cứu giá trị, và là ký giả trong ban biên tập của The New Yorker. Một trong những khảo cứu của ông nói về sự bất lợi và thuận lợi trong cuộc sống.

Cuốn sách, “Underdogs, Misfits, and the Art of Battling Giants” đề cập đến những bất lợi của nhiều nhân vật đương thời, nhưng từ bất lợi họ đã tìm hấy nhiều thuận lợi, và dùng nó làm bàn đạp để tiến lên. Cả cuốn sách, tôi đắc ý nhất hai khám phá qua khảo cứu của Gladwell về tương quan giữa thuận lợi và bất lợi.

1. Những thuận lợi trong bất lợi (the advantages of disadvantages, cái khó ló cái khôn)
2. Những bất lợi trong thuận lợi (the disadvantages of advantages, cái khó bó cái khôn)

Từ năm 1996 đến 2004, hệ thống giáo dục cấp tiểu học tại Hoa-kỳ thay đổi với đề nghị “giảm số lượng học sinh trong mỗi lớp để thành quả của học sinh đạt hiệu quả hơn.” Câu hỏi hóc búa là giảm bao nhiêu thì vừa? Lấy một ví dụ, trường tiểu học Shepaug Valley ở bang Connecticut giảm từ 25 xuống còn 11-12 học sinh, nghĩa là một nửa. Cho đến nay, 77% dân chúng Mỹ tin tưởng rằng giảm số lượng học sinh trong mỗi lớp học (tăng số lượng giáo viên) hơn là dùng tiền thuế để trả lương giáo viên cao hơn.

Làm một biểu đồ để biểu diễn sự tin tưởng của 77% phụ huynh này.



Trục tung chỉ “Thành quả học vấn” của học sinh, và trục hoành chỉ “Số lượng học sinh” trong mỗi lớp học. Đường biểu diễn tỷ lệ thuận (linearity) cho thấy nếu số lượng học sinh lớn thì thành quả học vấn của học sinh kém, và ngược lại. Nghĩa là nếu quá nhiều học sinh trong một lớp, thầy giáo sẽ không có thì giờ chăm sóc từng em một, vì thế kết quả học vấn của các em sẽ tụt hẳn. Do đó cần phải giảm số lượng học sinh trong mỗi lớp của bậc tiểu học. Nhưng liệu đường biểu diễn còn giữ tỷ lệ thuận khi số lượng học sinh giảm thiểu đến mức thấp nhất không? Và mức thấp nhất đó là bao nhiêu, như theo trường kiểu mẫu Shepaug Valley, chỉ còn 11-12 học sinh.

Nhà kinh tế học Caroline Hoxby nghiên cứu tương quan giữa số lượng học sinh trong mỗi lớp và mức thành quả học vấn của nhiều quốc gia: Úc, Pháp, Nhật, Singapore, Hồng-kông, Tô-cách-lan, Hoa-kỳ, Hy-lạp, Băng-đảo, Gia-nã-đại, Cộng hòa Czech, Đại-hàn, Bồ-đào-nha, Romania, Slovenia, và Tây-ban-nha. Dữ liệu cho thấy nước Pháp giảm số lượng học sinh chỉ ảnh hưởng trên lớp toán. Riêng 2 nước Hy-lạp và Băng-đảo thành quả học vấn trong tất cả các bộ môn có phần vượt trổi khi giảm thiểu số lượng học sinh xuống mức thấp nhất. Trong từng ấy quốc gia, chỉ có hai nước đạt được kết quả như dự đoán, mặc dù kết quả khá khiêm tốn so với ngân quỹ quốc gia chi tiêu vào việc trả lương thầy giáo đã tăng hơn gấp đôi. Tại Hoa-kỳ, ngân quỹ giáo dục chi tiêu riêng cho bậc tiểu học từ 1996-2004 trên mỗi đầu học sinh tăng 21%, tính ra hàng tỷ đô la, vì phải trả lương cho số lượng thầy giáo tăng gấp đôi. Bà Hoxby kết luận, giảm số lượng học sinh tiểu học xuống một nửa chẳng gây ảnh hưởng gì trên thành quả học vấn, hoặc nếu có thì cũng không đáng kể so với ngân quỹ bỏ thêm để chi tiêu.

Gladwell nghĩ đến một biểu đồ khác biểu diễn cho tương quan giữa số lượng học sinh trong mỗi lớp và mức thành quả học vấn.



Đường biểu diễn không còn tỷ lệ thuận nữa nhưng là một đường biểu diễn parabol. Điểm cao nhất biểu hiện sự trung dung. Một số lượng học sinh nào đó, nằm giữa lớn và nhỏ, sẽ dẫn đến một thành quả học vấn cao nhất. Gladwell phỏng vấn một số thầy giáo và đúc kết, “...18 học sinh là con số lý tưởng. Ở con số này học sinh nào cũng được thấy giáo để ý một cách đúng mức. Con số 18 có thể chia thành từng nhóm nhỏ 2, hoặc 3. Thầy giáo cũng đủ sức để theo dõi học lực của mỗi học sinh. Nếu không được 18 thì 24. Và đó là con số tối đa để mỗi thầy giáo làm tròn nhiệm vụ của mình. Ít quá, học sinh sẽ không thấy sự khác biệt về ý kiến của cả lớp. Sự khác biệt (diversity) sẽ dạy các em một cách gián tiếp biết chấp nhận sự dị biệt. Ít quá, các học sinh sẽ không chung đụng đủ để tự mài dũa và ứng phó với những tình huống khó khăn sau này.” Như thế số lượng học sinh trong mỗi lớp không những ảnh hưởng đến thành quả học vấn, mà còn giúp các em về mặt tâm lý xã hội về sau nữa.

Thuyết trung dung áp dụng vào lãnh vực giáo dục đưa đến một kết quả được nghiệm chứng một cách khoa học. Một số lượng học sinh vừa phải (trung dung) sẽ đưa đến một thành tựu học vấn cao nhất cho con em. Nói khác đi, mỗi lớp gồm từ 18 đến 24 học sinh sẽ đạt kết quả tốt nhất. Và khảo cứu sau đây của Gladwell sẽ thuyết phục mạnh mẽ những ai còn nghi ngờ kết quả của thuyết trung dung.


Gladwell nghiên cứu tương quan giữa sự giàu có và vấn đề giáo dục con cái. Nghèo quá khó giáo dục con cái cho vẹn toàn (cái khó bó cái khôn) nên ai cũng nghĩ nếu có nhiều tiền thì việc giáo dục sẽ dễ dàng hơn. Đúng, nghèo quá nên không tính được chuyện gì cho ổn và ai cũng mơ ước có thật nhiều tiền để lo cho con cái chu toàn hơn. Nghèo đói tạo khó khăn thì ai cũng hiểu, nhưng quá dư dật thì việc giáo dục con cái có dễ dàng như nhiều người nghĩ không. Gladwell cũng dùng một biểu đồ để diễn tả sự khó khăn và dễ dàng trong việc giáo dục con cái.

Biểu đồ diễn tả tương quan tỷ lệ thuận giữa của cải và sự giáo huấn con cái. Nghèo thì dạy dỗ con cái khó khăn. Giàu thì dễ hơn. Càng giàu càng dễ. Nhưng đến mức nào thì gọi là giàu. Và có đúng càng giàu càng dễ giáo huấn con cái không?

Gladwell phỏng vấn những gia đình khá giả sinh sống ở vùng Hollywood và nhận thấy sự chán chường thất vọng của cha mẹ. Grubman, một người cha, tâm sự, “mỗi khi từ chối một đòi hỏi nào của con cái, chúng biện luận bố lái xe Porche, mẹ lái Maserati mà bảo không có tiền?” Nếu gia đình ở tầng lớp trung lưu (middle class) thì sự từ chối sẽ dễ dàng hơn, vì lẽ tiền đào đâu ra để thỏa mãn những đòi hỏi (vô lý) của chúng. Grubman thở dài, “...làm sao tôi dạy chúng phải làm việc cật lực, phải biết tự lập, và nên hiểu được giá trị của đồng tiền.” Con cái sinh ra trong nhung lụa, tất cả vật chất đều có trong tầm tay, và sự đòi hỏi (nhiều lúc không tưởng so với con cái ở tầng lớp trung lưu) tăng theo số tuổi với kỳ vọng luôn được thỏa mãn. Tục ngữ Anh có câu, “born with a silver spoon in one’s mouth”, giống như câu tục ngữ Việt, “đẻ bọc điều.” Con cái xuất thân từ những gia đình giàu có sung túc không có ước mơ, vì tất cả những gì chúng mơ đều được thỏa mãn. Ước mơ của chúng may ra kéo dài được vài giờ, cùng lắm là một ngày, và trở thành hiện thực ngay. Một khi đã đạt được điều mình muốn thì không thể gọi là mơ ước nữa. Thật đáng buồn khi cuộc đời không còn gì để mơ ước. Sự thỏa mãn thấm nhập vào tâm trí của chúng suốt tuổi thơ, và sau này khi bước vào đời chúng khó chấp nhận thất bại. Rõ ràng sự giáo huấn con cái khó khăn không thua gì sự giáo dục của những gia đình nghèo. Một khi bố đậu chiếc Ferrari ngay trước đại sảnh, sở hữu chiếc phản lực cho công việc buôn bán, và một căn nhà đồ sộ thì khó dạy cho con biết giá trị của đồng tiền. Câu châm ngôn, “Áo rách lại thành áo rách sau 3 đời, Shirtsleeves to shirtsleeves in three generations,” diễn tả đời cha làm lụng vất vả tích lũy của cải cho con, con ăn hết một đời rồi đến cháu, và những đứa cháu sẽ phá của và con cái chúng sẽ trở thành khố rách áo ôm, giống ông nội của chúng thuở hàn vi. Ý-đại-lợi cũng có câu, “Từ ngôi sao đến bần cùng, Dalle stelle alle stalle.” Tây-ban-nha khuyến cáo, “Người không có thì có, còn người có lại lạm dụng; Quien no lo tiene, lo hance; y quien lo tiene, lo deshance.” Câu tục ngữ của Việt nam nói càng rõ ràng hơn, “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời.” Vì nếu không khéo, của cải sẽ tiêu tan sau 3 đời, vì con cháu không chịu khó làm lụng mà chỉ biết ngồi hưởng những gì cha ông để lại. Ngồi chỉ ăn thì của cải cao như núi rồi cũng hết. Sự giàu có không kéo dài quá 3 họ.

Rõ ràng trong sự giàu có đã chứa mầm tai họa.

Mỗi mùa hè con cái sung sính trong bộ áo ra trường và nếu dò hỏi tôi tin chắc rằng đa số các cô cậu tốt nghiệp đều xuất thân từ những gia đình trung lưu. Thế nào là trung lưu? Gladwell đề nghị một biểu đồ khác diễn tả sự tương quan giữa của cải và sự giáo huấn. Ông cũng nghiên cứu, so sánh, cân nhắc, xem xét vật giá và đồng lương của cha mẹ và đưa ra một con số tiêu biểu.



Ông kết luận, “...với mức lợi tức 75 nghìn USD, sống trong một thành phố vừa phải về mọi mặt, sự giáo dục con cái sẽ dễ dàng hơn.” Nhìn biểu đồ chúng ta thấy giàu quá hoặc nghèo quá đều dẫn đến một sự khó khăn giống nhau.

Một lần nữa, thuyết trung dung được biện minh một cách thuyết phục. Nhìn vào điểm cao nhất của đường biểu diễn parabol ($75000), tôi có thêm vài nhận xét khá lý thú.

- Đem áo dụng biểu đồ này vào toán học ta biết phương trình biểu diễn của parabol là một phương trình bậc hai, ax2 + bx +c. Muốn tính điểm cao nhất này ta phải lấy đạo hàm, 2ax + b, và phải cho đạo hàm triệt tiêu, nghĩa là bằng zero (d = 0),

- Đem áp dụng vào vật lý ta nhận ra đường biểu diễn của sự rơi tự do. Một vật được bắn lên không trung, sẽ di chuyển trong một thời gian rồi rơi trở lại mặt đất. Vận tốc bay đi thay đổi tùy theo sức phóng, nhưng khi quay trở lại mặt đất, mọi vật đều bị chi phối bởi sức hút của trái đất với vận tốc 9.8m/s. Đây là vận tốc của sự rơi tự do. Cứ lấy đạn đạo của một quả đại bác thì dễ hiểu hơn. Muốn tính điểm cao nhất của đạn đạo, ta phải cho vận tốc bằng zero (v = 0). Ngay tại điểm cao nhất, vận tốc bị triệt tiêu, không còn là vận tốc nữa. Nó ngừng hẳn, và một phần tích tắc sau đó, nó rơi ngược trở lại trái đất.

Nếu đường parabol tượng trưng cho cuộc đời của một người thì điểm cao nhất của biểu đồ cũng giống như lúc vinh quang nhất (giàu nhất, thành công nhất) của người đó. Tại thời điểm này thấp thoáng đã thấy con số không (d=0, v=0), rồi từ đó trở về lòng đất. Tôi nghiệm được rằng lúc sinh ra trần truồng với hai bàn tay trắng thì khi trở về lòng đất cũng trắng tay. Quả là vô thường. Cuộc đời như đám mây trôi, tụ rồi tan. Giàu có hay nghèo khó rồi cũng như nhau, trắng tay. Kinh Lạy Cha có lời nguyện, “...xin cho chúng con lương thực hằng ngày.” Sống trung dung giữ được sự quân bình, đầu óc vẫn lo nghĩ nhưng sẽ có nhiều lúc thảnh thơi hơn, nhất là khi về già. Nghiêng về một thái cực thường đem lại sự bất ổn, lòng bồn chồn bất an. Như ăn uống không điều độ sẽ gây bội thực. Trong tình yêu cũng thế, nếu yêu vừa phải tình yêu sẽ kéo dài đến tuổi già. Đam mê là một thái cực của tình yêu và thường mau tàn lụi. Của cải vừa phải dẫn đến một trạng thái an bình (peace of mind), một điều mà nhiều người rong ruổi cả đời vẫn không tìm được.

Giàu hay nghèo có lẽ không quan trọng bằng một tâm hồn an bình. Đức Phật dạy, “Tâm bình, thế giới bình.” Khái niệm giàu nghèo nằm ngay trong não trạng của mỗi người. Khi biết đủ là đủ. Cứ mải chạy theo lòng tham thì biết đến bao giờ mới đủ, và lòng không thể nào bình an. Giữ một nếp sống thanh tịnh, vật chất thanh đạm, lòng sẽ thanh thản, và khi rời bỏ cõi trần hồn sẽ dễ dàng thanh thoát.
Cụ Tồn Chất để lại cho hậu thế một kinh nghiệm sống, đúng hơn - một triết lý sống, “Biết đủ là đủ.”

  Hạ Ngôn
Thêm bình luận

Bài vở và hình ảnh xin gởi về This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.