alt

Phải mất đến mấy tuần, hai ngăn tủ “bạn cũ“, “bạn mới“ trong óc chúng tôi mới hòa nhập thành một khối. Như có một luồng gió nhẹ nhàng nhưng thông thống thổi qua, nối kết những ngăn kéo này lại. Thật là sảng khoái khi ranh giới “bạn mới“ và “cũ“ không còn. Cả hai chính là một.
Và cây Muồng xưa lại hiện về, rõ mồn một …


Từ tháng 12, nạn cúm heo H1N1 bắt đầu hoành hành trở lại. Đã có hàng loạt người lâm bệnh và qua đời. Hiện nay tại Đức 75% số bệnh nhân bị cúm được xếp vào loại cúm heo. Thế mà tháng 10-2010 WHO (World Health Organisation) đã tuyên bố khóa sổ giai đoạn bệnh dịch cúm. Tổng kết Thu Đông 2009/2010 cho biết riêng Châu Âu đã có khoảng 17000 người chết vì dịch này.

Báo chí năm nay không đề cập đến cúm heo vì có nhiều đề tài nóng bỏng ăn khách hơn. Nào là Wikileaks với những công bố tuyệt mật. Thiên hạ xôn xao với những tiết lộ đánh giá của giới ngoại giao và chính phủ Mỹ về các chính trị gia các nước bạn. Như một cơn bão kéo qua, một số nhân vật đang bị lung lay uy tín, căn bệnh đột biến, cần được cứu chữa gấp. Rồi đến chuyện thêm quân, giảm quân ở A-Phú-Hãn, chuyện thiếu muối rải chống tuyết vì mùa đông khắc nghiệt hơn dư tính, nhiếu phi trường ngưng hoạt động vì băng tuyết, các phương tiện di chuyển khác như xe lửa, xe bus, xe hơi đều bị đình trệ.

Ngay cả trong giới Việt kiều chẳng mấy ai để ý đến dịch cúm. Triệu chứng cơ bản là ho, sổ mũi, khó thở, rối loạn tiêu hóa và... sốt. Đơn lẽ, có vài cơ quan sức khỏe cảnh giác, người mắc phải những triệu chứng này, nên đi bác sĩ gấp, định bệnh.

Giữa lúc ấy thì hai chúng tôi, một ở Cali, một ở Frankfurt lên cơn sốt!

Mặc dầu không đo nhiệt độ, chúng tôi biết chắc chắn mình đang sốt cao, dễ chừng lên đến 39 - 40oC!

Về sốt và nhiệt độ tiếng Đức có khái niệm gefuehlte Temperatur, tiếng Anh perceived temperature, tạm dịch sang tiếng Việt là nhiệt độ tự cảm. Khi mùa đông đến chuyển lạnh đột ngột. Cơ thể còn người chưa thích ứng nhiệt độ tự cảm thường thấp hơn mức hàn thừ biểu chỉ. Nhiệt độ con người cũng thế, nếu đo nhiệt kế chắc cũng đâu đó xấp xỉ 37°C (97oF), trong giai đoạn này nhiệt độ tự cảm có thể lên đến 39-49°C không chừng. Chúng tôi gọi đùa là “Cơn sốt Lasan”.

Số là, giữa tháng 12-2010, ba người bạn cũ Lâm Lý Trinh (mới đọc qua cứ tưởng nữ tài tử màn bạc họ Lâm nào đó của phim trường Hồng-kông lạc vào sân trường Lasan, nhưng thật ra đây là ba tên đực rựa Lâm, Lý, và Trinh) sau mấy mươi năm lưu lạc mỗi đứa một phương bắt liên lạc lại và phăng ra được 5-6 bạn khác. Từ đó, gần cuối tháng 12 thư ngỏ cựu học sinh La san Bình Lợi ra đời. Trang Thông Tin Liên Lạc Cựu học sinh Trường Trinh Vương Qui Nhơn đã mở rộng vòng tay đón chúng tôi, những người cùng quê hương, xứ sở, những người bạn đã chia sẻ từng con đường, những ngọn cây và bờ biển xanh.

Sau đó vài hôm chúng tôi khai trương mái nhà Lasan6572, để trao đổi, ôn lại chuyện xưa - có những chuyện không tiện đưa lên mạng. Vỏn vẹn có 4 tuần chúng tôi đã viết và đọc gần 800 cái thư -ngắn chỉ một dòng, có khi dài cả trang. Ôi, bao ức chế từ bấy lâu nay có dịp tuôn ra, mạnh ai nấy viết, có khi câu chuyện chẳng ăn nhậu gì đến nhau, lại được dịp nghỉ Giáng sinh, nên đứa nào cũng thèm được viết được kể. Cơn sốt đang lên đến lên cao điểm. Chuyện trò rôm rả, thú vị nhưng bỗng nhiên chúng tôi bị khựng lại. Có một điều gì không ổn, một khúc mắc vẫn còn đọng lại. Chúng tôi xa nhau đã lâu, nay được xem hình mới của bạn bè, nhưng lạ quá không nhận ra nhau. Tên vẫn còn nhớ, nhưng gương mặt và cả giọng nói đã thay đổi quá nhiều. Nhiều đến nỗi, đôi khi phải tự hỏi, đâu là bạn mới, đâu là bạn cũ.

Thông thường khi làm quen 1 người trên mạng hoặc nói chuyện qua điện thoại, chúng ta đều cố mường tượng khuôn mặt của người chưa từng gặp. Đọc thơ Nguyên Hạ, thơ Mỹ Vân, đoản văn của Phạm Thiên Thu, hoặc những tác giả khác, tạo dựng cho mình 1 hình dung của những tác giả này - dù đúng hay sai, vẫn không phải là điều khó vì “văn là người”. Song chúng tôi còn giữ hình ảnh bạn cách đây 40 năm trong ký ức, dù rất nay ngắm hình mới, đọc giọng văn mới, có gì mù mờ, ấm ức, lẫn lộn. Một bạn trong nhóm mới nảy ra sáng kiến: gửi hình mới và hình cũ để chúng tôi dễ nhận dạng nhau. Ô, đây đúng là thằng Lý rồi. Từ đó bạn Lý “mới” và thằng Lý “cũ” hòa nhập vào nhau thành một. Đúng như một bạn trong nhóm đã diễn tả:

“Phải mất đến mấy tuần, hai ngăn tủ ”bạn cũ“, “bạn mới“ trong óc chúng tôi mới hòa nhập thành một khối. Như có một luồng gió nhẹ nhàng nhưng thông thống thổi qua, nối kết những ngăn kéo này lại. Thật là sảng khoái khi ranh giới “bạn mới“ và “cũ“ không còn. Cả hai chính là một”

Trở lại chuyện 800 cái thư, từ sơ đồ trường, lớp học, frère thầy, bạn bè, đường phố Qui Nhơn tất cả đều được chúng tôi mổ xẻ, moi lại từ ký ức, bổ xung hình ảnh, dữ liệu cho nhau. Người ngoài nhìn vào có thể cho chúng tôi là một lũ điên cãi nhau inh ỏi, nhưng trong cuộc, chúng tôi gọi đó là tranh luận, là bổ túc, là tìm về ngày xưa. Ôi thật hạnh phúc, được sống lại kỷ niệm, được thêm một lần làm lũ trẻ hồn nhiên, nghịch ngợm. Một đề tài được bàn thảo sôi nổi là cây cối trong khuôn viên trường. Hầu như đứa nào cũng gắn bó kỷ niệm vào một cây, nhưng không đồng ý với nhau về tên cây và vị trí.

Trinh:Tao không biết có phải cây đa không, nhưng cây to lắm. Từ ngoài cổng bước vào, nó nằm gần ngay trên đường chính, bên phải. Đứa nào leo trèo lên cây đó đều bị phạt. Thế cây đó là cây gì? tao thường chơi bắn bi với mấy thằng bạn trên sân này, lớp đệ Lục. Và thằng Thuận có chơi chung.

Lâm: cái cây từ nhà giữ banh đến nhà chơi có mái là cây bàng. Còn đối xứng cây bàng qua đường từ cổng vào là cây me có trái chua mà thèm chảy nước miếng. Xe ca chạy dưới tàng cây me để vào nhà xe ở đàng sau trường, chỗ nhà bếp.

Trinh: Mày nhớ lại đi, cây gì? chắc không phải cây bàng vì cây bàng nằm ngoài cổng, chỗ nhà ông giữ cổng. Cũng không phải cây khuynh diệp. Tao sẽ sửa lại tên của cây này cho đúng.

Chiến: Trinh, cây mà mầy viết đó là cây ME tây, gọi me tây là để phân biệt với cây me cuả mình, vì nó là giống cây nhập, vị trí cây me ấy giống như ở ngã tư các frere hay đứng ở đó “canh me“ tụi minh...

Khuôn: Có phải mày muốn nói cây cổ thụ nằm ở góc sân bóng chuyền bên phải, nếu từ đó từ cổng đi vào, chung quanh cây này có nhiều hàng ghế xi-măng để ngồi chơi. Ngay nơi này có lối đi vào lớp Pháp văn học với frere Guibert Nhạc. Cây này là cây Me Tây, cùng loại với hàng cây dọc hai bên đường trước cổng trường Trinh Vương, chạy thẳng ra chợ Qui nhơn. Tao nhớ rõ cây này vì thường ngồi đó chờ xe ca mỗi ngày...


Thật là rối rắm ! Chia năm xẻ bảy kiểu này thì chỉ có thua chứ không có kẻ thắng. Giữa lúc ấy, Chiến dòng dõi Kiểm Lâm dõng dạc tuyên bố trường mình có tất cả 7 loại cây: bàng, Me tây, me ta, khuynh diệp, keo, dương liễu và đặc biệt là 2 cây Muồng cổ thụ bên hông nhà nguyện, ước chừng nó bằng tuổi với trường cuả tụi mình, mà bây giờ vẫn còn thấy trên google.

Cây dương liễu và khuynh diệp là nơi trốn học, đứa nào cũng biết. Cây Me trèo lên hái me thì đúng rồi. Minh nhớ có lần trèo lên keo tây, gỡ keo hòa nước làm thủ công, bị cấm túc. Nhưng còn cây Muồng?

Thằng Lý sực nhớ lá như lá me, nhưng to hơn, dính líu đến Mimosa.

Minh: Tao coi trên mạng thấy có nhiều loại Muồng: Muồng Trâu, Muồng Đen, Muồng Kim Phượng. Và có bài thuốc Nam trị nhiều chứng bệnh: thằng Khuôn nói dầm lá Muồng với muối và dấm là đúng. Còn thằng Lý đoán mò biết chừng đâu hên, cũng đúng luôn !?

Khuôn: Cây "Kỷ Niệm" cua thằng Trinh ở ngã tư cắt nhau bởi hai con đường (đường từ cổng vào nhà nguyện và đường nối từ nhà chơi qua dãy lớp đệ Thất, lớp Pháp văn của frere Guibert. Cây này có băng xi-măng chun quanh để tụi mình ngồi chờ xe ca chuyến hai. Nhiều đứa bị đòn vì cây Kỷ niệm này. Cây Muồng của thằng Chiến ở sân sau, kế bên nhà nguyện. Ngồi trong phòng các giáo sư nhìn ra phía sau sẽ thấy nó rất rõ ràng. Cây của thằng Chiến và thằng trinh không dùng được trong toa thuốc Nam của thằng Lý dự định xuất cảng qua nước... Lèo.

Khuôn: Ê, Minh, Trinh, tao có thằng bạn, nó là kỹ sư Thủy Lâm chuyên về lâm sản (kahi thác và chế biến gỗ) và không cần biết về lâm sinh (trồng gây rừng). Vì „ăn gỗ“ nhiều quá và nhậu nhẹt li bì nên cuối cùng bị tai biến não. Tao có hỏi nó về cây Muồng ờ VN, nó trả lời một cách ngon ơ, „Cây Muồng tên khoa học là Aurum pura sp, và đó là một loại cây duy nhất mà tao biết ở VN.

Lang thang trên mạng, tôi tìm thấy một bài viết thật thú vị:

Với cái tên tượng hình - Muồng ngủ - đủ cho bất kì ai quan tâm có thể nhận dạng được, bởi chỉ cần chịu khó đợi đến hoàng hôn, sẽ thấy toàn bộ lá của cây dần dần xếp lại như kiểu xếp lá thẹn thùng của loài cây Trinh nữ mỗi khi chịu một sự va chạm nho nhỏ nào đó. Toàn bộ lá Muồng ngủ không chỉ lim dim ngủ lúc ngày chuyển đêm mà cũng khép nép rũ mình khi trời mây vần vũ chuyển mưa, vì vậy có tên tiếng Anh là Rain Tree. Nhờ vậy, vòm tán Muồng ngủ đã nhường những khoảng không gian đủ cho sương sa vào những đêm mùa hạ, đủ cho những hạt mưa trái mùa phát tán theo chiều trọng lực, khiến cho những loài cây cỏ nhỏ hơn sống ở tầng bên dưới đêm đêm đủ oxy để thở, hay đủ hơi ẩm để tắm mình... nhờ thế mà xanh tươi cùng vạn vật, xanh hơn hẳn những thảm cỏ chung quanh. (blog Đỗ Xuân Cẩm)

Hóa ra cây Muồng ở trường La San Bình Lợi ngủ như một sinh vật. Các loài thú ngủ đông (hibernate) khi thức ăn hiếm hoi chỉ chừng mấy tháng rồi thức dậy vào mùa Xuân để kiếm sống, thế mà cây Muồng này lại ngủ quên một giấc dài, quá dài trong suốt 40 năm. Và bây giờ nó thức giấc vươn những nhánh cây dài tua tủa lay động ký ức chúng tôi, và những kỷ niệm ấm áp năm xưa được dịp ùa về sưởi ấm con tim trong những ngày đông giá.

Ngày mùng Một Tết mọi người thường đi hái lộc đầu Xuân để lấy hên trong năm. Xin gửi một lá Muồng đến mỗi cựu học sinh Lasan rải rác khắp nơi làm Lộc cho năm Tân Mão. Xin gửi một nhánh Muồng làm gạch nối Hạnh Phúc giữa những cựu học sinh Lasan với nhau. Xin tàng cây Muồng che chở tuổi Thọ cho chúng ta và mong rằng bóng mát cây Muồng sẽ lan rộng ra khắp năm châu bốn bể.

 Hà Quang & Hà Ngân
Quà Tết Tân Mão tặng bạn cũ-bạn mới Lasan QN
Thêm bình luận

Bài vở và hình ảnh xin gởi về This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Lời Bàn Mới

Hình Mới