Đừng tưởng dễ bắt bí với câu hỏi “đố ai nằm ngủ không mơ” vì vẫn có người ngủ một lèo không mộng mị gì hết, hay nói đúng hơn, có chiêm bao nhưng không nhớ! Dễ ăn hơn là câu hỏi “đố ai chưa từng mất… ngủ?!” vì chắc mẻm là không sót người nào. Không lạ gì khi, chỉ nói riêng ở Đức vì biết đâu nói đó, mỗi năm người dân tiêu thụ không nhiều, chỉ tròm trèm một tỷ viên thuốc ngủ! Tất nhiên vì đó là giải pháp đơn giản, uống vào ngủ ngay, và vì thầy thuốc cũng không ngần ngại khi biên toa cho hài lòng khách hàng là thượng đế đang cần ngủ vài đêm trước cuộc sống ngày càng khó ngủ.

Điều đáng nói là tuy có hàng trăm loại thuốc ngủ nhưng không nhà sản xuất nào, đặc biệt là với các dược phẩm từ hóa chất tổng hợp, dám quả quyết là thuốc của tôi không gây phản ứng phụ vì hoàn toàn phù hợp với nhịp sinh học trong cơ thể của mỗi đối tượng cá biệt về tính cảm ứng! Lý do là vì hễ dùng thuốc ngủ nhiều lần thì phải tăng dần lượng thuốc để rồi đến lúc nào đó, sớm muộn tùy cơ tạng và bệnh lý của mỗi người, thuốc sẽ mất tác dụng, hay nói đúng hơn, sẽ bắt đầu biểu lộ phản ứng phụ. Một trong các hậu quả do lệ thuộc thuốc ngủ, bên cạnh triệu chứng run tay, đãng trí, lờ đờ, mệt mỏi, thay đổi cá tính, lại chính là… mất ngủ!

Điểm đáng nói hơn nữa, nếu xét về mặt độc tính, là không có thuốc ngủ loại nhẹ! Trái với thuốc dẫn xuất từ dược thảo, với thuốc hóa chất tổng hợp chỉ có thuốc an thần loại cực mạnh hay khá mạnh. Với thuốc rất mạnh, chẳng hạn với nhóm barbiturates, thuốc dễ gây hiện tượng ngộ độc vì cơ chế tác dụng chẳng khác nào thuốc gây mê. Hệ thần kinh trung ương bị ức chế đến độ người bệnh đi vào giấc ngủ như tê liệt vận động. Hệ tuần hoàn khi đó chỉ hoạt động ở mức tối thiểu nên người dùng thuốc khi thức dậy sẽ mệt mỏi kéo dài cả ngày vì toàn thân thiếu dưỡng khí. Hơn thế nữa, thuốc ngủ thuộc nhóm này có nhiều phản ứng tương tác khó lường nếu người mất ngủ phải dùng thuốc khác như thuốc hạ áp, hen suyển, thấp khớp, dị ứng… Cũng may là ít khi thầy thuốc phải dùng đến thuốc này chỉ để trị mất ngủ!

Thường có mặt bên giường của người thao thức suốt đêm là các loại thuốc an thần thuộc nhóm diazepam. Thuốc này tuy ít độc hơn nhóm trên nhưng vẫn hại không kém vì thường được dùng lâu dài. Hậu quả là người dùng thuốc sau một thời gian khó tránh vừa trầm uất vừa mất ngủ!, nghĩa là gậy ông đập lưng ông. Theo kết quả nghiên cứu ở Hoa Kỳ, người dùng thuốc an thần thuộc nhóm này, nếu kéo dài hơn 3 tháng dễ bị:

- Lo sợ vô cớ và mất ngủ dưới dạng thức quá sớm và thức luôn đến sáng.

- Nín thở trong khi ngủ khiến thiếu máu đột ngột trong não và trên thành tim.

- Phân liệt cá tính, đặc biệt ở người nghiện rượu, dưới dạng hoang tưởng và khuynh hướng tự tử.

Cũng theo chuyên gia về giấc ngủ ở Đức, tình trạng lệ thuộc thuốc ngủ là một trong các lý do dẫn đến “hội chứng mệt mỏi kinh niên”. Thầy thuốc ở trung tâm nghiên cứu về giấc ngủ ở Stuttgart đã vì thế cảnh báo người dùng thuốc và ngay cả đồng nghiệp:

- Đừng dùng thuốc an thần lâu hơn 3 tuần mà không truy tìm nguyên nhân gây mất ngủ.

- Giảm dần liều lượng cho đến khi ngưng thuốc, đừng quá nhanh nhưng phải ngưng thuốc cho bằng được.

- Thay thế thuốc hóa chất bằng thuốc dược thảo hay bằng liệu pháp khác càng sớm càng tốt.

Hoàn toàn không có gì khó hiểu nếu “hội chứng mệt mỏi kinh niên” đang và sẽ có mặt rất thường ở xứ mình với tình trạng không ít thầy thuốc cho thuốc an thần một cách hào phóng như hiện nay.

  Bác Sĩ Lương Lễ Hoàng.

Nguồn: luonglehoang.com
Thêm bình luận