Em đau hay sao mà ho suốt đêm vậy?

Tôi quay mình sang bên kia không trả lời.

- Em đau hả?

Tôi kéo chăn trùm kín đầu, nước mắt rưng rưng, từng giọt, từng giọt lăn xuống má, cố nén tiếng nấc, thò tay ra khỏi chăn với hộp giấy kleenex để ở cái bàn sát bên đầu giường cho vào trong hỷ mũi. Tôi lặng im, chẳng đếm xỉa đến câu hỏi của nhà tôi, nằm một lúc, bước xuống giường lạnh lùng vào phòng tắm lấy thuốc uống rồi lại lên giường nằm, kéo chăn phủ kín đầu.

- Em đau thật à?

Tôi gắt lên từ trong chăn:

- Hỏi vậy mà cũng hỏi được, còn câu nào hay hơn nữa không?

Nhà tôi ngạc nhiên kêu lên:

- Ủa, sao vậy?

Vẫn cái chăn trùm kín đầu, tôi nói vọng ra:

- Trăng sao gì, mắc mớ gì đến anh mà hỏi?

- Sao lại không mắc mớ, em đau thì anh phải quan tâm chứ, hỏi có vậy mà cũng cằn nhằn, người gì mà khó chịu.

Tôi tức tối hất cái chăn sang một bên, vừa lấy giấy lau nước mắt, vừa hỷ mũi, vừa nói:

-Ai mượn anh hỏi? Mấy hôm nay anh biết người ta đau nhưng cứ lờ đi, anh cứ tỉnh như không, cứ làm như nhà này không có em hiện diện... chắc tại đêm qua em ho, em sổ mũi suốt đêm làm anh mất ngủ nên anh mới để ý chứ gì... em có chết anh cũng chẳng biết.

Nhà tôi vội vàng phân bua:

- Em nói quá, em đau sao lại không biết, chỉ tại chưa kịp hỏi thôi, em không nhớ kỳ trước em đau anh nấu cháo cho em sao? Lúc đó anh đâu có thấy em cằn nhằn như bây giờ.

Nghe nói, nước mắt tôi tràn xuống má, vừa khóc vừa tủi thân:

- Nói đến nồi cháo của anh bắt rùng mình, em đâu có ngờ cái tài săn sóc người bệnh của anh nó khủng khiếp đến như vậy. Bị đau nằm chờ cả buổi để ăn miếng cháo do chính anh nấu, vừa mới đưa muỗng lên thử đã phỏng cả môi vì mặn. Anh đem hết muối ở chợ về bỏ vào nồi cháo cho em ăn để em lên tăng-xông chết sớm chứ gì? Anh cố tình hại em, anh cố tình đầu độc em, em làm gì không phải cứ việc nói ra... à, hay là anh muốn có tự do? Nếu vậy cứ việc nói, em cho anh toại nguyện, đâu cần chờ lúc em đau để đối xử tệ với em như vậy? Hôm ấy em có dám đụng đến chén cháo của anh đâu mà kể công với em. Đau muốn chết mà cũng phải lết xuống bếp nấu mì gói ăn để uống thuốc... anh muốn em chết sớm cho rảnh nợ chứ gì? Em biết mà...

Nhà tôi cười khì, nằm sát bên cạnh, vừa đùa, vừa dỗ dành:

- Nói bậy không à, làm sao anh lại muốn em chết chứ? Em chết anh ở với ai?

Tôi hờn dỗi:

- Thiếu gì người đang chờ anh, mấy con gà mái dầu, mái tơ đang chờ anh ở Việt Nam đó, em đâu có là cái thá gì đối với anh, vì thế em đau, anh đâu có thèm quan tâm, sống chết mặc em mà...

- Sao lại không quan tâm, không lo cho em? Không lo mà hôm ấy anh tình nguyện nấu cho em hả? Chỉ tại hôm ấy anh vô ý nêm nồi cháo đến 2 lần nên mới hơi mặn có chút xíu mà em cũng nhắc đi nhắc lại mãi, anh không ngờ em lại nhớ dai như vậy. Hôm ấy anh định đổ đi nấu nồi khác nhưng em không chịu, vậy mà bây giờ gán ghép anh nào là muốn đầu độc, muốn em chết sớm... những cái tốt của anh chẳng bao giờ nghe nhắc đến, chỉ thấy em nhắc những cái không đâu vào đâu thôi. Hôm ấy anh đâu có thấy em nói gì? Vậy mà hôm nay nghe em diễn giải cái nồi cháo của anh cứ như thật.

Tôi nằm xích ra nghẹn ngào:

- Hôm ấy tại người ta đau, vả lại thấy chén cháo của anh là hết cả ý thì còn đâu mà nói được. Nhưng anh cũng không cần phải phân bua với em làm gì, anh đối xử với em ra sao em biết mà, chỉ có người ngoài là bị anh bịt mắt thôi, ở trong chăn mới biết chăn có rận, con nào con nấy to tổ bố có ai biết cho đâu... cứ tưởng là em có phước được anh cưng chiều lắm không bằng...

Tôi ngừng lại lấy giấy lau nước mắt, lau mũi rồi tiếp:

- Anh tưởng em không nói là không có chuyện gì xảy ra hả? Không nói đâu có nghĩa là em quên, chỉ tại anh nhắc đến nên em mới nói thôi... à, hay là hôm nấu cháo cho em, anh mơ tưởng đến ai... chắc là anh nhớ ngày xưa anh cũng nấu cháo cho người ta nên mới lơ đễnh bỏ đầy muối vào nồi chứ gì?

Càng nói càng tủi thân, nước mắt nước mũi cứ thi nhau chảy, hộp kleenex cứ vơi dần, những tờ giấy vừa lau tiện tay quăng xuống nền nhà cứ như bươm bướm đậu để người ta nhìn ngứa mắt cho bõ ghét...

Nhà tôi kêu lên:

- Trời ạ, em đau mà sao nói nhiều thế? Em nhìn xem, trong phòng toàn là giấy lau của em, có cần anh lấy hộp khác cho em không? Mấy hôm nay giấy sale nên rẻ lắm... nghe em nói cứ như thật...

Tôi sừng sộ như con mèo gầm gừ sẵn sàng dương nanh vuốt ra để cào:

- Sao lại không thật? Bộ em bịa ra cho anh hả? Sự thật bao giờ cũng phũ phàng, cũng khó nghe cả, nhưng anh đừng có hòng đùa, em không có cười đâu, không phải những lúc anh làm sai rồi cứ giả lả là xong chuyện. Ngày xưa khi quen em, sao anh tỉ mỉ đến thế? Người ta chỉ mới húng hắng một tý làm duyên, vậy mà cũng quýnh quáng mua thuốc, mua cam mang đến tận nhà... à,... thì ra lúc ấy anh thấy có nhiều người theo em nên mới cố tình lấy lòng em chứ gì? Bây giờ lấy được rồi anh đâu có coi em ra gì, em đau thế nào anh cũng mặc, em có chết anh cũng chẳng màng... đi Bác sĩ về anh cũng chẳng thèm hỏi han, con người anh đúng là vô tình bạc bẽo...

Nhà tôi giả lả:

- Em hay giận quá, đúng là hay hờn, hèn chi trước khi đưa em sang đây, bà cụ cứ dặn đi dặn lại là con gái bà cụ hay hờn mát lắm, anh ráng mà chiều. Vậy mà cứ bị giận lên, giận xuống... nhưng nói gì thì nói, em đau thì em cũng phải nói chứ, em thấy bác sĩ còn phải hỏi bệnh nhân đau ở đâu? Đau thế nào? Huống gì anh. Em không nói làm sao anh biết, phải chi em nói mà anh không quan tâm thì em mới trách anh được, phải không?

Tôi hứ một tiếng dài rồi trả lời:

- Nói như anh thì nói làm gì? Vậy mới biết là người ta có thương mình hay không? Đâu phải việc gì cũng nói ra, như vậy đâu còn ý nghĩa gì... không nói với anh nữa, anh làm ơn nằm xích ra, anh ra ngoài đi để em yên... đêm nay anh ra phòng khách ngủ kẻo không em lại làm mất giấc ngủ của anh...

Nhà tôi nửa nằm nửa ngồi, kéo vai tôi năn nỉ:

- Thôi được rồi, anh biết rồi, để anh cạo gió cho em mau hết bịnh.

Tôi vội vàng hất tay, nằm lui ra xa:

- Khỏi cần, đừng đụng đến em, cám ơn lòng tốt của anh, em không cần anh lo nữa... người ta đau cái gì cũng đòi cạo gió, rõ vô duyên, em dư sức biết mánh của anh lắm mà... chỉ chờ nước đục thả câu thôi.

- Em đúng là nắng không ưa, mưa không chịu, đàng nào cũng nói được, không biết sao cho vừa lòng... đầu óc em đúng là đen tối, chỉ biết suy bụng ta ra bụng người, đúng là làm ơn mắc oán.

Tôi cười khẩy:

- Anh làm như anh tử tế lắm không bằng, em nhớ ngày xưa mỗi lần đi phố, băng qua đường, anh nắm chặt tay em, kéo em đi sát vào anh làm tay em đau điếng phải kêu lên, anh phân bua nói sợ em bị xe đụng... phải mà, bây giờ hai đứa có về Việt Nam đi phố băng qua đường, chắc anh đẩy em đi trước để xe có đụng, thì đụng trúng em chứ gì? Không ngờ lòng dạ anh lại như vậy.

Nhà tôi kêu lên:

- Thật đúng là đàn bà, có thế mà cũng xé ra to, có vậy mà cũng cằn nhằn, may là em đau, chứ không thì chết anh.

Tôi đay nghiến:

- Ồ, vậy ra anh muốn em đau phải không? Biết mà, anh mà thương yêu gì em? Bây giờ anh chán chê rồi chứ gì? Vả lại em đâu dám cằn nhằn anh, em là cái thá gì mà dám cơ chứ... nhưng mà em cũng phải nói để anh nhớ lại xem em nói có đúng hay thêm bớt cho anh?... người ta đau, anh giả lơ như không biết, còn anh đau, đâu đợi anh lên tiếng, anh làm như chỉ có anh là biết đau, còn thiên hạ mình đồng da sắt cả, không được đau, được ốm. Anh đau một tý anh kêu ầm lên, rên hư hử suốt đêm như sắp chết, em phải nghỉ việc để ở nhà lo cho anh, săn sóc anh từng li, từng tí, cơm bưng nước rót, thuốc đưa đến tận miệng? Đi làm thì cứ phải gọi điện thoại về xem anh thế nào? Đã bớt chưa? Ngủ có được không? Buổi sáng dậy đi làm thì cứ phải nhón nhén khe khẽ như mèo đi sợ anh thức giấc... đó, anh xem anh đối với em có được một phần mười như em đối với anh không? Anh chẳng coi em ra gì mà...

Vừa nói, vừa thút thít, vừa hỷ mũi, tôi nằm lại xuống giường kéo chăn chùm kín đầu, không quên nói vọng ra:

- Em mệt rồi, không thèm nói với anh nữa, anh đi ra cho em nằm.

Nhà tôi vỗ vỗ nhẹ lên tấm chăn tôi đang phủ trên người:

- Thôi được rồi, để anh xuống bếp nấu cháo thịt cho gừng vào để em ăn cho mau giã cảm, bảo đảm với em kỳ này sẽ không như kỳ trước nữa...

Tôi tủi thân, nói dỗi:

- Khỏi cần... không ăn đâu...

Tuy nói thế, nhưng cũng cố nén tiếng nấc để nghe tiếng dép đi nhè nhẹ ra ngoài, tiếng soong nồi lạch cạch dưới bếp...
 
Nguyễn Thị Tê Hát
Thêm bình luận