19. VÌ KINH THÁNH CHO TÔI BIẾT


Tất cả giáo dân Thiên Chúa giáo đều tin tưởng Kinh thánh, kể cả (đặc biệt) Tân Ước. Và chính Kinh thánh đã đưa tôi đến Giáo hội.

Điều này xảy ra qua 2 cách. Trước hết, Kinh thánh cho tôi biết Đức Kitô thiết lập Giáo hội, và trao cho Giáo hội quyền giáo huấn nhờ danh Ngài.

Vì thế, Kinh thánh dẫn tôi đến thẳng Giáo hội, từ Đức Kitô đến Giáo hội là tác phẩm của Ngài. Kinh thánh cũng dẫn tôi ngược về Giáo hội, vì Giáo hội là căn nguyên của Kinh thánh.

Sự thật lịch sử chứng tỏ rằng chính Giáo hội (các tông đồ) đã viết ra Tân Ước. Chính Giáo hội cũng đã xác định nội dung Kinh thánh, tín lý – cho chúng ta biết những cuốn sách nào phù hợp hay cuốn nào không phù hợp với giáo luật thiêng liêng, những sách được Thánh linh soi dẫn, và mang tính chất bất khả ngộ, và có thẩm quyền. Làm thế nào mà hầu hết giáo dân Thiên Chúa giáo đều biết rằng Phúc âm của Tôma và Phúc âm của Giuđa (Iscariốt) không phải là Kinh thánh, vì thiếu sự mạc khải bất khả ngộ của Thánh Linh, như Giacôbê và Giuđa (Tađêo) và Khải Huyền thì lại đúng là Kinh thánh? Có một và chỉ một câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi đó: do thẩm quyền của Giáo hội.

Nói cách khác, Giáo hội vừa là nguyên nhân hữu dụng (tác giả) vừa là nguyên nhân chính thức (kẻ xác định) của Tân Ước. Đó là dữ kiện lịch sử. Đó là tiền đề 1.

Nhưng không có hậu quả nào lớn hơn nguyên nhân (về mặt lý luận là điều hiển nhiên và không thể chối cãi), và điều bất khả ngộ lớn hơn điều sai lầm; do đó, điều bất khả ngộ không thể là kết quả của sự sai lầm. Đó là điều hiển nhiên về mặt lý luận. Tạm đặt đó là tiền đề 2.

Giáo hội có thể sai lầm hoặc không thể sai lầm. Đó cũng là điều hiển nhiên về mặt lý luận. Tạm xem đó là tiền đề 3.

Vì vậy, nếu Tân Ước không thể sai lầm, thì Giáo hội phải không thể sai lầm; và ngược lại, nếu Giáo hội không thể sai lầm, thì Tân Ước cũng không thể sai lầm. Về mặt lý luận, đó là hai khả năng duy nhất, trừ khi chúng ta phủ nhận dữ kiện lịch sử (tiền đề 1) hoặc một trong những giả định (2 hoặc 3).

Nào, lược qua biện luận một lần nữa. Như những người Tin Lành nói, nếu Giáo hội sai lầm, thì Giáo hội không thể tạo ra một kết quả bất khả ngộ trong Kinh thánh. Và do đó, nếu Giáo hội sai lầm, thì Tân ước cũng sai lầm, vì nguyên nhân sai lầm phải dẫn đến một kết quả sai lầm. Mặt khác, nếu Tân Ước không thể sai lầm, như cả Tin lành và Công giáo đều xác nhận, thì Giáo hội, là nguyên nhân của Tân Ước, cũng phải không thể sai lầm. Chỉ khi Giáo hội sai lầm, sẽ tạo ra một kết quả sai lầm.

Vì vậy, chuyện xảy ra đúng như ước đoán: hầu hết các giáo phái Tin lành “dòng chính” cuối cùng đã phủ nhận tính bất khả ngộ đối với Tân Ước và chấp nhận thần học tự do hoặc hiện đại, vì như thế họ mới có thể phủ nhận tính bất khả ngộ của Giáo hội Công giáo.

Vì vậy, nếu tôi muốn trở thành một giáo dân Thiên Chúa giáo chính thống và tin rằng Kinh thánh là bất khả ngộ, tôi phải là một người Công giáo và tin rằng Giáo hội cũng có món quà thiêng liêng bất khả ngộ đó. Giáo hội và Kinh thánh đi đôi với nhau, giống như thể xác và linh hồn.

Có lẽ tôi gây khó chịu cho những người theo chủ nghĩa hiện đại hoặc những giáo dân cấp tiến về lập luận của tôi ở trên về Kinh thánh. Có thể tôi tiếp tục gây khó chịu cho các giáo dân theo chủ nghĩa Căn bản qua những gì tôi sẽ nói dưới đây về Kinh thánh. Không sao. Chúa Giêsu cũng gây khó chịu cho nhiều nhóm cực đoan đối lập, các bè phái đối nghịch – nhóm Pharisêu và Sađốc.

Chủ nghĩa Căn bản phủ nhận bản tính con người trong Kinh thánh (chỉ nhìn nhận thần tính), trong khi Chủ nghĩa Hiện đại lại phủ nhận bản tính thần thánh (chỉ nhìn nhận nhân tính); cũng như Doceism phủ nhận bản tính con người (nhân tính) của Đức Kitô và Arianism phủ nhận bản tính thần thánh (thần tính) của Ngài. Điểm tương đồng của các chủ nghĩa trên không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, vì cả Kinh thánh và Đức Kitô đều được gọi là “Ngôi Lời”.

Đây là điều tôi công kích những người theo chủ nghĩa Căn bản. Kinh thánh không thể sai lầm trong các giáo huấn (và trong đó bao gồm đạo đức, là một phần thiết yếu đối với người Do-thái và Thiên Chúa giáo), nhưng có thể sai trong văn phạm, hoặc khoa học hoặc toán học. Thiên Chúa không ban Kinh thánh để dạy cho chúng ta văn phạm, khoa học hay toán học. Sự bất khả ngộ của Kinh thánh không dính dáng gì đến các lãnh vực này. Đúng là có một số mâu thuẫn và sai sót về văn phạm, khoa học và toán học trong Kinh thánh.

Vấn đề then chốt là Kinh thánh và Giáo hội bước song song. Giáo hội có thể sai lầm trong mọi lãnh vực ngoại trừ tín lý thuộc thẩm quyền của Giáo hội. Trong quá khứ, Giáo hội đã dạy một vài điều khá dại dột, chẳng hạn như thuyết địa tâm (lấy trái đất làm trung tâm, ngược với thuyết Galilêi lấy mặt trời làm trung tâm), và làm một số điều khá tồi tệ, chẳng hạn như Tòa án Dị giáo, nhưng rõ ràng không liên quan gì đến ơn bất khả ngộ, không dùng thẩm quyền, chẳng phải Huấn quyền, hay quyền dạy dỗ tín lý. Các giáo hoàng cũng mắc sai lầm, nhưng không dùng uy quyền Tông Tòa.

Vì vậy, một lần nữa Kinh thánh và Giáo hội vẫn song hành. Cả hai đồng hội đồng thuyền, đồng khí tương cầu. Cả hai giúp giáo dân sống đạo. Nếu giáo dân muốn Kinh thánh, chắc chắn phải cần Giáo hội, hay ngược lại. Đó không phải là sola scriptura (chỉ một mình Kinh thánh).

Ngay cả khi tôi tìm ra tính hợp lý của lập luận này, tôi vẫn khó lòng vượt qua một trong hai niềm tin Tin lành in sâu trong tim tôi từ lâu (1) Giáo hội sai lầm và (2) nhưng Kinh thánh thì không. Nhưng tôi biết, qua lý luận, tôi chắc chắn phải từ bỏ một điều. Vì vậy, tôi phải bỏ điều nào: bỏ điều Giáo hội sai lầm hay bỏ điều Kinh thánh không sai lầm?

Đức tin căn bản của tôi chống lại Giáo hội Công giáo hay ủng hộ Kinh thánh? Một khi hỏi như thế, câu trả lời đã rõ ràng. Khi đức tin và lý trí của tôi se duyên cầm sắt, chúng dẫn đến kết quả là đạo Công giáo.

 

(còn tiếp)


  Peter Kreeft, Giáo sư Tiến sĩ Triết
  Hạ Ngôn dịch

Thêm bình luận

Bài vở và hình ảnh xin gởi về This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.