Bảo ngồi chờ bên vệ đường lâu lắm rồi. Thỉnh thoảng có chiếc xe đò tuyến Vũng Tàu – Sàigòn chạy vụt ngang, nhưng chẳng ai để ý người đàn ông quần áo ướt sũng mắt đăm đăm nhìn về hướng Long Thành. Đoạn đường mới được trải nhựa mềm nhũn dưới ánh nắng hừng hực trong một ngày cuối tháng tư. Không ai nhận ra chàng, người đàn ông đang ngồi bó gối bên vệ đường, có lẽ một phần vì chàng chẳng buồn đứng lên bước ra lộ đưa tay đón xe; có thể vì bộ quần áo xanh bạc màu sũng nước tiệp với đám cỏ vàng xanh mọc dại ven đường; cũng có thể vì chàng thu người ngồi lọt thỏm gần đường mương chạy dọc theo quốc lộ dài hun hút.

Suốt một quãng đường dăm cây số chẳng thấy một bóng người. Gió từ bên kia bãi chà là trườn sang mơn man trên mặt đường, quyện với mùi dầu hắc thổi tạt vào mặt khiến Bảo nhăn mặt và khum bàn tay che mũi. Liếc nhìn cổ tay, chàng nhíu mày vì không thấy chiếc đồng hồ. Món quà kỷ niệm Ngọc mua tặng từ năm nào rơi đâu mất. Bảo nhớ tốn gần cả tháng lương dạy tiểu học của nàng. Chàng dáo dác nhìn quanh và lắc đầu khó hiểu. Không hiểu sao nguyên cả cánh tay sưng tấy bầm dập nhưng Bảo vẫn nhận ra dấu dây đồng hồ hằn trên cổ tay, vệt màu trắng nhạt trông nổi bật trên làn da tím sậm. Chiếc đồng hồ treo trên cổ tay theo Bảo bấy nhiêu năm yêu nhau. Thế mà chàng đánh mất.

Gần trưa, từ bãi chà là Bảo mầy mò ra quốc lộ và đứng ngồi bồn chồn chờ đợi. Chàng đứng dậy vươn vai, bẻ người cho đỡ mỏi. Nắng xiên khoai hừng hực ném vào lưng Bảo từng vạt lửa, thế mà áo quần chàng vẫn chưa ráo nước. Mẹ chàng thường bảo đừng mặc áo ướt đứng đầu gió vì dễ cảm lạnh. Bảo đứng ngồi trong bộ quần áo ướt lâu lắm rồi nhưng lại không cảm thấy ớn lạnh. Cơn nắng gay gắt cũng không làm chàng khát nước. Có lẽ sự trông mong chờ đợi khiến Bảo quên đi đói khát.

Đưa mắt nhìn về hướng Bà Rịa, chàng lẩm bẩm nói thầm điều gì. Đoạn đường xế chiều vắng người đi lại. Không gian hiu quạnh lạ thường. Trời chợt im tiếng gió. Hàng cây đứng sững như ngậm ngùi một nỗi buồn xa vắng. Tất cả như chìm vào một thinh lặng linh thiêng chàng cảm thấy thật gần gũi. Nếu còn chiếc đồng hồ trên tay, chắc chắn chàng sẽ nghe tiếng tíc tắc thân quen. Bảo chép miệng thở dài.

Rón rén ngồi xuống vệ đường như không muốn phá vỡ khung cảnh tĩnh mịch của buổi chiều tà, chàng hít vào một hơi dài. Cũng một buổi chiều êm ả như thế vào ngày cuối cùng trong lần nghỉ phép lâu lắm rồi, chàng đưa Ngọc vào lễ Phật ở chùa Long Khánh nằm ở góc đường Trần Cao Vân. Ngọc vén tà quỳ trước chính điện, miệng lẩm bẩm cầu xin. Chàng hỏi. Ngọc bảo cầu cho anh bằng an để về bên em. Dựa người vào chiếc đảnh đặt dọc trong sân, đôi mắt Ngọc ươn ướt nhìn chàng. Nỗi đau tha thiết khi xa nhau thấm đẫm hạnh phúc lúc bên nhau. Chàng ở đầu sông, thiếp cuối sông. Cô gái học lớp 11 ban C e ấp trong chiếc áo dài trắng, cúi đầu thổn thức mỗi lần chàng từ giã để trở lại trận địa. Chiếc lá bàng khô từ trên cao rơi rụng, lảo đảo vài vòng rồi đặt mình nằm nhẹ nhàng trên lớp gạch xếp đều đặn trong sân chùa. Như định mệnh. Như chấp nhận thân phận úa vàng. Số phận bạn bè chàng cũng rơi rụng dần từ khắp chiến trường khốc liệt. Chàng vẫn còn sống sót để yêu Ngọc. Có lẽ nhờ lời cầu nguyện thành khẩn mỗi ngày của nàng.

Bảo nhớ ngày cưới hỏi cũng vội vã gói ghém trong vài ngày. Không một ngày trăng mật chứ đừng nói tuần. Chàng định đưa Ngọc lên Đà lạt vài ngày, chỉ cho nàng ngôi trường Võ Bị, nơi chàng bắt đầu đời binh nghiệp. Cưới xong thì Mùa Hè Đỏ Lửa. Gia đình chàng bỏ Qui Nhơn dọn hết vào Biên Hòa, để lại sau lưng một thành phố hoang vu vắng bóng người. Ngọc vừa dạy học vừa làm dâu, trọn vẹn đời người con gái gánh vác giang sơn nhà chồng.

Đang miên man nghĩ đến ngày tháng bên nhau, chàng chợt nghe tiếng xe máy nổ từ xa. Ban đầu Bảo chỉ nghe ầm ì rồi tiếng động lớn dần. Chàng chồm người đứng dậy, nhìn về hướng Long Thành, chiếc Honda Wave hiện rõ dần trong tầm mắt. Cách chỗ Bảo đứng một quãng, xe bỗng kêu bập bập vài tiếng như người lên cơn suyễn, rồi tắt lịm. Còn trớn, chiếc xe chạy rề rề thêm một lúc rồi ngừng hẳn bên kia đường. Ngay trước mắt chàng.

Và Bảo thấy cô gái đang ngồi trên yên xe.


* * *


Tuệ lái chiếc xe máy đi Long Thành từ xế trưa. Buổi sáng nàng còn bận bán hàng tại chợ Bà Rịa. Trưa tạt về nhà nấu ít cơm cho hai mẹ con. Bà mẹ đau yếu đi đứng khó khăn nên tất cả đều nhờ một tay nàng.

Nhà chỉ có hai mẹ con. Cha nàng chết lúc Tuệ đang học lớp 11, để lại cho hai mẹ con sạp bán gà vịt sống tại chợ Bà Rịa. Tuệ phải bỏ học để phụ mẹ nàng buôn bán kiếm sống, bỏ hẳn giấc mơ thi vào ngành sư phạm làm cô giáo tiểu học. Có người đàn ông trong nhà đỡ đần được rất nhiều chuyện. Như khuân vác nặng nhọc, như sửa bức vách bên hông nhà, như dựng sạp bán hàng ở chợ. Bây giờ tất cả mọi công việc đều đổ lên đầu Tuệ. Từ khi mẹ nàng trở bệnh, chuyện buôn bán một tay nàng đã đành, từ bếp núc đến dọn dẹp nhà cửa tươm tất đều nhờ tài quán xuyến của Tuệ.

Dáng Tuệ thoăn thoắt. Nàng tất bật cả ngày. Mà tất bật cũng đúng vì Tuệ gánh vác trăm chuyện đàn ông. Nét mặt Tuệ vui tươi nên được lòng từ khách mua đến bạn hàng. Ở chợ, chưa thấy một ai phàn nàn từ cách đối xử đến lời nói của nàng. Hôm nay, Tuệ rất vui vì nàng dò được mối gà sống với giá khá rẻ. Mua bán lứa này xong, Tuệ tính nhẩm kiếm được chút lời, đủ tiền thuốc thang cho mẹ.
Dặn mẹ vài câu rồi nàng ngồi lên chiếc xe máy trực chỉ Long Thành. Phải chịu khó đi xa mới kiếm được món hời. Tuệ nhớ mang máng ba nàng thường dặn dò mua xa, bán gần. Khi còn sống, ông lặn lội mọi ngõ ngách để mua đủ loại hàng. Thân con gái, Tuệ không bươn chải được như ba nàng, nên chỉ thu gọn lại trong hàng gia súc. Trước khi nổ máy, Tuệ mở điện thoại cầm tay gọi cho chủ vựa gà, bảo chừng hơn tiếng con đến.

Đoạn đường khá dài. Ai bảo nắng xiên khoai đốt cháy người thật đúng. Không ai dại ra đường vào lúc xế trưa. Hôm nay Tuệ được một ngày khá đắt hàng, dọn dẹp xong đã quá trưa. Nàng còn phải lo cơm nước cho mẹ. Vì thế, gần 3 giờ chiều Tuệ mới lái xe đi.

Hơn tuần, trời bắt đầu đổ những cơn mưa tầm tã, nhưng vẫn chưa làm dịu sức nóng còn sót lại của mùa khô. Từng vạt lửa đổ chêch chếch lên người Tuệ. Người nàng đẫm mồ hôi. Ông bà bảo đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có miếng cơm dằn bụng. May mắn, Tuệ đổ nhiều mồ hôi từ ngày bỏ học nhưng chưa hề rơi nước mắt, trừ lúc cha nàng nằm xuống. Tuệ thấy còn nhiều việc phải vất vả lo toan và chu toàn, nhất là bổn phận với người mẹ bệnh tật sống nhờ thuốc thang mỗi ngày.

Tuệ vừa chăm chú lái xe, vừa suy nghĩ miên man. Đến đoạn đường mới trải nhựa, Tuệ có cảm giác chiếc xe chạy chậm lại vì sự ma sát giữa bánh xe và mặt đường dẻo quánh dưới ánh nắng chói chang của một ngày cuối tháng tư. Tấm khăn che mặt khá dày, thế mà vẫn không cản được mùi nhựa đường xốc lên mũi khiến nàng nhăn mặt. Tuệ tăng tốc độ. Nàng muốn vượt nhanh khỏi đoạn đường này, đến nơi sớm, mua đàn gà, để còn kịp trở về lo cơm nước cho mẹ.

Ông chủ vựa gà dễ dãi, để Tuệ tha hồ chọn. Nhốt mười con gà vào chiếc lồng to, đặt sau yên xe, Tuệ ràng dây cẩn thận. Nàng phủ lên lồng một lớp vải mỏng che nắng. Trên đường về, Tuệ mải suy nghĩ đến số tiền lời kiếm được nhờ đàn gà mái ghẹ nặng ký. Nàng đọc đâu đó nói thịt gà mái ghẹ, loại gà sửa soạn đẻ trứng, rất ngon. Câu ca dao: Cơm chín tới, cải vồng non, gái một con, gà mái ghẹ diễn tả những gì tuyệt vời nhất. Nghĩ đến câu “gái một con,” Tuệ khẽ thở dài, lòng chua chát. Cuộc đời tất bật như nàng chưa chồng thì làm gì nghĩ đến chuyện một con. Tuệ gánh vác chuyện đàn ông, suy nghĩ như đàn ông, nhưng trái tim nàng đôi lúc vẫn thổn thức. Tuệ vẫn mơ ước một bờ vai đàn ông để dựa, một vòng tay rắn chắc ôm eo kéo nàng vào lòng. Cả một ngày bận rộn lo toan nên Tuệ không có một giây phút nào rảnh để nghĩ đến mình, đến thân phận một cô gái chớm ngoài hai mươi. Có đêm, Tuệ nằm trăn trở nén tiếng thở dài nhưng hơi thở gấp gáp của người mẹ nằm giường bê như liều thuốc mê ru ngủ mọi ước muốn còn đọng lại trong tim, và đánh thức bổn phận cũng như trách nhiệm của người con. Trước khi dỗ mình vào giấc ngủ, Tuệ nhủ thầm, có lẽ mình ở vậy.

Chiều về, ánh nắng bớt gay gắt. Đang suy nghĩ miên man, Tuệ chợt nghe tiếng máy bập bập như người đang bị sặc nước, thiếu dưỡng khí. Chiếc xe đang chạy ngon trớn bỗng nhiên khựng lại. Nhìn xuống đồng hồ xăng, Tuệ hốt hoảng than thầm. Nàng chợt nhớ lúc đến gần vựa gà, đèn đỏ trên chiếc đồng hồ nhấp nháy báo hiệu gần hết xăng. Xoay cần sang phần xăng dự trữ, nàng tự nhủ trên đường về thế nào cũng phải ghé trạm xăng đổ đầy bình. Khi lái xe về, mải nghĩ ngợi đến đàn gà mua được với giá hời, nàng quên hẳn bình xăng đã gần cạn. Chiếc xe đưa Tuệ được gần nửa đoạn đường thì húng hắng ho rồi im bặt. Xe còn trớn chạy thêm một đoạn rồi ngừng hẳn. Tuệ dáo dác nhìn quanh. Quốc lộ 51 dài hun hút trước mắt. Đường sá vắng hoe, không bóng người qua lại. Nàng ngoái đầu lại hướng Long Thành.

Và Tuệ thấy người đàn ông đang đứng bên kia đường.


* * *


Đoạn đường vắng, chỉ mỗi Tuệ và người đàn ông. Nàng nghe phong thanh đến bọn xấu thường lợi dụng chỗ vắng vẻ chận đường cướp xe. Thế là mất xe, mất đàn gà, và có thể mất mạng. Chỉ vì một chút lơ đễnh, đãng trí để xảy ra nông nỗi này. Thân gái dặm trường rơi vào tình huống nguy hiểm khiến Tuệ co rúm người, gần như bất động. Tâm trí nàng bấn loạn. Tim Tuệ đập thình thịch. Nàng loay hoay không biết phải làm gì. Tuệ tự nhủ, đành bỏ xe, bỏ cả đàn gà để chạy lấy người. Bất cứ giá nào Tuệ phải chạy ra khỏi nơi này.

Tuệ nhìn trân trân người đàn ông. Cánh tay chàng buông thõng hai bên, nét mặt bình thản đang nhìn nàng. Tuệ hơi ngạc nhiên khi thấy bàn chân chàng không giày dép. Chàng đưa tay vẫy vẫy, chào Tuệ. Khuôn mặt người đàn ông trắng nhạt, trông hiền từ, cử chỉ từ tốn, không tỏ vẻ gì đe dọa. Không hiểu sao, Tuệ bỗng thấy lòng thật bình an. Hít vào một hơi dài, Tuệ gỡ chiếc khăn che mặt, cất tiếng.
“Nhờ anh giúp em.”

Ngay khi chiếc xe chết máy dừng trước mắt, chàng nhận ra đó là một phụ nữ. Tuy quần áo che phủ kín cả người nhưng chàng biết chắc là một cô gái nhờ chiếc mũ hồng rộng vành, và dáng người thon thon.

“Cô cần gì?”
Giọng chàng nghe như gió thoảng, Tuệ tự tin hơn.

“Xe hết xăng anh ạ.”

Chàng nhìn hai bên dò chừng xe cộ rồi băng qua đường. Bước chân khoan thai, nhẹ nhàng, chỉ thoáng chàng đứng đối diện với Tuệ cách hơn sải tay.

“Hết xăng? Phải đẩy bộ đến cây xăng gần đây chứ không còn cách nào khác.”

“Em cũng tính vậy. Anh giúp đẩy hộ em một quãng được không?”

Chàng nhăn mặt.

“Tôi không ngại giúp cô nhưng tôi phải đứng đây đợi. Giúp cô rồi người nhà đến lại không thấy tôi.”

Lúc này, Tuệ mới có dịp quan sát kỹ người đàn ông. Tuổi tầm ngoài ba mươi, bộ quần áo của chàng xâm xấp nước. Khuôn mặt chàng nhợt nhạt có lẽ vì lạnh. Tuệ ân cần:
“Nhưng anh làm sao thế? Quần áo ướt dễ cảm lạnh lắm.”

“Tôi biết, nhưng phải chờ người nhà chứ không biết làm sao hơn.”

“Thế anh gọi người nhà chưa?”

“Làm sao gọi đây. Tôi ngã xuống nước trong bãi chà là bên kia đám ruộng. Giấy tờ mất hết chẳng còn gì.”

Tuệ cau mày tỏ vẻ khó hiểu. Một người đàn ông đứng giữa đoạn đường vắng, mất hết giấy tờ tùy thân, ngơ ngác giữa đồng không mông quạnh. Hay là anh ta bị tâm thần, hoặc giả rơi xuống nước đập đầu vào vật cứng nên mất trí nhớ nhất thời. Có thể lắm, Tuệ nhủ thầm. Người chàng tầm thước, dáng gầy gầy, mặt mũi khôi ngô. Đôi mắt chàng tinh anh, linh động. Đó không thể là cặp mắt của người mắc bệnh tâm thần. Ống tay áo xắn cao để lộ cánh tay bầm tím và sưng tấy như người bị phù thủng. Không hiểu sao Tuệ chợt cảm thấy thương cảm cho hoàn cảnh của chàng.

Ráng chiều đỏ rực. Hoàng hôn phết lên cảnh vật một màu đỏ nhạt trông như tranh vẽ. Chẳng bao lâu nữa trời sập tối. Tuệ không thể đứng đây mãi, vì càng khuya càng nguy hiểm. Nàng dứt khoát đẩy xe đi, xa mấy cũng phải ra khỏi nơi này. Định lên tiếng chào thì người đàn ông nói.

“Tôi tính thế này. Từ đây đến chỗ bán xăng ít nhất hơn bốn cây số. Cô đẩy xe đến đó phải mất hơn tiếng. Nhà tôi ở Tam Phước, Biên Hòa, cách đây chừng 45 phút lái xe máy. Cô cho tôi mượn điện thoại gọi người nhà đến đón tôi, và họ mang theo xăng giúp cô. Cô giúp tôi trước, và người nhà tôi giúp cô sau. Cô thấy sao?”

Lời đề nghị nghe hợp lý, Tuệ nghĩ thầm. Giữa đoạn đường vắng chỉ có hai người, la hét cách mấy cũng chẳng có ai xen vào giúp nàng. Nếu muốn cướp cái điện thoại của nàng thì anh đã cướp từ lâu, không cần mượn. Nhìn đoạn đường xa trước mặt, Tuệ thấy ngao ngán. Thôi chi bằng giúp chàng và Tuệ đỡ một đoạn đường.

Moi trong túi ra chiếc điện thoại, Tuệ giải mã, rồi trao cho chàng. Người đàn ông loay hoay không biết mở phần ứng dụng. Tuệ bấm vào khung có hình điện thoại và đưa lại cho chàng. Người đàn ông quay lưng về phía Tuệ, chúi mũi vào màn hình điện thoại, và nàng nghe khá rõ phần độc thoại của người đàn ông.

“….”

“Con đây. Ba đến đón con được không?”

“….”

“Chỗ lần trước ba đưa con về, khoảng giữa Ngọc Hà và Hải Sơn.”

“….”

“Ba mang theo vài lít xăng dùm con…”

Tuệ nói nhỏ vừa đủ nghe, cho em chừng một xị là đủ rồi. Chàng khua tay lắc đầu ngụ ý bảo không sao, và nói vào máy.

“Có người xe hết xăng giữa đường. Con mượn điện thoại của cô ấy gọi cho ba.”

“….”

Trả lại chiếc điện thoại, chàng nói chừng hơn nửa tiếng ba tôi đến và thế nào cũng có xăng cho cô. Tuệ đỡ lấy điện thoại, chạm vào mấy ngón tay lạnh buốt của chàng. Tuệ thở phào. Thật may gặp được người đàn ông tốt bụng. Thời gian chờ khá lâu, Tuệ phải đứng với người đàn ông giữa nơi vắng vẻ. Nàng bỗng cảm thấy ngường ngượng.

“Cám ơn anh. Nhờ anh giúp nên em đỡ phải đẩy xe.”

“Không sao. Tôi phải cám ơn cô mới đúng. Nếu không gặp cô, tôi không biết làm sao gọi cho ba tôi.”

Tuệ chống chân dựng xe. Nàng vòng chân đứng hẳn một bên. Tuệ bắt chuyện.

“Anh đi đâu mà ngã xuống nước?”

Hình như chàng không muốn trả lời. Khuôn mặt người đàn ông nhăn nhúm, có lẽ vì cánh tay sưng tấy gây đau đớn. Chàng nhìn về cuối đường, đôi mắt vời vợi như trông chờ một cái gì đó thật xa vắng. Cả hai bỗng yên lặng. Tuệ đứng tần ngần, chẳng biết hỏi chuyện gì thêm. Đột nhiên, giọng chàng thâm trầm.

“Cô có bao giờ tiếc nuối những việc một lần bỏ lỡ, không thể nào chu toàn được?”

Tuệ không hiểu hết ý chàng hỏi. Dĩ nhiên, có những việc cần phải làm, và phải làm cho xong. Nếu dở dang, và khi cơ hội qua không còn dịp chu toàn, thế nào cũng để lại nỗi băn khoăn. Như nàng, gánh trách nhiệm chăm sóc người mẹ. Tuệ xem đó là bổn phận cần chu toàn và mang lại cho nàng cảm giác hài lòng. Từ hài lòng, Tuệ cảm thấy cuộc sống này có ý nghĩa hơn.

“Em còn nhỏ, chưa gánh vác chuyện gì lớn lao nên không biết. Nhưng em nghĩ nếu bỏ lỡ, rồi thế nào cũng buồn.” Tuệ nhìn chàng, giọng ân cần. “Có chuyện nào bỏ lỡ mà không buồn hả anh?”

“Cô may mắn hơn tôi, vì còn trẻ và còn rất nhiều cơ hội để chu toàn. Tôi không được may mắn như cô.”

Tuy nhiều tuổi hơn, nhưng Tuệ đoán chàng không lớn hơn nàng bao nhiêu. Cuộc đời vẫn còn dài, thiếu gì cơ hội, không hiểu sao chàng lại bi quan và than thở như một người thất chí. Tuệ định nói ý nghĩ của nàng nhưng chàng ngắt lời.

- Nhà tôi sinh đứa con đầu lòng lúc cỡ tuổi cô…

Rồi chàng say sưa kể chuyện yêu nhau, bắt đầu từ ngôi trường trung học cổ kính của thành phố biển. Buổi trưa tan học, áo trắng ngập trời mây. Áo trắng, biển xanh. Tà áo trắng tinh khôi rực rỡ trong hồn chàng. Màu áo xanh nhà binh rộn rã trong tim Ngọc. Người đàn ông kể cho Tuệ những địa danh của thành phố ven biển, nơi chàng hẹn hò lúc yêu nhau. Tháp Bánh Ít hoài cổ. Mộ Hàn Mặc Tử thơ mộng. Cù lao Xanh hữu tình. Khi yêu nhau thì cảnh vật nào cũng đẹp, chàng bảo thế. Tuệ chưa hề đặt chân đến nơi chốn này, chỉ biết loáng thoáng qua vài lần lướt trên mạng. Chàng kể chậm rãi, thêm thắt nhiều chi tiết thú vị, như thầy giáo muốn học trò ghi nhớ bài học Địa lý. Tuệ đang chăm chú lắng tai nghe, và nàng nghe tiếng máy nổ từ xa vọng lại.

Chàng ngừng kể, và nói nhỏ, ba tôi đến rồi. Chiếc xe Honda màu đen, cần lái thấp trờ tới, ngừng ngay sau xe Tuệ. Người đàn ông đứng tuổi ngồi nhoài người trên yên xe nhìn chàng, hai tay vẫn đặt lên cần lái. Yên sau có dây gài một chiếc bình nhỏ.

“Lên xe đi con. Trời sắp tối rồi.”

Tuệ khẽ cúi đầu chào. Ông gật đầu đáp lễ. Nàng nhíu mày nhìn chiếc xe Honda lạ lẫm. Loại này xưa lắm rồi. Nàng chưa hề thấy loại xe này chạy trên đường phố. Chàng tiến đến gần người đàn ông.
“Cám ơn ba đón con lần nữa.”

“Không sao con. Lúc nào cần thì cứ gọi ba. Cũng lâu lắm rồi, phải không?”

Bảo nhận ra người cha già đi theo năm tháng. Muối xát lên mái tóc của ông nhiều hơn trước. Chàng đọc được những nếp nhăn hằn sâu trên vầng trán như chồng chất nỗi ưu phiền nặng trĩu. Bảo hiểu được nỗi lòng của người cha. Chiếc xe còn sót lại chất chứa bao kỷ niệm. Những lần hai cha con chở nhau đi trong thành phố. Bảo chợt thấy dĩ vãng như một vùng đất cấm, chàng không muốn đặt chân đến sợ đau đớn như vết thương xé miệng. Bảo chỉ vào cổ tay, lòng quặn thắt.

“Ba thấy chiếc đồng hồ của con không? Lúc nào con cũng đeo mà.”

Ba chàng trầm ngâm. Hình như chiếc đồng hồ nhắc nhớ một kỷ niệm đau buồn nào đó mà ông muốn quên đi. Nét mặt ông nhăn nhúm như đang chịu đựng một cơn đau bất thần dấy lên hành hạ. Chàng hỏi gặng lần nữa.

“Chiếc đồng hồ Ngọc tặng cho con?”

Giọng người cha ngập ngừng, gượng gạo như không muốn nhắc đến một kỷ vật mang nhiều thương đau.

“Vợ con đang giữ.” Rồi ông tiếp lời. “Con còn nhớ cánh tay con sưng tấy, phải gỡ mãi mới tháo được chiếc đồng hồ.”

Bảo cau mày cố nhớ một chi tiết mà đáng lẽ chàng không thể quên. Hóa ra Ngọc đang giữ chiếc đồng hồ. Chàng không phải lo lắng gì nữa. Vậy mà Bảo cứ ngỡ rớt đâu đó bên kia bãi chà là. Người cha vỗ vai Bảo, giọng trìu mến hơn bao giờ.

“Vợ con là một nàng dâu tốt, một người vợ chung thủy, một bà ngoại hiền từ hết lòng yêu thương cháu. Gia đình mình thật may mắn.”

Cô gái lớn lên ở thành phố biển, mang theo vị mặn của biển để ướp cuộc đời chàng thêm tươi, luôn cả vị mặn của những giọt nước mắt trung trinh rơi rớt trên thân xác chàng. Chưa bao giờ chàng cảm thấy lòng bình yên đến thế. Nét mặt chàng vui vẻ hẳn lên.

“Để con lấy bình xăng. Nhờ điện thoại của cô ấy con mới gọi được cho ba.”

Người cha quay sang Tuệ hỏi han. Nàng tiến đến gần tiếp chuyện, để chàng loay hoay với bình xăng nhỏ. Chỉ thoáng một lúc, Tuệ nghe tiếng yên xe đập xuống khung sắt.

“Cám ơn bác.” Tuệ gật đầu chào hai cha con. Nàng tra chìa khóa, nổ máy. Chiếc xe hục hặc hai ba lần mới nổ. Tuệ thở phào khi nghe tiếng nổ dòn tan. Nàng gật đầu cám ơn hai cha con lần nữa rồi vẫy tay phóng xe đi.

Trời tối dần. Tuệ ngoái nhìn và kịp thấy hai cha con trở đầu xe về hướng Long Thành. Chỉ một thoáng, chiếc xe Honda màu đen biến mất khỏi tầm của tấm kiếng chiếu hậu.


* * *

Xe chạy một quãng, Tuệ tự nhiên thấy đói bụng. Nàng muốn chạy gấp về nhà để lo bữa cơm chiều cho mẹ nhưng khi thấy hàng quán gần bên cây xăng, nàng tấp xe vào. Chuyện đầu tiên Tuệ phải đổ cho đầy bình xăng. Bài học hết xăng trên quốc lộ nhớ đến chết vì không hẳn lúc nào Tuệ cũng gặp được may mắn. Dứt khoát không thể để xảy ra lần nào nữa, nàng nhủ thầm. Hơn nữa, lòng Tuệ đang reo vui vì những chuyện may mắn đến với nàng. Từ đàn gà với giá rẻ đến quới nhân phù trợ khi gặp chuyện rủi ro giữa đường. Nhân tiện đổ xăng, Tuệ tự thưởng cho nàng một tô bún.

Người đàn bà trung niên niềm nở đón tiếp Tuệ. Nàng gọi một tô bún riêu. Tuệ liến thoắng nói hôm nay con hên lắm dì. Bà chủ tay thoăn thoắt trụng bún, vui miệng hỏi. Nàng kể lại xe hết xăng giữa đường được hai người đàn ông giúp đỡ. Bưng tô bún đến tận bàn, bà chủ cười cười.

“Có phải hai cha con đi chiếc xe Hoada đời 67 không?”

Tuệ ngạc nhiên.

“Ủa, sao dì biết? Không biết xe đời nào, nhưng cả đời con chưa hề thấy chiếc xe này.”

“Cô gặp trên Hải Sơn một quãng, đúng không?”

Nàng gật đầu. Bà chủ quán bảo ăn đi, ăn rồi tôi kể cho nghe.

“Cô ở xa nên không biết chứ dân ở vùng này biết rõ hai cha con. Họ giúp người dân ở quãng đường này hoài à. Khi thì giúp xăng như cô nói, khi thì giúp thay bánh xe… nhiều lần lắm.”

Tuệ buông đũa, trố mắt nhìn bà chủ.

“Dì nói sao? Nhà họ ở mãi Biên Hòa, làm sao chạy đến đó để giúp người?”

Bà chủ thở dài.

“Chuyện xưa lắm rồi. Khoảng đầu thập niên 80, dân tứ xứ đổ về đây vượt biển nhiều lắm. Ngọc Hà và Hải Sơn là hai địa điểm vượt biển nổi tiếng. Dĩ nhiên, có mối giả, có mối thật. Cứ buổi chiều xe đò đổ người xuống thì thế nào đêm đó cũng có tàu vượt biển. Một đêm vài ba chuyến là chuyện thường. Một chuyến cả trăm người. Khách tứ xứ dễ phân biệt với dân ở đây vì cách đi đứng ăn mặc cho dù cải trang đến mấy. Nhìn thoáng là biết khách vượt biển. Thế mà mọi chuyện trôi chảy, chỉ vì chủ tàu ăn chia với đám công an và du kích. Nhà tôi cũng chứa khách, một nhóm chừng chục người, chủ tàu trả tiền ăn ở vài ba ngày rồi đêm xuống, có người dẫn băng qua bãi chà là, đi tắc xi (ghe nhỏ) lên thuyền lớn. Công an sòng phẳng bán bãi cho chủ tàu nên hầu như các cuộc vượt biển đều trót lọt…”
Nhìn tô bún bốc khói, bà chủ nhắc Tuệ ăn cho nóng, nhưng nàng hoàn toàn bị cuốn hút vào câu chuyện vượt biển. Nàng dục dì kể tiếp đi.

“Lúc đó tôi đã 14-15 tuổi nên biết rõ chuyện. Dân vùng này thời đó sống tạm đủ là nhờ vào những chuyến vượt biển như thế, nào là cho khách tá túc, chèo tắc xi ra thuyền lớn, dẫn khách ra bãi. Có một lần, không biết bán bãi thu vàng không đồng đều thế nào mà du kích xã xả súng bắn vào khách vượt biển. Chừng chục người chết bên kia bãi chà là. Mãi gần trưa người ta mới đưa xác lên mặt lộ, ngay chỗ cô gặp hai cha con. Thây người nằm sóng sượt bên vệ đường chờ người nhà đến đóng phạt và đưa xác về. Tôi cũng chạy ra xem. Có xác anh thanh niên quần áo ướt đẫm, cánh tay sưng bầm tím. Tôi đoán anh ta ngã khi bị đạn, và cánh tay đâm vào gốc cây chà là nhọn hoắt. Tôi nhớ trên cổ tay anh còn chiếc đồng hồ. Mất máu nên khuôn mặt tái nhợt. Vì gia đình ở Biên Hòa gần đây nên anh là người đầu tiên được thân nhân đến nhận xác đem về chôn. Lúc đó khoảng năm sáu giờ chiều.

Tuệ lặng người. Nàng buông đũa nhìn bà chủ quán không chớp mắt. Tuệ thẫn thờ hỏi.

“Còn những xác kia thì sao?”

“Thì chôn tạm ở nghĩa địa, có ghi tên tuổi đàng hoàng để dễ nhận về sau. Có xác cả mấy tuần sau người nhà mới biết tin đến nhận.”

“Anh thanh niên xuất hiện ở ven đường từ lúc nào?”

“Ồ, khoảng hai chục năm trước. Khoảng chục năm trở lại mới thấy cả hai cha con. Tôi đoán lúc đó ông già qua đời. Cứ trời chạng vạng thì người ta thấy ông già chở anh thanh niên chạy về hướng Long Thành. Ông đến đưa anh đi như lần ông đưa xác anh về mấy chục năm về trước.

Tuệ run người. Tâm trí nàng đông đặc. Tô bún đã nguội ngắt. Như chợt nhớ ra điều gì, Tuệ mở điện thoại. Màn hình hiện ra số điện thoại của ông chủ vựa gà, nằm trên cùng. Cuộc gọi cuối cùng từ trưa đến giờ. Ngoài ra không thấy một cuộc gọi nào khác. Tuệ rùng mình. Vẫn bán tín bán nghi, Tuệ chạy vội đến chiếc xe Honda. Nàng lắc lắc và ghé tai gần bình xăng. Chẳng nghe tiếng xăng sóng sánh. Tuệ mở nắp xăng và thò ngón tay trỏ vào bình. Một luồng hơi lạnh chạy suốt sống lưng khi Tuệ cảm thấy ngón tay mát lạnh.

Bình đầy ắp xăng đến tận miệng.

  Hải Ngữ

Thêm bình luận

Bài vở và hình ảnh xin gởi về This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.