https://academyofideas.com/2022/09/will-civilization-collapse/
Oswald Spengler, một học giả thông thái người Đức, nhận xét về số phận của nền văn minh phương Tây: “Tôi nhìn thấy tất cả những dấu hiệu đặc trưng của sự suy tàn trong xã hội phương Tây. Tôi có thể chứng minh những gì đang xảy ra trong xã hội ngày nay… chủ nghĩa vô thần, chủ nghĩa bi quan và hoài nghi, vô đạo đức, hôn nhân đổ vỡ... đều là những dấu hiệu đặc trưng của thời kỳ tàn lụi của các Quốc gia cổ đại.”1


Có phải chúng ta đang sống trong giai đoạn suy tàn và sụp đổ của nền văn minh phương Tây? Trong bài viết này, chúng ta thử tìm hiểu những yếu tố nào gây ra sự sụp đổ của các nền văn minh trước đây, và từ đó xác định được số phận tương lai của nền văn minh chúng ta hiện đang sống.


Niccolò Machiavelli cho rằng, “…ai muốn thấy trước tương lai thì phải tham khảo quá khứ; vì các sự kiện xảy ra bây giờ luôn giống với các sự kiện xảy ra trước đây.2


Khi cố gắng giải thích tại sao các nền văn minh sụp đổ, các nhà sử học và nhà khoa học xã hội phân biệt giữa nguyên nhân ngoại tại (tác động từ bên ngoài) và nguyên nhân nội tại (tác động từ bên trong).

Nói cách khác, nguyên nhân ngoại tại có thể là một thế lực hoặc một sự kiện bất thường nào đó đè nặng lên nền văn minh, lấn át khả năng sinh tồn của nền văn minh đó. Ví dụ như các cuộc xâm lăng của kẻ thù ngoại bang hoặc bị ông trời giáng họa, chẳng hạn như dịch bệnh hoặc thiên tai. Một số nhà sử học cho rằng nền văn minh Minoan sụp đổ do một vụ núi lửa nổ phun nham thạch, một số khác cho rằng bệnh sốt rét là nhân tố chính dẫn đến sự suy tàn của nền văn minh Rôma. Thêm vào đó, các nhà sử học của nền văn minh Trung Mỹ dẫn chứng rằng thành phố Teotihuacan3 nổi tiếng sụp đổ do cuộc xâm lược của đám dân man rợ từ phương bắc, trong khi những kẻ man rợ Germanic là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của Đế chế Rôma.


Cho dù các giả thuyết giải thích về những nguyên nhân ngoại tại biện minh và thuyết phục đến mấy, người ta vẫn không cảm thấy thỏa đáng và hầu như miễn cưỡng chấp nhận các nguyên nhân trên. Trên thực tế, lịch sử cho thấy có những nền văn minh vĩ đại chống chọi được với thiên tai, kiên tâm vượt qua dịch bệnh và đánh bại các cuộc tấn công của ngoại xâm. Chỉ khi họ mất đi sức mạnh, sức chịu đựng bền bỉ, và khả năng thích ứng để đối phó với các cuộc khủng hoảng từ bên ngoài… thì lúc đó, họ mới suy sụp và bị tiêu diệt.


Các lý thuyết về nguyên nhân ngoại tại không giải thích đầy đủ lý do tại sao các nền văn minh sụp đổ, vì thế chúng ta cần chú ý đến các nguyên nhân nội tại và xem xét các lý do khiến nền văn minh suy yếu – thối rữa từ trong ra ngoài – và cuối cùng đi đến thời điểm mà chỉ cần một cuộc khủng hoảng từ bên ngoài trở thành nguyên nhân chính khiến nền văn minh đó sụp đổ.


Gs Ts. Will Durant (1885-1981), nhà sử học kiêm triết gia nổi tiếng thuộc thế kỷ trước khẳng định, “Một nền văn minh vĩ đại không bị khuất phục do áp lực bên ngoài cho đến khi nó tự hủy diệt từ bên trong.”4


Vào thế kỷ 20, Sir John Bagot Glubb, được biết với cái tên quen thuộc Glubb Pasha, viết một tiểu luận ít ai để ý với tựa đề, The Fate of Empires and Search for Survival. Trong tiểu luận này, ông cho rằng các nền văn minh giống như đời sống các sinh vật; nghĩa là các nền văn minh có một tuổi thọ tự nhiên và chúng tiến triển qua một loạt các giai đoạn được đánh dấu bằng sự phát triển, suy tàn và cuối cùng là sụp đổ.



Với cách truy tìm sự tiến triển của các giai đoạn này, chúng ta có thể hiểu rõ hơn về cách thức và lý do tại sao các nền văn minh lại tự hủy hoại mình từ bên trong. Hay như Glubb Pasha viết: “Những kinh nghiệm của loài người đã được ghi lại… trong khoảng bốn nghìn năm. Khi nghiên cứu các nền văn minh trong khoảng thời gian như vậy, chúng ta nhận thấy nhiều khuôn mẫu giống nhau liên tục được lặp lại trong điều kiện khí hậu, văn hóa và tôn giáo khác nhau… Tuổi thọ của một nền văn minh vĩ đại dường như bắt đầu với một sức bột phát sinh lực vũ bão, và hầu như không lường trước được, và kết thúc khi đạo đức suy đồi, hoài nghi hoành hành, bi quan thống trị và xiển dương những chuyện không đâu.”5


Theo Glubb, giai đoạn đầu tiên trong quãng tuổi thọ của một nền văn minh là Thời đại Tiên phong. Trong thời đại này, một nhóm nhỏ nhưng đầy quyết tâm gồm các nhà cải tiến, chiến binh và nhà thám hiểm gieo mầm cho một nền văn minh mới. “Họ xuyên rừng, leo núi, hoặc dũng cảm vượt Đại Tây Dương và Thái Bình Dương trên những chiếc thuyền buồm nhỏ bé… Nghèo nàn, cứng cáp, bữa đói bữa no và ốm yếu, đầy can đảm, nghị lực và sáng kiến, họ xem thường mọi trở ngại và dường như luôn vượt thoát khỏi những tình huống khó khăn đầy nguy hiểm.”6


Họ bắt đầu đời sống trên lãnh thổ mới bằng việc xây dựng các thị trấn và khu định cư nhỏ, khai thác tài nguyên thiên nhiên trên vùng đất vừa được khám phá hoặc chinh phục và tập trung sức lực vào việc chế tạo, sản xuất và thương mại. Thời đại Tiên phong kết thúc và Thời đại Thương mại – giai đoạn tiếp theo trong quãng tuổi thọ của một nền văn minh – bắt đầu.


Trong Thời đại Thương mại, các trung tâm thành phố lớn mọc lên dần, cơ sở hạ tầng công cộng được thiết lập, và với khối của cải khổng lồ tạo ra từ sản xuất và thương mại, người ta chú ý đến nghệ thuật và các tượng đài, cung điện, bảo tàng, kỳ quan thế giới và các công trình văn hóa khác được xây dựng. Trong thời đại này, nền văn minh đạt đến cái mà Glubb gọi là “Đỉnh điểm Thịnh vượng” – thời huy hoàng của sự giàu có và vinh quang.


Nhưng trong thời huy hoàng của sự giàu có và vinh quang đã ẩn dấu một tai họa. Trong Đỉnh điểm Thịnh vượng, mầm mống của sự sụp đổ của nền văn minh đã được gieo mầm. Vì ngay sau khi đạt đến đỉnh điểm thịnh vượng, nền văn minh chuyển sang Thời đại Sung túc, và sự giàu có khổng lồ bắt đầu làm băng hoại nền văn minh. Ích kỷ, tham lam và phù phiếm bắt đầu xoi mòn và nhổ bật gốc rễ các giá trị truyền thống như đức tính cống hiến, hy sinh và nghĩa vụ vốn là chuẩn mực trong các thời đại trước đây. Thay vì xem tiền bạc là thành quả của việc làm chăm chỉ và hành động có đạo đức, mọi người tìm kiếm tiền vì lợi ích riêng tư, đặt tiền bạc lên trên tất cả và xem đó là cứu cánh của cuộc đời – chìa khóa vạn năng mở tất cả cánh cửa hạnh phúc. Vì vậy, thần Mammon7 – biểu tượng cho ảnh hưởng suy đồi đạo đức của sự giàu có – xuất hiện trong bối cảnh thịnh vượng, dẫn dắt con người vào vòng tội ác và tham nhũng. “Lãnh vực đầu tiên sự giàu có làm tổn hại đến nền văn minh là đạo đức… Mục tiêu của thế hệ trẻ đầy tham vọng không còn là danh thơm, danh dự hay tinh thần phục vụ, mà là tiền… Nhà đạo đức học Ả Rập, Ghazali (1058-1111), phàn nàn… [thế hệ trẻ] không còn xem bậc đại học là nơi để trau dồi kiến thức và đức hạnh, nhưng chỉ mong kiếm được bằng cấp để giúp họ trở nên giàu có.”8


Hơn nữa, trong Thời đại Sung túc, người ta biết đến những thứ xa hoa, đắm chìm trong hoan lạc và hưởng thụ tiện nghi, và ngay cả những người với lợi tức bình thường cũng rủng rỉnh tiền bạc để hưởng thụ một vài thứ xa xỉ. “Một xã hội hư hỏng bắt đầu thối rữa từ bên trong,” William Ophuls giải thích. Chính sự hưởng thụ vật chất lâu dài bào mòn khả năng chịu đựng, ngay cả khi gặp một vài khó khăn bình thường hoặc đôi chút đau khổ, con người thường than van, thối chí, và dễ dàng đầu hàng nghịch cảnh. Như câu nói luôn lặp đi lặp lại, thời thế tạo anh hùng, thời bình tạo yếu đuối. “Thịnh vượng thúc đẩy suy tàn,”9 Edward Gibbon (1737-1794) giải thích khi đề cập đến nền văn minh Rôma.


Sự suy tàn của nền văn minh xảy ra trong Thời đại Sung túc càng được thúc đẩy nhanh chóng vì mối lo âu ngày càng tăng về phúc lợi. Vì của cải dư thừa, dân chúng cũng như giới cầm quyền đều kêu gọi Nhà nước sử dụng vũ lực độc quyền để lấy tài sản của một số người dân nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế, giáo dục, nhà ở, bảo hiểm xã hội và các khoản trợ cấp của chính phủ cho những người khác. Và như Ophuls viết: “Sự sung túc o bế và nuôi dưỡng não trạng thụ hưởng, cũng như khẩu hiệu không bỏ một ai lọt phía sau. Kết quả cuối cùng là một nhà nước ban phát trợ cấp với danh sách người dân ngày càng đông và gánh nặng trợ cấp ngày càng tăng, đi đôi với sự hao mòn tương ứng về trách nhiệm cá nhân và sự độc lập.”10


Ví dụ, ở đỉnh cao của sự thịnh vượng của Rôma, giữa 2 thời kỳ cai trị của Hoàng đế Augustus và Hoàng đế Claudius, cứ ba công dân thì có gần một người sống nhờ trợ cấp của đế chế Rôma và khoảng 200.000 gia đình nhận được lúa mì miễn phí từ Nhà nước. Chỉ cần một thế hệ sau, Rôma bắt đầu quá trình suy tàn, từ đó xuống dốc không phanh. “Có lẽ không chính xác khi cho rằng nhà nước ban phát trợ cấp là dấu mốc cao nhất về thành tựu nhân bản của xã hội. Nó có thể chỉ chứng tỏ là một cột mốc bình thường trong quãng tuổi thọ của một đế chế già cỗi và suy tàn.”11


Với mạng lưới an toàn về phúc lợi và sự giàu có dồi dào, người dân không cần phải dành phần lớn thời gian trong ngày để kiếm sống. Do đó, người dân có nhiều thời gian dành cho lãnh vực trí tuệ. Thời đại Sung túc nhường chỗ cho Thời đại Trí tuệ, và nền văn minh tiếp tục suy tàn.


Khi dành nhiều thời gian theo đuổi trí tuệ, người ta không thể phủ nhận những lợi ích to lớn mang lại cho cá nhân và xã hội nói chung, tuy nhiên, cũng như hầu hết mọi thứ trong cuộc sống, có quá nhiều về một thứ đôi khi chưa hẳn tốt, và thường gây phản tác dụng. Đúng như câu nói “lợi bất cập hại.” Và một trong những đặc điểm của Thời đại Trí tuệ là cách tiếp cận duy lý một chiều thái quá đối với cuộc sống làm bão hòa nền văn minh12 . Như Nietzsche nhận xét, trong Thời đại Trí tuệ, duy lý biến thành độc tôn và lý trí được coi là phương tiện duy nhất để khám phá sự thật. Kết quả là, những sự thật mang tính biểu tượng13 , đạo đức bị xếp vào loại huyền thoại và tôn giáo bị loại bỏ, và nền văn minh mất đi những trụ cột vững chắc mà nó được xây dựng trên đó từ bấy lâu nay. Ví dụ, Nietzsche ám chỉ tính duy lý cực đoan mà Plato và Socrates cho là “triệu chứng của sự thoái hóa, một nguyên nhân của sự tan rã Hy Lạp.”14 và Nietzsche khẳng định: “Không có thần linh... mọi nền văn hóa đều mất đi sức mạnh tự nhiên mang tính sáng tạo lành mạnh.”15


Hoặc như hai nhà sử học Will và Ariel Durant viết: “Ngay cả nhà sử học hoài nghi cũng dành riêng một sự tôn trọng khiêm tốn đối với tôn giáo, vì hầu như tôn giáo hiện diện và không thể thiếu trên mọi xứ sở và trong mọi thời đại… Linh hồn của một nền văn minh chính là tôn giáo, và một khi đức tin chết, linh hồn cũng chết theo.” 16


Song song với sự suy tàn của tôn giáo và thần linh, Thời đại Trí tuệ nổi bật với sự hưng thịnh của tầng lớp trí thức có óc phê phán và suy luận sâu sắc. Với trí tuệ mẫn tiệp, họ hăng hái mổ xẻ và sẵn sàng phá bỏ các hệ thống niềm tin và giá trị đã có từ ngàn xưa. Nhà sử học Edward Gibbon nhận xét về Thời đại Trí tuệ của Rôma: “Một đám đông gồm các nhà phê bình, các nhà biên soạn, các nhà bình luận, đã bôi nhọ bộ mặt của học vấn, và sự suy tàn của thiên tài sẽ sớm kéo theo sự rã rệu của trào lưu xã hội.”17


Khi những lý thuyết phê bình này lan rộng, các quy tắc đạo đức truyền thống nhường chỗ cho thuyết tương đối về đạo đức và niềm tin về cuộc sống có ý nghĩa được thay thế bằng chủ nghĩa hư vô hiện sinh. Phần lớn mọi người tin rằng không có cái gọi là sự thật khách quan, không có gì là đạo đức hay giá trị cố hữu, kể cả tiến trình lịch sử cũng chẳng mang một ý nghĩa gì, và cuộc sống cũng trở nên vô nghĩa. Và như William Ophuls viết: “…qua việc phá hủy trí tuệ của giới trí thức, xã hội ngày càng trở nên “không có giá trị” – tức là không còn tin tưởng vào bất cứ điều gì hoặc coi trọng bất cứ điều gì. Phong cách nguyên thủy, cốt lõi đạo đức và lý tưởng dẫn đường của nền văn minh giờ đây chỉ còn là ký ức mờ nhạt.”18


Sau công việc phá hủy trí tuệ này, Thời đại Suy đồi – giai đoạn cuối trong quãng tuổi thọ của nền văn minh – bắt đầu. Nếu không có một lý tưởng hướng dẫn bao quát hoặc phục hồi cốt lõi đạo đức, con người sẽ rơi vào tình trạng mất phương hướng, phán đoán sai lầm và suy đồi đạo đức trên bình diện rộng. Cuộc sống trở nên trống rỗng và vô nghĩa, người ta tìm kiếm sự giải thoát bằng cách đam mê những lạc thú trần tục, chìm đắm trong nghiện ngập và chấp nhận chủ nghĩa trốn chạy thực tế như một cách sống. Con người ngày càng mất khả năng phân biệt giữa thật–giả, tốt–xấu, đúng–sai nên thường chọn những gì chối bỏ sự sống và có hại. Vẻ đẹp và thiên tài bị loại bỏ để chạy theo sự tầm thường, xấu xí, và thô tục. Đức hạnh bị xem là đồi bại, và ngược lại, thói hư tật xấu là đức hạnh. Tiến trình cá nhân hóa và sự mưu tìm Chân Thiện Mỹ rơi rớt phía sau để chỉ biết ủng hộ sự phục tùng vô hồn. Và kết quả là bệnh tâm thần trở thành bình thường. “Sức sống, đức hạnh, và đạo đức cố hữu của xã hội hoàn toàn bị xóa nhòa. Mục nát đến tận cốt lõi, xã hội suy đồi đang trên đà suy thoái và chờ ngày sụp đổ… tất cả chỉ còn là thời gian.”19


Đề cập đến sự suy đồi làm Rôma suy sụp bắt đầu vào thế kỷ thứ nhất Công nguyên, nhà sử học Guglielmo Ferrero (1871-1942) giải thích: “Rôma ban đầu, khi còn nghèo và đất đai nhỏ hẹp, là một ví dụ độc đáo về đức hạnh khắc khổ; rồi Rôma đồi bại, hư hỏng, mục rữa vì tất cả những tật xấu; vì vậy, dần dần rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan, tình trạng mà Rôma không thể kham chịu được những điều xấu xa đang gánh chịu, cũng như không có phương cách nào để chữa trị chúng.”20


Glubb Pasha lặp lại kết luận của nhiều nhà sử học khác khi nhật xét rằng không có lối thoát cho các giai đoạn tiến triển trong quãng tuổi thọ của một nền văn minh; nghĩa là chúng phải tuần tự xảy ra như thế. Do quy luật tự nhiên của con người, mỗi thế hệ sẽ tự sửa đổi sao cho thích hợp dựa trên các điều kiện do các thế hệ trước tạo ra. Nếu đúng là chúng ta đang nằm trong giai đoạn suy thoái của chu kỳ sụp đổ, đây là lúc chúng ta cần cảnh giác điều mà William Ophuls gọi là một kết thúc “khá chua cay”, “…nền văn minh được thiết lập một cách hiệu quả để tự hủy diệt.”21


Tuy nhiên, các nền văn minh có thể được xây dựng để rồi tự hủy diệt vì một lý do khác. Trong suốt lịch sử, các tầng lớp cầm quyền, hoặc giới chính trị – chỉ vì quản lý yếu kém và tham nhũng – đã đóng một vai trò nổi bật trong sự suy thoái và sụp đổ của các nền văn minh.


“Đây là bi kịch của nền văn minh: chính sự “vĩ đại” – với sự giàu có và quyền lực do nền văn minh đó tạo ra – đã quay lưng lại và cuối cùng tiêu diệt nó.”22

  Sơn Nghị

 

1https://www.goodreads.com/quotes/10344876-you-are-dying-i-see-in-you-all-the-characteristic
2Mark Jurdjevic and Meredith K. Ray, trans. Machiavelli, Political, Historical, and Literary Writings. Haney Foundation Series. Philadelphia: University of Pennsylvania Press, 2019.
3Di tích biểu hiện nền văn minh Trung Mỹ thuộc Di sản Thế giới (https://www.history.com/topics/ancient-americas/teotihuacan)
4https://www.brainyquote.com/quotes/ariel_durant_131947?img=5
5John Bagot Glubb. The Fate of Empires and Search for Survival. William Blackwood & Sons Ltd, Scotland 1977. Introduction, tr. 2.
6John Bagot Glubb. The Fate of Empires and Search for Survival. William Blackwood & Sons Ltd, Scotland 1977. Ch. V: Characteristics of the Outburst, tr. 5.
7Mammon, viết tắt từ chữ Hy Lạp mammonas. Mammon là thần vật chất, tài sản, và giàu có. Chúa Giêsu khuyến cáo con người không làm tôi 2 chủ: hoặc là Thiên Chúa, hoặc là mammon (Mt. 6:24).
8John Bagot Glubb. The Fate of Empires and Search for Survival. William Blackwood & Sons Ltd, Scotland 1977. Ch. XV: The Age of Affluence, tr. 9.
9Edward Gibbon. The Decline and Fall of the Roman Empire. eBookMall, Inc., 2001. Vol. 3, Ch. XXXVIII: Reign of Clovis, tr. 1532.
10William Ophuls. Immoderate Greatness. CreateSpace, North Charleston, SC 2012. Ch. 5: Moral Decay, tr. 55.
11John Bagot Glubb. The Fate of Empires and Search for Survival. William Blackwood & Sons Ltd, Scotland 1977. Ch. XXVIII: The Welfare State, tr. 18.
12Sự suy nghĩ độc đoán một chiều khiến nền văn minh tiến triển chậm hoặc không tiến triển nữa.
13Sự thật mang tính biểu tượng (symbolic truth) thuộc lãnh vực thần linh khác với Sự thật duy lý (factual truth) thuộc lãnh vực lý trí hay khoa học.
14Friedrich Nietzsche. Twilight of the Idols. Oxford University Press Inc., New York 1998. The Problem of Socrates, ph. 2: tr. 11.
15Friedrich Nietzsche. The Birth of Tragedy. Oxford University Press Inc., New York 2000. Ph. 23: tr. 122.
16Will and Ariel Durant. The Lessons of History. Simon and Schuster, New York 1968. Ch. VII: Religion and History, tr. 43.
17Edward Gibbon. The Decline and Fall of the Roman Empire. eBookMall, Inc., 2001. Vol. 1, Ch. II: The Internal Prosperity In The Age Of The Antonines, ph. IV, tr. 84.
18William Ophuls. Immoderate Greatness. CreateSpace, North Charleston, SC 2012. Ch. 5: Moral Decay, tr. 56.
19William Ophuls. Immoderate Greatness. CreateSpace, North Charleston, SC 2012. Ch. 5: Moral Decay, tr. 57.
20Guglielmo Ferrero. Characters and Events of Roman History. G, P. Putnam's Sons, New York and London 1922. “Corruption” in Ancient Rome, tr. 5.
21William Ophuls. Immoderate Greatness. CreateSpace, North Charleston, SC 2012. Preface, tr. 8.
22William Ophuls. Immoderate Greatness. CreateSpace, North Charleston, SC 2012. Ch. 6: Practical Failure, tr. 71.

 

 

Thêm bình luận

Bài vở và hình ảnh xin gởi về This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.