Theo thống kê của Cơ quan Y tế Thế giới (WHO) thuộc Liên hiệp quốc năm 2012 thì tuổi thọ của các nước tăng mạnh kể từ năm 2000; trong đó tuổi thọ trung bình của đàn ông Việt nam là 73 tuổi và phụ nữ là 77 tuổi. Những khám phá và phát minh thuốc men chống bệnh tật đã có những bước tiến vượt bực nên tuổi thọ của cả nhân loại gia tăng là điều dễ hiểu. Thế nhưng tôi lại bàng hoàng khó hiểu khi nghe tin người bạn tôi vừa đột quỵ vì bị trụy tim.

Đột quỵ rồi ngưng thở.

So với tuổi thọ trung bình ở Việt nam, bạn tôi mất sớm hơn 11 năm. Dung thọ 62 tuổi.

Hoàng ngọc Dung. Đúng ra là Hoàng ngọc Dũng. Giấy khai sanh ở làng xã viết thiếu dấu ngã nên tên bạn tôi nghe như con gái. Tin Dung mất đến lúc 3 giờ sáng ngày thứ Hai, qua email, lúc đó tôi đang ngủ ngon giấc. Sáng ngủ dậy mới hay. Linh cữu hiện được quàn tại nhà thờ Vườn Xoài, thư viết thế. Tôi ngồi thừ trên ghế, không biết tỉnh hay mơ. Mãi một lúc sau tôi mới thở dài chấp nhận thực tại: tôi vừa mất một người bạn.

Những năm gần đây, nhóm La San niên khóa 65-72 kiếm được hơn 30 bạn bè. Dung là người bạn mà chúng tôi liên lạc được ngay từ thuở ban đầu. Thời gian đầu sôi nổi vì có quá nhiều chuyện để nói sau hơn 40 năm, dần dần chuyện lắng xuống nên chúng tôi không còn hăm hở như hơn 4 năm về trước, mặc dù một số bạn bè vẫn giữ liên lạc thường xuyên, nếu không nói là hàng ngày, chia sẻ biết bao chuyện vui buồn. Thế nhưng, Dung là người vẫn giữ một khoảng cách nào đó mà tôi không hiểu được. Chuyện trò qua skype, tôi nhận ra Dung ngay, từ khuôn mặt đến giọng nói, nhưng lối nói chuyện của Dung vẫn nhuốm một chút hững hờ, chứ không vồn vã sôi nổi như thuở hai thằng nắm tay bát phố Sàigòn. Những lần hội ngộ, bạn bè ở xa về rủ rê, Dung vui vẻ đến quán gặp mặt. Ngồi chuyện trò rôm rả một lúc rồi vội chia tay, để lại hình ảnh một người đàn ông cao to, luôn tất bật với công việc hàng ngày. Tính ra trong 4 năm, qua skype tôi nói chuyện với Dung được một... lần. Tôi thắc mắc sao Dung lại bận rộn đến thế và tôi cũng biết bạn tôi đã nghỉ hưu, không phải lo nghĩ đến mưu sinh. Mãi về sau tôi mới biết Dung phải dành thời gian chăm sóc hai ông bà nhạc. Bố mẹ Dung đã mất từ lâu, lòng yêu thương và kính trọng cha mẹ bây giờ dành hết cho nhạc phụ mẫu, vốn bệnh tật thường xuyên. Hầu như Dung làm công việc của người chuyên nuôi bệnh nhân, không hề nhờ vợ hoặc con cái. Một mình Dung làm công việc đó hơn 10 năm nay.

Dâu con, rể khách, các cụ bảo vậy. Cậy con dâu chứ ít tai nhờ được con rể. Dung làm được việc đó. Tôi nghĩ hiếm có người con rể nào hiếu thảo như Dung. Bẵng đi một thời gian cả năm không nghe một tin gì của Dung. Và mãi đến hôm qua, tôi nhận được tin dữ.

Tướng Dung cao, một tay chơi bóng rổ xuất sắc trên sân trường La san. Lưỡng quyền cao, mái tóc quăn lòa xòa trước trán, Dung trông khá điển trai. Thời trung học, tôi không thân với Dung, chỉ biết nhau sau một năm ở nội trú. Vào đại học, tôi với Dung lại khá thân. Hai đứa thường chở nhau trên chiếc Vespa dạo phố, hoặc quàng vai bách bộ trên hè phố Lê Lợi. Dung cao, tôi thấp nên quàng vai không tiện. Hai đứa thường nắm tay nhau dung dăng dung dẻ mà chẳng nghĩ gì. Thời gian đó tôi trọ học ở cư xá Phục hưng, nhằm lúc cư xá sửa chữa nên tôi tạm ra ngoài ở tạm và thường xuyên gặp Dung. Hết hè, tôi trở lại cư xá và ít liên lạc với nhau. Và mãi đến ngày 30/4/75, chúng tôi mới gặp nhau một lần với quyết định sinh tử.

Sáng 30/4/75, vòng đai Sàigòn đã đì đùng tiếng súng, thỉnh thoảng một tràng liên thanh nổ đe dọa. Khói bốc lên từ phía Lăng Cha Cả. Phi trường Tân sơn nhất hỗn loạn vì những chuyến bay đào thoát cuối cùng. Mọi người nhốn nháo, đổ ra ngập khắp phố phường. Lòng người chộn rộn, bất an. Chúng tôi 4 đứa, Dung chở Khiêm, tôi lái xe riêng, chiếc xe màu đỏ mới xoáy nòng của Hưng nổ ròn tan. Ba chiếc xe, bốn thằng bạn trực chỉ bến Chương dương.

Đến nơi, người người chen chúc trên bến tàu. Tiếng gọi nhau ơi ới chìm trong tiếng la hét chưởi rủa. Đâu đó có tiếng đứa bé khóc lóc vì lạc mẹ lẫn trong tiếng bẳn gắt của người cha. Mọi người vội vã, rảo bước gần như chạy. Cả một khung cảnh hỗn loạn tôi chưa từng thấy. Tôi đọc được sự thất thần trên khuôn mặt mọi người. Nhìn xuống bến, con tàu tràn ngập người đứng ngồi (mãi về sau tôi mới biết đó là tàu Trường Xuân). Hưng bảo, "Bọn mày đi không?" Tôi phân vân, "Đi làm sao?" Giọng Hưng gắt, "Thì bước xuống đó rồi đi," vừa nói Hưng chỉ tay xuống bến. Trời ơi, cả con tàu chỉ thấy người là người, nặng như thế kia thì làm sao nhổ neo mà đi. Tôi lưỡng lự vì gia đình đông em út, nửa muốn đi, nửa muốn ở lại. Lại giọng Hưng, "Quyết định nhanh đi." Dung suy nghĩ rồi trả lời dứt khoát, "Tao ở lại vì còn ông bà già." Quay sang Khiêm, Hưng thúc dục, "Còn mày tính sao, muốn đi với tao không?" Sau một lúc suy nghĩ, Khiêm gật đầu. Thế là quyết định thật rõ ràng. Hưng dứt khoát đi. Dung quyết định ở lại vì là con một; đi thì lấy ai chăm sóc cha mẹ. Khiêm theo chân bạn. Còn tôi, lừng khừng nửa nạc nửa mỡ nhưng cuối cùng cũng vì gia đình nên quyết định ở lại.

Hưng tặng xe cho một người lạ đứng xớ rớ trên bến, đưa luôn giấy chủ quyền rồi len lỏi qua rừng người xuống bến. Khiêm lẽo đẽo theo sau. Tôi và Dung thẫn thờ nhìn hai thằng bạn mất hút trong đám đông. Ngay lúc đó, tiếng súng nổ rất gần, mọi người bỏ chạy tán loạn. Tiếng la hét, tiếng kêu cứu vang động trên bến tàu. Tôi vội nói tao đi đây rồi rồ ga chạy đi. Dung cũng phóng xe chạy mất. Hai đứa chạy hai hướng khác nhau và mất hút kể từ đó.

Đó là lần cuối tôi nói chuyện với Dung.

Cho đến bây giờ, Dung nằm lặng lẽ trong quan tài ở căn phòng nhỏ ở nhà thờ Vườn Xoài với khuôn mặt xám ngoét. Nét mặt trong hình trông thật bình an. Vợ và hai con đứng loanh quanh đâu đó, tôn trọng sự riêng tư của 5 người bạn đến chào vĩnh biệt Dung. Căn phòng yên ắng, không gian tĩnh lặng như chiêm niệm nỗi buồn mất mát. Vợ mất chồng. Con mất cha. Và bạn bè mất nhau. Đâu đó có tiếng nấc, và một vài giọt nước mắt rơi. Tiếng kinh cầu đứt quãng vì nghẹn ngào. Dung không đến với bạn bè nhiều là vì nhiệm vụ của một giai tế hết lòng với cha mẹ vợ. Hiếu đễ với cha mẹ ruột đã đành, nhưng hết lòng như thế với cha mẹ vợ thì thật hiếm hoi. Dung sống nhạt với bạn hữu La San nhưng khi chết tình bạn thật mặn mà. Bạn tôi thật có phúc khi có 5 người bạn đến cúi đầu tiễn biệt. Bạn bè nhiều hơn người thân đứng chung quanh quan tài.



Nhóm La San niên khóa 65-72 gom góp được khá đông. Chuyện trò qua lại được hơn 4 năm, gặp gỡ gần chục lần. Tiếng cười vang vang là dấu ấn mỗi lần gặp gỡ nhưng lòng thật buồn khi biết tin 2 người bạn ra đi. Hòa và Dung. Hòa mất sau một cơn đau. Còn Dung, buổi sáng thấy tức ngực nên đi bộ sang bệnh viện đối diện nhà để gặp bác sĩ. Nửa đường cơn đau ở ngực thốc lên óc đẩy Dung ngồi gục bên vệ đường. Vợ phải dìu đi và vào được bệnh viện. Bác sĩ khám cấp tốc và gửi ngay đến bệnh viện lớn, nơi có đủ máy móc tinh vi hơn. Xe cứu thương hụ còi đưa Dung đang nằm mê man không còn biết gì. Nửa chừng tim ngừng đập. Hô hấp đến mấy tim vẫn làm reo không đập. Cơn trụy tim cay nghiệt nhưng thật nhẹ nhàng và đơn giản.

Ai ai cũng muốn sống thọ. Tuổi 60 vẫn còn luyến tiếc cõi trần, vẫn có kẻ chép miệng bảo chưa già. Tuổi 60 người xưa gọi là thọ, vì tuổi 70 rất hiếm. Thời bây giờ, tôi nghĩ, 60 chưa già nhưng cũng chẳng non. Vậy thì cái chết ở tuổi 60 phải hiểu thế nào đây?

Trong kho tàng truyện Thiền có kể một câu chuyện như sau.

Một người giàu có đến nhờ thiền sư Sengai viết cho một câu về sự thịnh vượng dài lâu của gia đình để làm vật gia bảo truyền lại qua nhiều đời sau. Ngài Sengai lấy một tờ giấy lớn và viết lên đó: "Cha chết, con chết, cháu chết." Người kia nổi giận: "Tôi nhờ ngài viết cho một câu để gia đình tôi được hạnh phúc. Sao ngài lại đùa cợt như thế!" Thiền sư Sengai giải thích: "Không có gì là đùa cợt cả! Nếu con trai ông chết trước ông, ông sẽ hết sức đau khổ. Nếu cháu nội ông chết trước con trai ông, cả ông và con ông sẽ vô cùng đau đớn. Nếu trong gia đình ông, từ đời này sang đời khác cứ tuần tự chết đi theo đúng với trình tự mà ta vừa nêu ra, đó sẽ là một diễn tiến tự nhiên của đời sống. Ta cho rằng như thế mới thật là thịnh vượng."

Gia đình Dung thịnh vượng theo ý nghĩa của lời giải thích. Dung để tang cho cha mẹ, và bây giờ con cái để tang cho Dung. Lá xanh khóc lá vàng. Cứ thế, đời sống tiếp tục mãi. Sách Khôn ngoan bảo, Người công chính dù có chết non, cũng vẫn được an nghỉ. Vì tuổi thọ đáng kính không phải bởi sống lâu, cũng không do số tuổi. Đối với con người, sự khôn ngoan còn quý hơn tóc bạc, sống không tì ố đã là sống thọ. (Kn, 4:7-9) Dung sống trọn vẹn với gia đình, yêu vợ con hết lòng, đời sống cố gắng không tỳ vết. Như thế, chết ở tuổi 62 theo sách Khôn ngoan Dung đã sống thọ.

Cả đời tên Dũng thiếu dấu ngã nên ai cũng tưởng là con gái, vậy mà Dung chỉ cần ngã một lần là mãi mãi thiên thu.

Vĩnh biệt Dung, Dũng.

  Hà Ngân

Thêm bình luận

Bài vở và hình ảnh xin gởi về This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.