( tiếp theo)

Nước mắt ràn rụa hai má Miên. Cô chỉ gật đầu mà không nói với Tâm được lời nào. Miên rất hiểu thằng bé. Nó đã quá uất ức với những hành động bất lương của người chú đối với gia đình. Miên nhớ đến lần trước lúc gặp Tâm, nó nói những câu mà cô linh cảm không lành. Bây giờ việc đó đã xảy ra. Giết người. Dù cho người đó là cặn bã của xã hội thì cũng là một mạng sống. Chỉ hy vọng tòa án xét đúng hoàn cảnh đáng thương của Tâm để giảm tội. Chắc chắn sẽ không đến nỗi, nhưng trước mắt bây giờ là nhà tù! Năm nay Tâm lại thi!

Tâm bước đến bên người cha đang ngồi gục vào cánh tay, thiểu não. Nó nói câu gì không nghe rõ và ông gật đầu, vỗ vỗ lên vai con. Tâm lại quay sang mẹ. Hương khóc nấc lên dang tay ôm con. Nhưng trước khi tay chị chạm được đến Tâm, Hương lão đão ngã quỵ. Tâm nhào theo mẹ nhưng bị giữ lại bởi người công an. Nó thống thiết:

- Cho cháu thấy mẹ cháu tỉnh rồi đi, nghe chú.

Bà con mỗi người một câu. Người nào đó lách vô đưa cho anh công an cái túi ny-lông đựng mấy gói mì, thịt chà bông và bánh mì:

- Cho tui gửi theo cho nó - Bà quay sang Tâm - Để dành ăn đi con, phải đợi thăm nuôi mới gởi được. Tao từng nuôi tù, tao biết.

Miên nắm tay Tý lì, nhưng thằng bé đã vuột đi. Nó lao vô phía Tâm, đưa một xấp tiền:

- Anh Tâm, cất đi mua đồ ăn.

Tâm lắc đầu, rơm rớm nước mắt:

- Em cất đi, để dành mua thuốc cho ngoại, anh không cần đâu.

Tý lì năn nỉ:

- Cầm đi mà, tiền thuốc ngoại em có rồi.

- Em ráng ngoan, nghe lời chị Miên là anh vui. Cất tiền đi, Tý.

Đứa không nhận, đứa cứ đưa. Mọi người ngạc nhiên nghe lời trao đổi không ăn nhập gì với hoàn cảnh hiện tại. Miên kéo tay Tý lì nói nhỏ:

- Thôi để hôm nào mua quà thăm nuôi Tâm. Em đưa nó không lấy đâu.

Tý gật đầu, lui về phía đám đông:

- Mình về, chị Miên. Nhìn lát nữa, chị lại khóc đó.

Miên lặng lẽ len khỏi đám đông. Cô cũng sợ phải nhìn cái cảnh này thêm nữa. Hình ảnh sau cùng khi Miên quay lại là Hương đã tỉnh, dằn tay người giữ để lao về phía đứa con trai đang sửa soạn cho tay vào còng số tám để lên xe về nhà giam.

Hai chị em đi bên nhau, lặng im, mỗi người một ý nghĩ. Miên bỗng dưng nghĩ cuộc sống phi lý lạ thường, khi những người có lòng bổng dưng trở thành tội phạm. Tâm đã cầm dao giết người nhưng những người có trách nhiệm trong hành động đó là ai? Là người cha ít quan tâm đến gia đình, đến nỗi vợ con lâm vào cảnh khổ mà không có cách tháo gỡ? Hay người mẹ quá yếu đuối không dám mạnh dạn phản kháng kẻ hung đồ, lúc nào cũng sợ bị cười chê để chỉ biết than khóc với con? Tâm là một đứa trẻ được giáo dục từ gia đình đếnø trường học. Em học giỏi, là trò ngoan, là bạn tốt. Chính vì quá thương mẹ và không được chia xẻ, hướng dẫn trong một hoàn cảnh quá phức tạp nên em chọn cách giải thoát đau lòng nhất.

Tý lì phá tan bầu không khí nặng nề giữa hai chị em:

- Chắc anh Tâm không bị nặng, hả chị Miên?

- Chị cũng không biết nữa. Hy vọng là như thế.

- Nhưng chú ấy là thằng cha nghiện, sống cũng chẳng ích gì.

Miên nhìn vào đôi mắt đứa trẻ, đôi mắt trong suốt thánh thiện. Những ý nghĩ của nó vẫn muốn cuộc đời đẹp hơn. Cô dịu dàng:

- Dù sống không có ích thì cũng không được giết người ta. Sinh mạng con người rất quan trọng, em ạ. Ai có tội thì luật pháp xử. Chúng ta không có quyền xử theo ý mình. Làm như thế, xã hội loạn còn gì.

Tý lì có vẻ không tin vào cách thuyết phục đó, nó bướng bỉnh:

- Chị có tin tòa án làm đúng không? Hay “Pháp bất vị thân, đa ngân phá luật”?

Miên lúng túng:

- Em học câu đó ở đâu vậy?

Thằng bé rùn vai:

- Ai cũng nói hết. Cứ có tiền, có quyền là cửa nào cũng qua. Chỉ nghèo như chị em mình mới chết thôi. Em lê la trên đường phố, chuyện gì cũng biết. Chị tin em đi.

- Nhưng em cũng phải tin vào con người chứ. Đâu phải ai cũng xấu.

Hai chị em sắp rẽ vào hẻm, Tý lì reo lên:

- Anh Trí kìa!

Trí đứng lên từ một bàn trong quán nước. Miên muốn tránh mặt nhưng có Tý lì nên thôi. Trí nói trước:

- Hôm nay em nghỉ? Anh đến không thấy nên ngồi chờ. Em ở chỗ Tâm về phải không?

Miên gật đầu thay cho câu trả lời. Tý liên thoắng:

- Anh có tới đó không?

- Có. Tội cho Tâm quá?

Thằng bé khoe liền:

- Mai mốt chị Miên dẫn tụi em đi thăm anh Tâm nè. Anh đi hông?

Trí nhìn Miên:

- Nếu chị Miên cho phép.

- Cho, há chị Miên? Đi thăm tù mà ai cấm.

Nhìn vẻ mắt chợt nghiêm lại của Miên, thằng bé tiu nghỉu. Nó lấm lét nhìn hết người này đến người kia. Rồi nó nói với Miên:

- Em lại đằng này một chút.

Tý lì co chân định phóng. Miên gọi giật lại:

- Tý. Đợi chị với.

- Ơ...

Nó ú ớ. Mấy lần trước chị Miên cho nó “biến” thoải mái, sao bữa nay kỳ vậy? Chắc lại giận rồi. Rắc rối thật. Tý lì nghĩ đến cảnh mình đứng ở giữa làm trái độn cho mỗi người đấm một quả. Nó nhìn Trí cầu cứu. Anh nháy mắt ra dấu bất lực. Thằng bé đứng lóng ngóng bỗng nhìn thấy cu Địa bên nhà ga, Tý lì quay lại nói thật nhanh:

- Thằng Địa đây rồi, em đòi nợ nó đã.

Không đợi can, nó băng mình chạy. Trí cười thầm thằng nhỏ ma-lanh. Anh quay lại vừa nghe Miên nói nhỏ:

- Em về.

- Miên.

- Có gì lúc khác nói. Ở đây, nhiều người qua lại không tiện.

- Hôm nọ có hai đứa mình, em cũng không nghe anh nói. Sao vậy, Miên?

- Chẳng có gì cả.

- Ít ra em cũng phải nói cho anh biết tại sao em giận chứ?

- Em không có quyền gì để giận anh. Chúng ta chẳng là gì của nhau cả.

- Anh biết em không nghĩ vậy.

- Đó là ý nghĩ của em.

- Anh không tin.

Cô nhún vai:

- Tùy anh.

Trí bực tức:

- Anh chịu không hiểu nổi em.

Miên cười nhẹ:

- Có lẽ anh cũng không hiểu được cả mình nữa.

Trí nhìn Miên nghi hoặc:

- Nói cho anh biết em thay đổi từ bao giờ vậy?

- Em vẫn thế thôi. Đó là do anh nghĩ.

- Thôi được - Trí nói sau một thoáng ngập ngừng - Anh sẽ không làm phiền em nữa. Khi nào em cảm thấy thoải mái sẽ giải thích cho anh tại sao em lại buồn anh. Còn trách nhiệm với lũ nhóc, anh vẫn giữ. Ngày mai anh sẽ đến dạy.

Anh nhìn cô rồi quay đi. Trong một lúc, chân Miên muốn chạy theo anh, môi cô muốn gọi tên anh. Nhưng rồi Miên vẫn đứng đó, im sững, tái tê. Trí đi thật xa rồi Miên vẫn thẫn thờ như người mất hồn. Tim Miên nhói đau nhưng cô tin mình đã xử sự đúng. Chỉ có điều Miên không hiểu tại sao Trí đã có người tình như vậy mà đối với cô anh vẫn hồn nhiên thậm chí còn tỏ ra cảm tình nhiều hơn nữa. Ít ra anh ta cũng phải hiểu được tại sao mình có thái độ như thế chứ? Miên tự trách mình đã không có đủ can đảm để nói thẳng với Trí sự thắc mắc của mình. Biết hay không thì cũng xa nhau. Nhưng trong trái tim nhiều mâu thuẫn, cô vẫn sợ phải nghe sự thật. Một sự thật mà Miên không hề muốn chấp nhận. Thà cứ để trong ý nghĩ riêng mình vẫn còn chút hy vọng nào đó dù mỏng manh, dù rồi cũng chẳng đến đâu... Miên nhìn những người từ chỗ Tâm về, đang bàn tán đủ chuyện. Mọi người nhìn vụ án theo góc độ của mình nhưng hầu như tất cả đều có chung một kết luận: Thủ phạm thật đáng thương! Thằng bé đã chịu gánh nặng gia đình suốt một thời gian
dài, giờ đến gánh nặng lao tù, không biết đến bao giờ, thật khốn khổ! Miên để ý nghĩ của mình trở lại với Tâm nhưng không thể... Trí vẫn đâu đó, bên người con gái trong quán ăn... và mới đây, những lời trách, thái độ bực tức. Miên bước thật nhanh nhưng cô thừa hiểu không thể chạy trốn chính mình.

*

*    *

- Anh Trí, mấy giờ mình lên phi trường hả?

Giọng Huế nhỏ nhẹ của Mỹ Hòa khiến Trí mỉm cười. Anh cảm thấy vui vui, Trí vừa gấp cái áo thun bỏ vào túi du lịch vừa nhìn đồng hồ:

- Chín giờ sáng. Em còn đúng một tiếng nữa để “trang trí”.

Cô gái cười phá lên:

- Eo ơi. Anh méo mó nghề nghiệp quá hỉ? Chi mà trang trí, đúng là họa sĩ có khác. À mà anh Trí nì, răng anh không triển lãm họa phẩm?

- Anh mà vẽ vời gì? Bôi bẩn khung vải thì có.

- Anh nói. Em thấy anh vẽ đẹp hơn mấy ông triển lãm nữa à. Nhiều phòng tranh mình chẳng biết họa sĩ muốn nói gì. Ông nào cũng “múa” ngôn ngữ, nào là lập thể, siêu thực... trường phái này trường phái nọ. Nhưng em có cảm tưởng chính họ cũng chẳng biết mình vẽ gì.

- Nếu có ông họa sĩ nào đó nghe em nói, ông ta sẽ độp lại rằng em chưa đủ trình độ để thưởng thức nghệ thuật.

Mỹ Hòa bĩu dài môi:

- Hổng dám đâu. Chắc tài năng siêu việt đó phải chờ tới mấy trăm năm sau mới có người hiểu.

- Chuyện đó thường mà em. Những thiên tài thường bị kết án trong thời gian họ sống, nhưng sau này người ta mới phát hiện...

Mỹ Hòa tức tối cãi lại:

- Nói với anh tức thêm. Anh biết em nói gì mà. Nghệ thuật gì mà giống như... dịch chim cút vậy. Ào ào. Nhỏ bạn em có ông anh vẽ chẳng ra quái gì, nhìn cải lương muốn chết vậy mà cũng bày đặt triển lãm...

- Em đừng nói vậy. Cải lương hay lắm à.

Trí lại chọc, Mỹ Hòa nhăn mặt:

- Nhưng mà cải lương... hội họa lại khác. Toàn màu là màu. Màu này đập vào màu kia...

- Thôi thôi, cô bé. Hãy để mục đó cho những nhà phê bình. Anh đồng ý rằng không phải chỉ có họa sĩ triển lãm tranh mà có nhiều thợ vẽ cũng “ăn theo” nhưng điều đó không quan trọng. Ai không được khẳng định bằng tài năng thật sự thì sẽ bị đào thải, được chưa?

- Dữ không. Chừ mới nói một câu “nghe được”.

Trí cho vào túi du lịch những thứ cần thiết cuối cùng: kem đánh răng, bàn chải, cuộn trong cái khăn lau mặt nhỏ trắng mịn. Chuyến đi Huế đã được dự định nữa tháng trước nhưng Trí trì hoãn mấy lần. Mỹ Hòa dục mãi. Cô đã vào Sài Gòn chơi khá lâu và cảm thấy nhớ nhà, cô bé muốn anh Trí cùng về dự đám giỗ bà nội mình cũng là bà ngoại của Trí. Đang buồn vì sự thay đổi bất thường của Miên, Trí nhận lời, tuy vậy anh cũng lừng khừng cho đến phút cuối.

Mỹ Hòa nhìn cái xách du lịch của Trí, rồi nhìn anh cười rũ ra:

- Coi anh Trí tề, đi du lịch cứ như đi đày, mặt mũi buồn xo rứa? Hay anh nhớ cô mô hỉ?

Trí bắt chước giọng Huế:

- Có cô mô mà nhớ.

- Phong độ như anh mà sô-lô? Xạo. Anh dấu em út thì có - À, anh Trí, lần anh về Huế là năm mấy hỉ?

- Năm 81 - Lần đó anh đi theo phái đoàn hành hương nên ở không lâu. Chắc bây giờ Huế thay đổi nhiều.

Ánh mắt người con gái Huế thóang chút mộng mơ, cô lắc đầu:

- Em thấy Huế vẫn rứa, in như hồi em còn nhỏ. Có lẽ trong lòng người dân cố đô Huế là hình ảnh không gì thay thế nổi. Họ không chịu xấu đi nhưng cũng không thích đẹp theo một cách khác. Huế là Huế, thế thôi.

Trí nghĩ đến ngôi nhà ngói đỏ thắm của ngoại sau nhà thờ Phú Cam. Một thời ấu thơ anh đã sống ở đó. Khu vườn rộng với 4 gốc nhãn to trấn bốn góc, cây hồng quân và bụi chè tàu. Nhà lên sáu bậc tam cấp đá xanh dày. Mùa nhãn, đứa nào ngủ dậy cũng mở mắt không ra, những trái nhãn dày cơm, ngọt lịm chỉ nhìn nước miếng cũng ứa ra cổ không ai cưỡng nỗi sức quyến rũ ngọt ngào. Trí nhớ suốt ngày mình đi quanh từng gốc nhãn, đếm xem được bao nhiêu lồng. Bà ngoại nói nhãn bị hái trộm, ba đêm liền, ba Trí thức canh, khi nghe có tiếng sột soạt, ông bước ra sân kêu lớn: “Đứa nào đó, xuống không tao bắn”. Nghe tiếng sang sảng, trên trộm hoảng hồn tuột xuống phóng qua bụi chè tàu chạy mất. Sáng hôm sau, bà ngoại nghe o Mão bán quán nói con ông Tình trên đường Kiệt ăn trộm nhãn té bị thương, lọi giò và sây sát hết mặt mày. Trí khoái chí nhảy cẫng lên bị má mắng. Ở Huế mùa mưa không như Sài Gòn. Mưa dầm cả tháng không ngớt, lạnh thôi là lạnh. Ông già bà cả than “Mưa thúi đất thúi đai”. Buổi sáng bọn nhóc thức dậy đã thấy một l
ò than cháy rực giữa nhà, trên lò là nồi khoai lang hay bắp hột hầm đậu đen. Bà ngoại mặc hai ba lần áo lạnh, mang vớ, đầu trùm khăn nhung kín tai ngồi hơ tay bên bếp. Cả nhà quây quần bên lửa ấm. Khoai bóc ra thơm phức, bốc hơi nghi ngút. Chén muối ớt đâm nhuyễn để bên cạnh. Mọi người bẻ khoai chấm muối ớt vừa cay vừa mặn, vừa ngọt vừa bùi. Món ăn nóng, không khí lạnh khiến khẩu vị có một khoái cảm lạ lùng. Trí thích món bắp hột hầm đậu đen. Bắp ít đậu nhiều. Đợi thật mềm múc mỗi người một chén, rắc mè trộn đường hay muối tùy thích... bùi ơi là bùi, cậu bé ăn không biết chán. Rồi đến màn đi học. Áo lạnh trong, áo mưa ngoài, mũ trùm kín, chân đi bốt, vậy mà vẫn run, hai hàm răng va nhau lập cập. Chưa lớn, Trí đã theo cha mẹ vô Sài Gòn, bỏ lại sau lưng cái lạnh của Huế, bỏ lại sau lưng tô bún bò nóng hổi, cay đến phải ho, phải nấc cụt. Anh chưa được hưởng sự ấm áp của một đôi tình nhân thả bộ trên dốc Nam Giao, hay ngồi dưới Phú Văn Lâu nói lời thề hẹn. Anh cũng chưa biết vị ngon của bánh khoái, ăn vội khi vừa
bỏ ra dĩa trong giá rét mùa đông Huế, chỉ thưởng thức những món ăn gia đình, những sở thích trẻ thơ. Huế trong mắt đứa trẻ năm tuổi chỉ thuần túy là quê ngoại. Con mắt đỏ mùa nhãn chín, cây ổi sai trái sau nhà. Có lẽ hình ảnh Huế mộng mơ anh Tuệ giữ được nhiều hơn, nhưng Trí chẳng bao giờ nghe anh nhắc đến.

- Anh Trí nì...

- Chi rứa, O?

Mỹ Hòa nhăn mũi:

- Thôi bỏ cái giọng lai căng đó đi, chướng lắm. Chửi cha không bằng pha tiếng... đàn ông con trai nói giọng Sài Gòn hay hơn.

- Thật à?

- Nghe mạnh hơn. Tiếng Huế ngọt dành cho con gái.

Trí cười:

- Vậy có cậu trai Huế nào lọt vào mắt xanh của em chưa?

Cô lắc đầu quầy quậy:

- Anh kỳ... khi không hỏi chi mô...

- Nghĩa là có. Và chàng nói giọng Nam?

- Răng anh biết?

Mỹ Hòa kêu lên, đôi mắt mở tròn xoe dễ thương lạ. Trí ra vẻ bí mật:

- Chàng gốc Huế, vô Sài Gòn lâu nên nói giọng Nam, nhưng tâm hồn vẫn giữ chút lãng mạn cố đô...

- Ô hay ...

- Còn nữa... một dịp về lại quê xưa, chàng đã bị tiếng sét ái tình với một cô gái Huế chính hiệu, có giọng nói ngọt ngào như dòng mật. Nàng ru chàng bằng những bài thơ tình bất tận vào mê cung của trái tim, đúng không?

Trí nhìn lại. Cô gái đã chạy biến vào phòng trong. Anh mỉm cười một mình, rồi nụ cười tắt lịm trên môi khi hình ảnh của Miên thoáng hiện...

Tiếng Mỹ Hòa từ phòng trong vọng ra:

- Anh Trí nhớ cơm hến không tề?

- Lần trước về, anh có được ăn. Nhưng có lẽ người ta nêm lỡ tay hay sao mà cay quá là cay. Vừa ăn mà nước mắt ràn rụa như khóc vậy đó.

Cô gái đi ra cười ngặt nghẽo:

- Vậy mà cũng đòi làm dân Huế. Cơm Hến là phải thật cay và ăn vào khi trời càng lạnh càng ngon.

- Chắc em ăn cay dữ hả?

- Không phải chỉ ăn cay mô. Em mua ớt hết chê luôn. Mười trái cay xé lưỡi cả mười.

- Ôi chà, khủng khiếp?

- Chi rứa?

- Khổ cho em rể tương lai của tôi rồi! Lấy phải cô vợ ghen hơn cả Hoạn Thư nữa.

Mỹ Hòa ngơ ngác:

- Ai ghen?

- Em chớ ai? Mua ớt mà cay là ghen hết biết.

Mỹ Hòa đấm thùm thụp lên vai Trí. Tiếng cười của hai anh em vang lên hòa lẫn vào nhau trong căn nhà thường xuyên vắng lặng.

*
*   *
Chiếc xe quẹo qua Nguyễn Thông, Khang hỏi:

- Mình đến đâu, anh Tuệ?

- Đi thăm một kỳ quan đất nước.

- Ở đây à?

Tuệ phì cười:

- Đừng nóng. Rồi cậu sẽ thấy tôi có lý.

Họ về đến phi trường Tân Sơn Nhất sáng nay. Khang ngỡ ngàng trước khung cảnh quê hương còn rất mờ nhạt trong trí nhớ. Mười tám năm trên đất Mỹ đã đủ cho một cậu bé bảy tuổi thành nhân. Khang tốt nghiệp trường điện ảnh khoa đạo diễn. Anh trở về Việt Nam lần đầu để thăm quê hương và cũng để “xem có làm được một điều gì” trên quê mẹ trong khả năng mình. Nếp sống hầu như hoàn toàn Mỹ, nhưng trong tâm hồn người thanh niên trẻ nhiều nhiệt huyết này vẫn hướng về Tổ Quốc, có lẽ vì trong cuộc sống, cha mẹ anh lúc nào cũng nhắc nhở về một đất nước Việt Nam mà họ đã cắn răng rời bỏ. Như tất cả những Việt Kiều trên đất Mỹ, họ bị cuốn vào cơn lốc cuộc sống đến chóng mặt. Đó là những món nợ triền miên, đó là những nhu cầu không thể thiếu, đó là nỗi mặc cảm vong quốc của một con người tự trọng. Nhiều khi trong một bữa cơm họp mặt nào đó, Khang nghe ba mẹ nhắc lại quãng đời xưa với bao tiếc nuối. Hình như đối với họ, thời gian đẹp nhất đã có trong quá khứ.

Trước khi quẹo xe, Tuệ dặn:

- Nếu nhận ra điều gì trùng hợp với ý nghĩ của mình, cậu cũng đừng nói vội nhé. Chuyện đó tính sau.

- Gì mà anh cẩn thận quá vậy?

- Cứ nghe tôi đi.

- Ok.

Khang ngạc nhiên thấy Tuệ chạy vào ga xe lửa. Chưa kịp hỏi Tuệ đã ngừng xe... trước một tủ thuốc lá nhỏ. Anh gọi như reo:

- Thoại Miên.

Cô gái ngẩng lên, cũng vui không kém:

- Anh Tuệ.

Hai người chắn hết “gian hàng” khiêm tốn. Tuệ chỉ Khang:

- Khang, người bạn trẻ của anh. Còn đây, một thiếu nữ Việt Nam tiêu biểu. Nào, cô bé, gởi hàng vào uống nước với tụi anh.

Miên mỉm cười, gật đầu. Cô khóa tủ thuốc, đem gửi xe giải khát kế bên rồi theo Tuệ vào quán cà phê nhạc gần đó. Anh chọn bàn ngoài cùng. Miên gọi chanh muối. Tuệ cười:

- Đúng là con gái, thích vừa chua vừa ngọt.

- Mặn nữa chứ anh. Chanh muối mà.

Miên nói, nụ cười làm hai núm đồng tiền trên má hằn thật sâu. Khang nhìn đôi mắt trong suốt, thẳng thắn mà rất đẹp của cô gái, nhận xét đầu tiên là cô rất khả ái, nghĩa là vừa dễ thương, vừa duyên dáng. Da cô trắng hồng, nhưng đặc biệt là mái tóc, dày và đen mướt ngang vai. Tóc thề - Khang nghĩ thầm- mái tóc hơi hiếm ở thời buổi này, nhất là ở nước Mỹ, nơi anh đã lớn lên. Miên nhìn Tuệ:

- Anh nói gần Tết mới về... bây giờ mới tháng tám?

- Tại cậu này đây - Tuệ chỉ Khang - Cậu ấy muốn về Việt Nam để làm phim.

Mắt cô gái mở lớn:

- Làm phim? Đóng phim hay sản xuất?

- Đạo diễn.

Khang trả lời, vừa nhìn Miên dò xét. Cô gái này có vẻ muốn biết mọi điều.

- Thế cô Miên nghĩ gì về điện ảnh nước nhà?

- Anh hỏi tôi giá thuốc lá mới đúng chứ?

- Tôi không tin như vậy. Cô biết nhiều hơn.

Tuệ xen vào:

- Khang muốn làm cuốn phim đầu tay trên quê mẹ. Cậu ấy đã có kịch bản. Một câu chuyện rất dễ thương.

Miên cười nhẹ:

- Chắc là Việt Nam trong cái nhìn của người Mỹ gốc Việt?

Khang lắc đầu:

- Ngược lại. Người Mỹ gốc Việt trong mắt cô gái Việt Nam.

- Có lẽ cô ta mòn mỏi chờ người tình trở về làm đám cưới?

- Không đúng. Cô ta từ chối đám cưới khi người tình trở về.

Anh nhìn vào mắt cô gái:

- Tôi không tin cô đã nói ra ý nghĩ của mình.

- Tại sao?

- Vì cô sẽ nghĩ như cô gái trong truyện.

Miên khẽ nhún vai:

- Sao tôi lại phải giống người trong truyện của anh? Đời thường khác xa tiểu thuyết. Tôi đang nói lên suy nghĩ của số đông.

- Nhưng cô không nằm trong số đông. Tôi tin chắc như vậy.

Tuệ cười xòa:

- Không ngờ mới gặp nhau mà hai người đã có những tư tưởng phù hợp như vậy. Miên này, anh tin Khang nói đúng.

Miên phụng phịu:

- Anh không tin em hả?

- Tin chứ. Rất tin, nhưng không phải trong vấn đề này. Em luôn luôn ẩn mình trong một góc đời, nhìn cuộc sống bằng ánh mắt vừa bao dung, vừa chua xót. Anh quý em chính vì tâm hồn em không giống phần đông các cô gái khác.

- Nếu anh lầm? Em cũng như họ thôi. Bình thường trong những mơ ước nhỏ bé.

Khang nhấp cà phê, khẽ nhăn mặt:

- Cà phê Việt Nam đậm vị thật. Không quen chắc uống vào mất ngủ.

- Còn nhiều thứ đậm đà khó quên lắm, cậu ơi.

Khang gật gù:

- Anh nói đúng. Em đã cảm nhận được điều đó.

Tuệ đốt thuốc. Anh thả một vòng khói tròn, ánh mắt đuổi theo cho đến khi vòng tròn tản mạn rồi biến mất trong không khí. Một thằng bé bán vé số mời họ mua, Tuệ chợt nghĩ đến bọn nhóc. Anh hỏi Miên:

- Lũ trẻ vẫn thường hả em?

Miên gật:
- Anh nhớ Tâm không?

- Có chứ, sao?

- Nó bị bắt rồi.

Tuệ chồm người về phía Miên:

- Sao vậy? Nó làm sao mà bị bắt?

- Giết người.

- Ông chú bất hảo đó phải không? Anh cũng linh cảm sẽ có một thảm kịch xảy ra trong gia đình đó. Bao lâu rồi em?

- Hơn tuần nay.

Tuệ thở dài:

- Thằng bé thật dễ thương. Ngoan và hiếu thảo. Hình như lão chú ấy dọa mẹ nó nhiều lần mà.

Khang nhíu mày:
- Pháp luật không can thiệp sao?

Miên lắc đầu:

- Chuyện gia đình, mọi người cứ cắn răng chịu, sợ làm to chuyện xấu hổ với thiên hạ. Hắn ta được nước cứ về làm tiền chị dâu, đến nỗi tiền đóng học của cháu hắn cũng lột.

Cô ngừng lại như chợt cảm thấy khô cổ, uống một hớp nước rồi tiếp:

- Hôm đó em có đến. Nhìn Tâm, gặp ánh mắt thống thiết của nó thật không chịu nổi. Em không có can đảm nhìn người ta còng tay thằng bé đưa ra xe về trại giam.

Tuệ rít liền mấy hơi thuốc nhưng chẳng cảm thấy mùi vị gì. Anh dụi điếu thuốc còn lại vào gạt tàn, nói như để cho mình nghe:

- Số phận ác thiệt. Một đứa bé lại chịu cả một gánh nặng trên vai. Nhưng có lẽ luật pháp cũng phải xét đến hoàn cảnh đặc biệt của nó.

Khang gật đầu:

- Nếu xét từ nguyên nhân dẫn đến hành động phạm tội của Tâm, nó sẽ hưởng mức án nhẹ nhất.

Miên đồng tình:

- Ai cũng nghĩ như thế. Thằng bé vô trại giam chỉ xin gia đình gửi sách để ôn bài. Báo chí có nói về vụ án, họ đều bênh vực Tâm.

Tuệ chợt nghĩ ra điều gì, mở xách tay lấy ra một hộp nhỏ, anh đưa cho Miên với nụ cười:

- Quà của em.

Sợ cô từ chối, Tuệ nói thêm:

- Nhỏ thôi mà, nhận cho anh vui.

Miên cầm cái hộp nhung đẹp và dài, mở ra, bên trong là chiếc đồng hồ tay màu trắng, rất xinh.

Cô chớp mắt:

- Cám ơn anh đã nghĩ đến Miên.

                                                                     *     *
   ( còn tiếp)                                                                     *

 Lý Thuỵ Ý


Thêm bình luận

Bài vở và hình ảnh xin gởi về This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.