Lần đầu gặp em gái, Khang không có ý niệm gì ngoài nhận xét Miên là một thiếu nữ thông minh khả ái. Cả tên cô cũng không gây ấn tượng gì nhiều. Tên trùng tên đâu có gì lạ. Chỉ đến khi cô gái kể về quá khứ cay đắng của mình, Khang mới nghi ngờ. Cô bé chỉ nhớ được tên anh Hải vì nội hay nhắc tới Khang với tên đó. Khang bàn với Tuệ đưa Miên về gặp chú Hiếu. Như thế cô sẽ không ngỡ ngàng và có thể xác định ngay được sự việc. Khang đã làm như vô tình, trước ngày đưa em gái về, hỏi chú:

- Bé Miên đã mất bao nhiêu năm rồi, chú nhỉ?

Ông Hiếu có vẻ bối rối, làm như cố nhớ, trả lời:

- Mười ba năm... tội nghiệp con nhỏ, phải nó còn bây giờ sung sướng biết mấy.

- Chú chôn em con ở đâu? Con muốn thăm mộ nó?

Gương mặt người đàn ông căng thẳng, nhưng cũng trả lời được:

- Chú hỏa táng, cốt gửi trong chùa tận Bà Quẹo. Hôm nào chú đưa cháu đi.

Khang cười nhẹ:

- Chắc không cần đâu chú. Khi sống thì chẳng ai lo cho nó, viếng thăm làm gì.

Khang bỏ qua câu chuyện, nhưng từ đó đến chiều, anh thấy chú Hiếu có vẻ ngường ngượng, dường như muốn lẩn tránh mình. Anh biết mình đã nghĩ đúng.

Khi Khang đem chuyện nói với anh em Tuệ, Trí là người ngạc nhiên nhất. Còn Tuệ chỉ gật gù, anh nói sau một lúc suy nghĩ:

- Chúc mừng cậu tìm được em gái. Hãy tạo cơ hội để con bé nhìn thấy sự thật, như vậy tự nhiên hơn và ông chú hết đường quanh co.

Phòng khách còn lại bốn anh em. Miên nói như trong mơ:

- Bao nhiêu năm nay, em tưởng mình không còn ai thân thích trên đời. Cuộc sống từ bé đã nhờ người dưng. Rồi bỗng nhiên... phải chi chú Hiếu đừng xử tệ, em đã được gặp ba má và anh lâu rồi.

Cô thở dài:

- Sao chú thím phải làm vậy? Em có tranh ngôi nhà này đâu?

Miên nhìn anh:

- Cũng may là em đã gặp người tốt nuôi nấng bao bọc, không đến nỗi sa vào cạm bẫy... nếu không, anh em mình sẽ gặp nhau trong hoàn cảnh thê thảm hơn nhiều.

Cô ngừng lời chờ cho xúc cảm lắng xuống - Anh có tấm ảnh nào của ba má đó không, cho em nhìn chút xíu, em chẳng nhớ được gì cả.

Khang lặng lẽ mở ví rút ra một tấm ảnh nhỏ đưa cho em:

- Ảnh mới nhất của ba má đấy. Nhìn xem, em rất giống má.

Miên nhìn chăm chú từng nét trên gương mặt thân yêu mặc cho hai dòng lệ lăn dài xuống má. Ba già hơn má nhiều - Miên nghĩ thầm - Nhưng trên nụ cười của má là đôi mắt buồn thăm thẳm. Chắc chắn niềm vui của bà không trọn vẹn vì thiếu một đứa con gái. Má ơi! Con sắp được gặp má rồi - Cô kêu thầm trong trí - Nụ cười của má sẽ rạng rỡ hơn vì Thoại Miên về bên má...

- Anh sẽ gọi điện thoại cho ba má ngay sáng mai. Chắc chắn ba má sẽ về thăm em trong thời gian sớm nhất.

- Anh nghĩ sao về chú Hiếu?

- Để xem ông ta xử sự ra sao đã. Chắc chắn anh không bỏ qua chuyện này.

Giọng Miên buồn buồn:

- Khổ thì em đã chịu và đã qua rồi. Bây giờ làm khổ thêm người khác, em cũng chẳng được gì. Coi như số mệnh khắc khe với em vậy thôi. Vợ chồng chú ấy cũng già rồi, gặp bất hạnh chắc không chịu nỗi - Cô thở dài - Phải công nhận là ông bà ấy ác thật. Cứ nhìn thấy em là đánh, là chửi. Sau này sống với người dưng, em còn thoải mái hơn. Chưa đến năm tuổi đầu đã phải sống nhờ thiên hạ.

Tuệ nhìn Trí khẽ lắc đầu. Khang mím môi. Anh cảm thấy thương Miên đến xót xa. Trong trí anh chợt lóe lên ý nghĩ, nếu không có sự tình cờ khám phá ra hai người cùng huyết thống, liệu giữa họ có gì không? Hay ít ra cũng từ phía anh. Vì đối với một cô gái như Miên dễ làm cho người khác rung động.


Không khí giữa bốn người trầm lặng. Sự trầm lặng của những hoài niệm. Miên nhìn hết người này đến người khác. Và ánh mắt đó dừng lại ở Trí và bắt gặp ở người tình một sự đồng cảm.

- Em muốn đi xem lại mọi thứ ở đây. Miên bỗng đứng lên như chợt cảm thấy ngột ngạt. Cô đang vui, nhưng là niềm vui cay đắng. Từ ý nghĩ không còn gì rồi bỗng có tất cả, nó khiến cô như chao đảo... một chút tủi hờn nào đó vướng vất trong hạnh phúc. Cô đi quanh một vòng. Cô ngạc nhiên không thấy vợ chú Hiếu nhưng cũng không hỏi. Ngôi nhà mười mấy năm vẫn không thay đổi bao nhiêu. Cái góc cầu thang này Miên hay vào trốn mỗi khi bị đòn, những làn roi đã không còn hằn trên da thịt nhưng không thể xóa đi trong tâm hồn cô gái.

*
*    *

Ông Hiếu bước vào quán, kêu vội vàng chai bia rồi ngồi yên nhìn bóng chiều phủ xuống dần. Ông đến quán này là quán thứ ba trong buổi chiều nay. Nơi nào cũng kêu vội nhưng uống rất lâu. Ông muốn ngồi yên một nơi nhưng cứ nhấp nhổm không yên. Ông đang sợ. Đúng hơn là từ nhiều năm nay, đây là lần đầu tiên ông đối diện chính mình.

Vậy là chúng nó đã về. Cả hai đứa. Thằng Khang thì không có vấn đề gì nhưng còn con Miên? Ông thật không hiểu làm cách nào chúng nhận ra nhau? Đứa cháu gái lưu lạc tưởng không bao giờ còn cơ hội trở về ngôi nhà này.

Lúc nãy ông đã sững sờ gần như thất thần. Cả hai đứa đều bất ngờ. Chỉ là sự tình cờ thôi. Sự tình cờ đáng nguyền rủa. Từ ngày ông gửi nó cho ông bạn già làm thầy giáo, ông Hiếu coi như phó mặc không bận tâm đến đứa cháu gái sống chết ra sao. Sau này, khi biết tin Khang sắp về Việt Nam, ông Hiếu có nghĩ đến chuyện may rủi bất ngờ, nên bảo vợ đến Biên Hòa hỏi thăm cuộc sống ông giáo qua người quen và biết được ông giáo đã chết. Nhà ông bây giờ vợ chồng người cháu họ ở. Cô con gái nuôi chẳng biết trôi dạt phương nào. Ông Hiếu không yên tâm lắm nhưng không thể làm gì khác ngoài ước mong cho con bé đừng bao giờ về lại Sài Gòn. Từ đầu đến cuối ông đã dàn cảnh một màn kịch để lừa anh và chị dâu... đến bây giờ thì đổ bể hết. Khang đã biết rõ dã tâm của ông và chắc chắn ba má nó rồi cũng sẽ biết thôi. Ông Hiếu ngửa cổ uống cạn ly bia. Đầu ông váng vất, những ý nghĩ lộn xộn trong trí không còn mạch lạc nữa. Ông kêu tiếp một chai. “Uống cho quên đời”. Ông nhăn mặt vì cảm thấy đắng cổ, lẩm bẩm một mình: Tụi nó sẽ đòi nhà lại, sau những điều tệ hại mình đã làm - mẹ kiếp, bụi đời là cái chắc. Nhà cửa bây giờ làm sao mua nổi? Ở nhà rộng quen rồi. Hà, không ngờ tuổi này mà còn phải lang thang - Ông lắc đầu - Quái, con nhỏ sao không chết phứt cho rồi? Mà cũng tại mụ vợ lúc nào cũng òn ỉ chồng khử cháu gái để đoạt nhà. Hừ, bây giờ thì sáng mắt...

Ông Hiếu lẩm bẩm một mình, đứng lên loạng choạng đi ra. Người chủ quán mang tiền thối lại, ông xua tay lè nhè: “Khỏi. Cho mấy người... Tôi không cần tiền. Hừ, mất hết rồi giữ lại làm quái gì mấy đồng bạc lẽ”.

Và ông chập choạng băng qua đường.
*
*    *
Mấy anh em ăn một bữa cơm ngon lành với những thức ăn đã làm sẵn vì ông Hiếu muốn đãi Khang và bạn bè như đã hẹn trước. Miên xuống bếp hâm nóng thức ăn. Họ không biết rằng ở nhà bên cạnh, thím dâu cũng đang ngồi chống cằm với tâm trạng rối bời. Bà Hiếu đi chùa về ghé nhà hàng xóm thăm và được nghe “tin mừng sét đánh”: Cậu Hai tìm được cô Ba đang ở trong nhà. Không cần biết chồng đối phó ra sao, bà Hiếu lo “thủ” phần mình: Bà ở nhà bạn rồi đi luôn về nhà em ruột quyết định “lánh nạn” để chờ động tĩnh. Nghĩ đến lúc phải đối mặt với đứa cháu gái chồng, người đàn bà từng là nguyên nhân của mọi việc không đủ can đảm.

Bởi thế từ khi Miên về cho đến xong bữa cơm chiều, cô không thấy thím dâu. Trí phụ người yêu thu dọn chén bát. Khang cười:

- Không ngờ em gái anh cũng đảm đang quá nhỉ. Từ ngày về nước, hôm nay anh mới được ăn bữa cơm ngon miệng.

Miên nguýt dài:

- Anh nịnh em thì có. Thức ăn nấu sẵn chỉ hâm lại, ai làm không được. Em mà nấu là anh nuốt không vô.

- Vậy thì tội nghiệp Trí quá.

Miên tròn mắt:

- Gì kỳ vậy?

- Chứ không à? Nay mai cậu ấy là người duy nhất thưởng thức tài nấu nướng của em, không đúng sao?

Biết anh chọc, cô gái đỏ mặt chạy xuống bếp.

Có tiếng chuông gọi cổng. Khang đứng lên đi ra. Ngoài cổng là một người mặc sắc phục cảnh sát.

- Xin lỗi, anh tìm ai?

- Đây có phải là nhà ông Nguyễn Tâm Hiếu không?

- Vâng. Ông Hiếu là chú tôi.

- Ông Hiếu bị tai nạn hiện đang nằm ở phòng cấp cứu. Gia đình đến gấp dùm.

Miên từ nhà trong đi ra, hỏi dồn:

- Bị tai nạn à? Có nặng lắm không?

- Ông ta say rượu, băng qua đường lúc đông xe.

Miên nhìn anh:

- Mình đến đó chút đi.

Nửa giờ sau, họ ngồi ở hành lang bệnh viện. Trong phòng cấp cứu, ông Hiếu vẫn chưa tỉnh. Theo lời bác sĩ, chân trái bị gãy, nếu lành cũng phải mang thương tật suốt đời.

Khang buộc miệng:

- Thượng đế ra tay đấy. Nhưng vẫn còn nhẹ so với mười mấy năm đoạn trường của Thoại Miên.

*
*    *

Tin Thoại Miên tìm được gia đình lan nhanh trong xóm ga. Ai cũng mừng cho cô. Gặp Miên, hết người này đến người khác đón lại hỏi thăm. Bà Bảy bán xôi gật gù:

- Phải chớ. Ăn hiền ở lành thì gặp may. Chà, mai mốt ông bà ở “bển” dìa, tha hồ cho cô sung sướng.

Tý lì rụt rè:

- Chừng đó... chị Miên hết ở đây với tụi em rồi.

Cô xoa đầu thằng bé:

- Chị có hay không, các em cũng phải ngoan, làm những việc mà chị đã chỉ. Chị sẽ không bỏ các em, dù chị ở đâu cũng vậy.

Tụi nhóc nhảy cẫng:

- Hứa nha, chị Miên.

- Ừ, hứa.

Thật ra hiện tại Miên cũng chưa biết mình sẽ ở đâu? Cô chỉ cảm thấy mình không còn đơn độc nữa. Sau ngày anh em gặp nhau, Khang muốn em gái về ở ngôi nhà cha mẹ để lại, nhưng cô từ chối. Bà thím dâu bù lu bù loa sự hối hận muộn màng. Miên không trách nửa lời. Cô nghĩ ngay cả chú ruột mình cũng thế huống gì người dưng. Từ ngày chồng bị nạn, bà ta vô ở luôn trong bệnh viện, có lẽ về nhà sợ ngượng với cháu. Miên nói với anh:

- Em nghĩ không phải chỉ có em, mà ngay cả anh cũng không nên ở lại nhà cũ.

Khang ngạc nhiên:

- Sao vậy? Nhà của ba má mình mà.

- Nhưng từ lâu rồi nó đã trở thành nhà của chú ấy. Mình mà ở, chú thím sẽ không dám về, hay ít ra cũng không thoải mái chút nào sau chuyện vừa rồi. Em nói đúng không? Dù sao chú cũng là huyết thống của ba. Họ không phải thì lương tâm họ cắn rứt. Mình cứ làm theo suy nghĩ của mình.

- Nhưng anh không muốn em sống thêm một ngày nào nữa ở cái xóm lao động ấy. Người ta đã sỉ nhục em quá đáng rồi. Ngay khi chưa biết em là em gái, anh và anh Tuệ đã bàn nhau phải tạo cơ hội cho em...

Miên ngắt lời anh, dịu dàng:

- Em biết. Em có nói sẽ sống mãi ở xóm ga đâu? Nhưng từ từ sẽ tính. Bây giờ cứ giữ nếp sinh họat cũ, em quen ở đó rồi, ở thêm một thời gian ngắn nữa đâu có sao. Chuyện Quỳnh chẳng qua là hiểu lầm thôi. Quanh em cũng nhiều người tốt lắm - Cô mỉm cười – Em biết anh lo cho em và điều đó làm em hạnh phúc vô cùng. Mọi người không nhìn em thương hại vì hoàn cảnh côi cút nữa. Anh yên tâm, em biết lo cho mình mà.

Hai anh em nhìn nhau, Khang gật gù:

- Tâm hồn em đẹp thật đấy. Thảo nào Trí chọn em.

Miên hóm hỉnh:

- Sao anh không nghĩ ngược lại, chính em là người chọn anh ấy? Nói đúng hơn là hai đứa cùng chọn lựa nhau. Trí rất tốt. Anh ấy biết chia xẻ với người nghèo.

Khang nheo mắt:

- Chứ không phải anh ta làm việc thiện vì em sao?

- Có thể là ý nghĩ ban đầu. Nhưng thật tâm Trí rất thích thú công việc dạy dỗ bọn trẻ.

- Em giỏi. Một đám trẻ bụi đời như thế mà em thu phục được. Chắc tụi nó cũng đầu bò, đầu bướu lắm chứ gì? Cứ nhìn thằng nhóc Tý lì thì đủ biết.

Miên lắc đầu:

- Không hẳn vậy đâu. Thật ra chúng rất đáng yêu. Lì lợm chỉ là cái mặt nạ để cho người đời không hiếp đáp thôi.

- Em đi khỏi đó chắc tụi nhóc buồn lắm.

Miên khẽ cắn môi:

- Đó cũng là điều em muốn nói với anh. Dù cuộc sống đổi thay thế nào, em vẫn giữ lại những người bạn nhỏ ấy.

*
*    *

- Chị Quỳnh... Chị Quỳnh...

Vừa gọi, Lệ vừa đi ra từ quán cà-phê đối diện. Từ ngày Thúy quăn nghỉ việc vì bất mãn bà chủ lơ là, Lệ trở thành “cận thần” của Quỳnh, lo mọi việc trong quán khi Quỳnh có việc ra ngoài. Gương mặt hớt hải, Lệ kéo Quỳnh vào quán, ấn ngồi xuống ghế.

- Làm gì ghê vậy? Bộ quán cháy hả?

Quỳnh đùa, nhưng Lệ không cười. Nó nhỏ giọng:

- Nguy rồi!

Quỳnh bực dọc:

- Trời sập cũng nói mẹ nó đi, ỡm ờ sốt cả ruột.

- Ông Nhơn...

- Sao?

Quỳnh hỏi, mặt hơi tái.

- Ổng về lâu rồi, gương mặt ngầu lắm...

Quỳnh bật cười:

- Tưởng gì. Chả lúc nào mà không làm mặt hình sự. Chắc lại tính hù tao moi tiền.

Lệ nghiêm trọng:

- Không phải đâu. Chị phải cẩn thận. Ổng đi lên đi xuống, gằn giọng hỏi chị đi đâu, với ai? Tui nói chị đi làm tóc, ổng trợn mắt thiếu điều đánh tui, nói ghé tìm rồi mà không gặp... cả mấy nhà chơi bài nữa.

Quỳnh hơi chột dạ:

- Tìm tao làm quái gì? Chả hù mày đó.

- Đừng coi thường. Hình như chả biết chị đi với ông Hữu...

- Cái gì? Biết?

Lệ gật đầu:

- Nghe ổng vừa lên cầu thang vừa nói “Tao mà tóm được, cho mỗi đứa một viên vào sọ... tới số rồi mới giỡn mặt thằng Nhơn này... ”. Như vậy là hắn ta có súng...

Quỳnh gạt đi:

- Nói bậy. Hắn làm gì có thứ đó. Bất quá dao Thái Lan là cùng... Hừ, cái thứ chỉ chuyên dọa người đoạt của... Tưởng con này sợ à? Còn lâu. Yên chí đi, cái tẩy của hắn, tao nắm trong tay, cà chớn là báo công an còng đầu, ở đó mà hù.

Lệ vẫn tỏ vẻ lo lắng:

- Nói gì thì nói, Quỳnh vẫn phải đề phòng. Nó lộ tẩy đâu không biết, mình lãnh đạn là tiêu luôn đó. Hay là bỏ đi đâu một lát, hắn chờ không đuợc bỏ đi hãy về. Bản mặt hắn ban nãy mình cũng phát ớn.

Quỳnh xua tay:

- Cứ về, để coi nó làm gì tao.

Lệ biết có nói cũng vô ích, khẽ lắc đầu. Cô ả ngồi lại bàn uống một ly trà đá nhìn Quỳnh băng qua đường về quán bằng ánh mắt ái ngại. Làm ở đây hơn năm, cô ả không lạ gì cuộc sống của cặp tình nhân này. Nhưng những lần sóng gió trước Lệ cho là không quan trọng. Lần này, nghe nói Nhơn đã bị theo dõi vì đường dây buôn lậu thuốc phiện Bắc- Nam bị bể. Hắn nằm nhà nhiều và gây sự nhiều hơn. Lệ đã quen tai những tiếng gấu ó, những lời văng tục của họ. Có lần Nhơn ghen với Hữu đánh Quỳnh thâm tím cả mặt mày, hai ngày không dám xuống quán. Quỳnh tiếng là mồm năm miệng mười nhưng vẫn ngán thói vũ phu của gã chồng hờ. Hắn không la lối, chỉ đấm đá thẳng cánh.

Lần đó Nhơn đi luôn mấy ngày. Quỳnh yên tâm hắn tếch hẳn, mình rảnh nợ thì hắn lò dò trở về.

Lúc nãy Lệ sợ Quỳnh nổi cơn tam bành nên không dám nhắc lại chuyện giữa Nhơn và nó khi hắn vừa về quán. Nhơn đi xộc thẳng lên gác, rồi hầm hầm đi xuống, quát:

- Con Quỳnh đâu?

Lệ luống cuống:

- Không biết... mới thấy đó mà.

- Mới thấy? Lúc nào hỏi tới cũng nói mới thấy, mới đi. Các người giỏi che dấu cho nhau lắm mà. Nó đi đâu? Nói.

Lệ vẫn lắc đầu:

- Không biết thật... tui lo coi quán, Quỳnh đi đâu làm sao biết.

Nhơn văng tục, Lệ làm như không nghe. Một lát, Lệ nghe tiếng chân gã dậm thình thịch trên gác. Loay hoay một lúc Nhơn lại xuống tìm Lệ:

- Có người thấy thằng Hữu chở nó, đừng dấu tôi. Nó đi đâu.

Lệ muốn bật cười trước câu nói đón đầu của Nhơn. Cô ả muốn hét vào mặt gã:

- Vợ anh thì ráng mà giữ, để bả cắm sừng rồi nói với ai? Anh đã từng gả bả cho hết thằng này đến thằng khác để kiếm tiền mà... Bả theo một đứa ăn nhằm gì.

Nhưng nét mặt dữ tợn của gã đàn ông khiến cô ả khựng lại, rồi đâm hoảng khi thấy mắt Nhơn long lên sòng sọc:

- Muốn chết tao cho chết... mỗi đứa một viên là xong... cả cô nữa, phá tan cái quán này luôn...

*
*    *

Bước vào nhà, Quỳnh hơi khựng lại. Những lời nói sau cùng của Lệ văng vẳng bên tai. Quỳnh bỏ lại sau lưng vẻ mặt hốt hoảng của con nhỏ người làm để bước vào căn nhà của tử thần. Có thể lắm chứ, biết đâu Nhơn đang chờ cô ta với một phát đạn? Gã đã dám làm những việc phi pháp thì kể gì tới việc giết người? Đó cũng chỉ là một trong những hành động phi pháp của gã. Giữa hai người là một cuộc chiến không khoan nhượng, luôn luôn Quỳnh giành được phần thắng vì cô ta nắm được cái tẩy của gã, Nhơn đấu dịu bỏ đi nhưng mắt gã rất ngầu. Quỳnh cũng ngán, nhưng cô ta có ý đồ riêng, làm cho Nhơn bỏ đi, như thế Quỳnh vẫn giữ được chỗ làm ăn phát đạt. Quỳnh biết khi rời nơi này, cô ta cũng sẽ trở về với hai bàn tay trằng - và không biết sẽ bắt đầu trở lại bằng cách nào. Đó là lý do Quỳnh liều lĩnh bám lấy nơi mà bây giờ đối với cô đã trở thành nguy hiểm.

Sau lần gây sự với Miên, Quỳnh không về lại xóm ga. Cô ta hoàn toàn không biết những đổi thay đến với cô gái hiền lành ấy. Làm cho Miên mất mặt, Quỳnh cũng không thấy mình vui hơn chút nào, vì rõ ràng cô ta không thành công trong mục đích làm cho mọi người bớt quý mến Miên, trái lại là khác nên Quỳnh vẫn thấy mình thua cuộc. Mục đích duy nhất của Quỳnh là bây giờ phải làm thật nhiều tiền. Những lời hứa hẹn lúc đầu của Nhơn đã chắp cánh bay xa trong thời gian chung sống. Gã đàn ông hiện rõ nguyên hình là một tên ma cô ăn bám và Quỳnh biết rằng cô phải tự lo cho mình. Bằng mọi giá Quỳnh phải giữ chỗ làm ăn, và không có mặt Nhơn trong quán, sự làm ăn của cô chắc chắn sẽ được trôi chảy và tốt đẹp hơn.

Ý nghĩ đó giúp Quỳnh mạnh bạo hơn trong những bước chân trở về với gã chồng hờ hung hãn. Nếu cần, Quỳnh nghĩ thầm, mình sẽ tung hết tất cả những bí mật của hắn. Khi hắn đã xỏ tay vào còng số 8 rồi thì mình sẽ yên thân. Quỳnh cũng đã nghĩ tới chuyện bị rắc rối vì đã sống chung với hắn, như Nhơn đã từng nói: “Tôi vô tù, bộ cô sống yên chắc? Đừng hòng, em ơi. Em cũng phải gở ít nhất vài ba cuốn lịch vì tội đồng lõa và bao che tội phạm. Ai người ta tin cô ngay thẳng? Nhà cô ở, nơi cô làm ăn là tiền buôn lậu mà”.Nhưng mà như vậy còn hơn phải sống suốt đời với hắn. Dù vậy Quỳnh vẫn chùn chân khi bước lên cầu thang, cả tiếng ván cót két của gỗ dưới chân cũng khiến Quỳnh gai người. Cô ta mất vẻ tự tin lúc nãy, khi nói chuyện với Lệ ngoài đường.

Nhơn đang lục lọi gì đó, nghe tiếng chân, hắn quay lại. Trái với suy đoán của Quỳnh, nét mặt của hắn rất thản nhiên. Hắn hỏi nhẹ nhàng:

- Em về đấy à?

Quỳnh bất ngờ, đó không phải là điều nó chờ đợi. Nhưng thế cũng tốt, đỡ phải hao hơi, tốn sức. Tuy nhiên Quỳnh vẫn phải đề phòng. Linh tính cho biết rằng sau bộ mặt thản nhiên kia là sự nham hiểm của con cáo. Quỳnh gật đầu:

- Không đi đâu sao?

- Anh đâu có tình nhân để đi như em.

Quỳnh chột dạ. Tấn kịch đã mở màn? Cô ta làm mặt tỉnh:

- Ai nói với anh tôi đi với tình nhân?

- Không phải sao? Vậy thì xin lỗi nhé. Vậy mà có người nhìn thấy em đi với thằng Hữu vào khách sạn.

Quỳnh quắc mắt:

- Tôi vô khách sạn hồi nào?

Nhơn vẫn nhẹ nhàng:

- Thì nhà người quen. Cũng chỉ làm một việc thôi mà có gì khác nhau đâu.

Quỳnh đảo mắt coi chừng Nhơn nhưng gương mặt gã không có gì thay đổi. Quỳnh đâm hoang mang, không biết hắn sẽ dùng chiến thuật gì? Thà cứ thô bạo lại dễ xử...

Nhơn tiếp tục thu xếp mấy bộ quần áo của hắn. Quỳnh tò mò:

- Anh đi à?

Nhơn ngước lên, nheo mắt:

- Đó không phải là điều em muốn sao?

- Tôi...

- Dù sao thì anh cũng không dễ quên em. Chúng ta đã có một thời gian chung sống với nhau hạnh phúc. Nhưng anh không thể ở đây được nữa.

Quỳnh cố dấu tiếng thở phào nhẹ nhõm. Cô ta cũng nên tạo thiện cảm để cuộc chia tay sòng phẳng:

- Anh về Bắc à? Hay đi đâu?

Nhơn lắc đầu:

- Cũng chưa biết. Nơi nào tiện thì ghé, anh sẽ trở về cuộc sống trước đây, khi chưa có em.

Gã chậc lưỡi:

- Nghĩ cũng đáng buồn. Có lúc anh nghĩ sẽ không ra đi một cách êm thấm như thế này, ít ra thì thằng đàn ông chim vợ mình cũng phải trả một cái giá nào đó tương xứng với sự mất mát của anh. Nhưng nghĩ kỹ chẳng ích lợi gì. Cái anh mất chính là sự phản bội của em chứ không phải do hắn. Giết thằng Hữu này thì còn thằng Hữu khác. Chỉ có em là người đáng chết thôi...

Gã bỏ lững. Quỳnh thoáng rùng mình. Nhơn đến gần, lấy tay hất cằm đứa con gái lên bắt cô ta nhìn thẳng vào mắt mình. Giọng gã như kép hát:

- Nhưng giết em anh không nỡ. Dù sao mình cũng có thời gian đầu gối tay ấp, phải vậy không?

Cổ Quỳnh khô khốc. Cô ta muốn nói một câu gì đó nhưng không tìm ra ý. Nhơn đảo mắt nhìn quanh phòng:

- Anh tiếc rằng không để lại được gì cho em, kể cả vật kỷ niệm đầu tiên. Nhưng em thông cảm vì anh làm ăn thua lỗ phải mượn lại em mà chưa có cái khác để trả... Hiện tại anh rất cần tiền cho những ngày anh sống lẩn trốn, nói cho em biết luôn là anh đang bị truy nã... nhưng không dễ gì còng tay anh được đâu.

Hắn ngừng lại đắn đo rồi nói luôn:

- Anh mượn thêm em một số vàng, đừng buồn nhé.

Tai Quỳnh lùng bùng. Cô ta căng mắt nhìn gã đàn ông bước về phía cầu thang rồi bất chợt Quỳnh nhào tới, ghì lấy cái xách du lịch gã cầm nơi tay, giật lại:

- Vàng của tôi đâu? Trả đây.

Nhơn cười khẩy:

- Đùa với em thôi, làm gì có vàng vòng ở đây? Em dấu kỹ quá làm sao lấy được.

Quỳnh nghiến răng:

- Trả đây.

- Đã nói không mà. Tìm lại xem.

Như con thú điên, Quỳnh bổ nhoài xuống giường, lôi ra đôi giầy cũ. Tay cô run run bật lớp da trên, chưa kịp bóc miếng vàng ép sát giầy, Nhơn đã lao đến, Quỳnh hét:

- Của tôi!

- Có vậy mới lòi ra chứ. Khá thật. Anh tìm cả buổi sáng...

Mắt Quỳnh nổ lửa:

- Đừng đụng đến tôi. Nếu không thì anh sẽ ân hận.

Quỳnh ôm cứng số vàng chắt chiu vào ngực. Cô thụt lùi... thụt lùi.

Nhơn chồm tới. Quỳnh né nhưng hai bàn tay Nhơn đã như hai gọng kềm bẻ ngược tay Quỳnh ra sau. Quỳnh rú lên vì đau đớn. Nhơn lật bàn tay cô ta, lấy bốn cây vàng thật nhẹ nhàng. Hắn bỏ vàng vô túi, đồng thời rút ra khẩu súng lục:

- Khôn hồn đứng yên đó. Ráng làm ăn đàng hoàng đi rồi kiếm thằng chồng khác. Nhớ lần sau có vàng thì dấu kỹ hơn nhé.

Hắn cười đểu sau câu nói, Quỳnh tức uất đến nổ đom đóm mắt, nhưng họng súng chĩa thẳng của gã chồng hờ khiến cô ta đứng chết trân. Nhơn đi khá lâu Quỳnh mới hoàn hồn. Cô ta buông mình xuống giường như một tàu lá rũ.

*

*    *

Miên im lặng đi bên Trí. Họ đã đi bên nhau một đoạn khá xa. Họ cùng thích tản bộ trên những con đường tương đối vắng vẻ. Lúc hoàng hôn xuống. Những con đường đã quen thuộc từng bước chân những người yêu nhau. Người con gái thả ánh mắt về nẻo trời xa, hình dung ra những người thân yêu nhất đang sống ở đó... Rồi cô sẽ gặp lại cha mẹ, điều mà trước đây Miên không tưởng... thật kỳ lạ, cứ như trong mơ. Phép mầu nhiệm giữa đời thường... còn gì nữa? Con bé mồ côi xóm ga bỗng dưng có tất cả. Người anh trai đã chiều em, thuê một căn nhà ở đường Kỳ Đồng, để hai anh em sống  chờ ngày cha mẹ về, và cũng để Miên gần gũi, tiếp tục dạy dỗ đám trẻ lang thang. Sau những giờ lăn lộn ngoài hè phố, chúng tìm về với “chị Miên”, tíu tít kể bao nhiêu là chuyện gặp trong ngày. Miên dưới mắt chúng lột xác, ăn mặc đẹp hơn, không còn phải ngồi phơi nắng suốt ngày bên tủ thuốc lá nữa. Và điều quan trọng là không ai dám bắt nạt chị Miên như khi còn ở xóm ga. Lúc đầu lũ nhóc rất dè dặt khi bước vào ngôi nhà mà trong cái nhìn của chúng, rất sang trọng. Miên phải gọi từng đứa, giải thích tại sao mình lại ở đây: Chị muốn sống gần các em - Miên nói, ánh mắt đầy yêu thương - Mỗi ngày các em đến học như thường lệ - không có gì thay đổi trong tình cảm chị em mình.

Tý rụt rè thú nhận:

- Tụi em sợ anh Hai của chị lắm. Chắc ảnh hổng ưa bụi đời đâu. Ảnh sống ở Mỹ, quen sung sướng, giàu có rồi...

Miên lắc đầu:

- Không phải vậy đâu. Anh Hai chị hiền lắm. Anh cũng quan tâm đến tụi em nhiều. Quen rồi, các em sẽ mến ảnh.

Lũ trẻ bớt dè dặt. Khang cũng quen dần với bọn chúng và thấy Miên nói đúng, đó là những tâm hồn đáng yêu. Nếu có sự hướng dẫn, chúng sẽ trở thành những người hữu ích cho xã hội. Cuộc sống ngoài đường làm chai cằn màu da, nét mặt nhưng không làm sao xóa được tâm hồn trẻ thơ trong sáng. Lũ nhóc của Miên bây giờ đã gần chục đứa... Mấy đứa mới “đầu quân” tuân lời đàn anh Tý lì răm rắp. Điều lệ của ngôi nhà tình thương thật giản dị: “Không chôm chỉa - không chửi thề - cấm hút thuốc và yêu thương lẫn nhau”. Có thế thôi. Nhưng Miên hiểu muốn làm được những điều đó không phải dễ, nhất là cuộc sống đang tiếp cận với mặt xấu của xã hội. Bọn trẻ đã làm được, chỉ vì không muốn chị Miên buồn. Một lần giữa buổi học, Cơ bổng cười ré lên, Miên nghiêm mặt:

- Gì vậy Cơ? Em viết đến đâu rồi?

Thằng bé vẫn chưa thôi cười, nhưng nó chỉ vào thằng Tý lì đang nhanh tay xé một tờ giấy trong tập giấu sau lưng.

- Đưa chị xem. Em viết gì hả Tý?

Mặt Tý sượng sùng. Nó không muốn đưa tờ giấy. Cơ giải thích:

- Nó viết... chị Miên đó.

- Sao lại viết chị? Đâu nào đưa chị xem em viết gì?

Tý lì đưa mảnh giấy, Miên đọc lướt qua:

Cô giáo - chị Miên,

“Từ ngày có chị Miên em biết được đời còn người tốt. Trước đây, không ai nói với em dịu dàng như chị, không ai thương em như chị. Hằng ngày chỉ toàn những ánh mắt nghi ngờ, những lời hằn học, khinh bỉ dành cho em. Em ghét mọi người, những người lớn và nhiều tiền... Em thề khi lớn lên sẽ cố kiếm nhiều tiền để trả thù đời, để người khác hết khinh khi... nhưng em thấy chị và những người bạn của chị hổng ham tiền, hổng hiếp đáp người nghèo... Vậy là em phải sống tốt là đủ phải không chị Miên? Em thương chị Miên... Thương nhất trên đời... Em cũng hổng ghét anh của chị Miên nữa... Anh cũng tốt như chị Miên... ”

(còn 1 kỳ)

 Lý Thuỵ Ý
Thêm bình luận

Bài vở và hình ảnh xin gởi về This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.