(Tiếp theo và hết)

Lá thư viết nửa chừng. Chắc Tý lì còn định viết nữa thì bị Cơ bắt gặp. Miên nghe mắt mình cay cay khi đọc những dòng chữ nguệch ngoạc của thằng bé. Nó đã viết những cảm nghĩ thật nhất của mình. Sau đó Miên đưa cho Khang đọc, anh gật gù:

- Khi nào tạo dựng xong cơ sở vật chất, anh sẽ bảo bọn nhóc bỏ những việc làm hiện tại. Mình nuôi chúng và cho chúng đi học một nghề hẳn hoi, em nghĩ sao?

Miên chớp mắt:
- Đó là ý nghĩ tuyệt nhất mà em không nghĩ ra.

Khang cười:

- Em chưa nghĩ vì chưa có căn bản cuộc sống. Nếu điều kiện thuận lợi, em sẽ lo cho chúng những việc hay hơn nhiều.

Hai anh em rời nhà khi chú Hiếu xuất hiện với cái chân bó bột. Họ tránh mặt không để ông ta bị khó xử. Miên muốn người chú tàn nhẫn của mình tự tìm lấy lẽ phải. Họ không cần biết ông nghĩ gì. Khang chỉ nói với thím dâu:

- Nhà chú thím ở lâu nay bây giờ vẫn thế. Chúng cháu không hề có ý tranh giành. Thím nói chú cứ yên tâm dưỡng bệnh.

Bà thím dâu lúng ta lúng túng, định nói lại thôi.

Khang xách va-li đi ra cổng không quay nhìn lại...

                                                                                       *
                                                                                    *    *


- Thoại Miên.

- Dạ.

Cô đáp lời anh, thoảng như hơi thở. Họ dừng lại đối diện nhau trong bóng chiều. Trí mỉm cười:

- Em biết anh đang nghĩ gì không?

Miên lắc đầu. Trí bỗng thấy người yêu thật bé bỏng. Anh khẽ nắm bàn tay nhỏ nhắn của cô, Miên để yên. Ấm lạ. Hoàng hôn phủ lên mái tóc dày mượt của người con gái một màu khó diễn tả. Anh ghé tai cô, thì thầm:

- Anh muốn em làm vợ anh.

Hai má cô đỏ lên. Miên khẽ gật đầu tránh gương mặt khá gần của Trí:

- Em... không biết... còn ba má em... còn anh Khang.

- Nhưng quan trọng nhất là em có đồng ý không đã...

- Anh... kỳ... mình còn nhiều việc phải làm.

Trí cười nhẹ:

- Anh có bảo em ngày mai cưới đâu.

- Vậy anh... nói làm gì?

- Không nói trước, lỡ người khác dành rồi sao? Suýt mất một lần rồi.

Miên phụng phịu:

-Làm như em nhiều bạn trai lắm vậy... Có mình anh đã khóc lên khóc xuống.


                                                                                    *
                                                                                 *     *

Tuệ ngồi trầm ngâm trước đĩa gạt tàn. Những mẩu thuốc thừa đã đầy và trên tay anh đốm lửa vẫn đỏ đầu điếu thuốc. Những vết nhăn trên trán Tuệ hằn sâu. Anh cố thoát ra những ý nghĩ rối rắm mà không được. Đúng là không dễ dàng thoát khỏi chính mình. Lặng lẽ với không gian im vắng, Tuệ không còn là con người năng động trong cái nhìn của mọi người mà là người đàn ông mệt mỏi với đôi mắt trầm uất. Một khoảng đời qua trở về trong hồi ức, chập chờn là gương mặt cô gái bất hạnh, dáng vẻ khép nép đến tội nghiệp trong phòng khách nhà anh, rồi những dòng chữ nguệch ngoạc của lá thư tuyệt mệnh... Bao năm rồi Tuệ vẫn chưa quên. Đúng hơn là không thể. Nó như ẩn một góc nào trong tâm tư anh, khuất mà không mất. Khi anh còn lại một mình, nó đến. Sự nhắc nhở không còn cần thiết cho ai nữa, kẻ sống lẫn người chết, nhưng vẫn không xóa nhòa đi được. Tuệ nghiến nát đầu lọc điếu thuốc, quai hàm anh bạnh ra. Trong ánh sáng lung linh của ngọn đèn bàn, Tuệ cảm nhận như có một bóng tối lướt qua... cái bóng tối không do ngoại cảnh mà từ trong suy nghĩ của anh.

Tuệ chợt nhăn mặt, khẽ lắc đầu khi nghĩ tới một hình ảnh khác. Người con gái xóm ga, người mà ngay lần gặp gỡ ban đầu đã để lại trong anh ấn tượng trong sáng. Cô gái ấy vừa tìm lại được những người thân yêu nhất. Cô ta là người yêu của Trí, em trai anh và... lạy Chúa... cũng là người chiếm khoảng lớn trong tâm tư anh. Tiếng thở dài cố nén chợt bật ra. Cũng may mình chưa ngỏ lời, nếu không bây giờ chắc khó xử lắm.

Miên không biết, hoàn toàn không, cả Trí nữa. Hình như họ đang tính chuyện đính hôn... Sáng nay, tình cờ đi ngang qua tấm gương lớn, Tuệ nhìn vào và thấy tóc mình thưa đi nhiều. Trán anh đã bắt đầu sói, dấu hiệu của tuổi tác... Thì đã sao? Chỉ là tiếng “chú” trên môi những đứa trẻ hai mươi.

Có tiếng xe tắt máy. Tuệ biết Trí đã về. Chắc nó vừa đến thăm Thoại Miên?

Trí hỏi khi bước vào phòng khách:

.- Chiều nay anh Khang có đến nhà mình không?

Tuệ lắc đầu:

- Không. Có chuyện gì sao?

- Trưa nay bác gái có điện thoại qua. Gia đình nhận được điện báo tìm được Thoại Miên. Hai mẹ con khóc quá...

Tuệ thở dài:

- Nước mắt của gần hai mươi năm đè nén mà. Chắc mẹ cô ấy phẩn uất lắm.

- Hình như bà yêu cầu có biện pháp với người chú tàn nhẫn ấy.

- Thoại Miên nói sao?

- Cô ấy thì bao giờ cũng vậy, hiền hòa... Miên trả lời khi nào có mặt cha mẹ thì sự giải quyết tùy người lớn với nhau. Còn bây giờ những đứa cháu không thể tỏ thái độ... Có lẽ ông bà sẽ trở về Việt Nam thăm con gái sau khi thu xếp xong công việc bên đó.

Tuệ gật gù:

- Mong cho con bé hạnh phúc. Miên xứng đáng được hưởng những sự ưu ái của cuộc đời.

Ánh mắt Tuệ xoay qua em trai:

- Chú có tính gì với cô ấy chưa?

- Em đang định nói với anh.

Tuệ khoát tay:

- Không cần đâu. Anh rất vui khi có cô em dâu như thế. Quan trọng là Thoại Miên kìa. Cô ấy có ý định lập gia đình chưa?

Trí lo lắng:

- Anh nghĩ Miên từ chối?

- Không hẳn vậy. Nhưng bây giờ cô ấy đã tìm được gia đình, đôi khi có chuyển biến tâm lý... không phải là vấn đề thay đổi tình cảm nhưng thay đổi môi trường sống cũng phức tạp lắm đấy.

- Nhưng với Thoại Miên thì em yên tâm.

- Anh cũng tin thế. Với tính tình cương nghị và một trái tim nhân ái, Miên khẳng định được mình trong niềm tin của người khác.

Trí nhìn anh:

- Có một điều thắc mắc là không biết Miên có còn ý định đóng phim hay không?

- Chú không thích à? Sao không hỏi thẳng cô ấy.

- Em không muốn bị hiểu lầm là ghen tuông vớ vẩn.

Tuệ bật cười:

- Tính hoạt bác và óc suy luận của chú đâu rồi? Có cả ngàn lý do để che lấp khuyết điểm câu hỏi của mình mà? Sao hôm nay chú lúng túng thế?

- Em cũng không hiểu sao lại vụng về trước những công việc rất dễ dàng... Có lẽ vì đấy là Thoại Miên.

Tuệ lắc đầu:

- Không phải là Thoại Miên mà là người mình yêu... Trái tim có những điều dễ thương như thế...

Trí ngập ngừng:

- Còn anh? Sao không tính?

- Với ai? Anh đâu có người yêu như chú?

Một thoáng bóng tối lướt qua mắt Tuệ khi nói câu đó. Sợ em buồn, Tuệ cười gượng:

- Chú đừng lo cho anh, cứ yên tâm xây dựng gia đình. Bao giờ gặp người vừa ý, anh sẽ tính... Đàn ông không ế đâu mà sợ.

- Nhưng anh cô đơn lắm, anh Tuệ... Em không chia xẻ được gì với anh.

Giọng Trí khàn, cả nét mặt cũng trầm xuống vì nỗi xúc động sâu xa trước người anh mà từ lâu Trí nghĩ rằng rất xa cách. Họ đã sống bên nhau một đoạn đời dài... Bây giờ đến lúc tách ra cho những cuộc đời mới...

Tuệ ngẩng lên nhìn em, đứa em trai hơn nửa đời anh đùm bọc, yêu thương... Anh muốn dang tay ôm Trí như lúc còn bé, anh muốn nói một câu gì nhưng thật khó khăn... Có lẽ tuổi tác anh đã làm Trí ái ngại. Thật tâm nhiều lúc Tuệ cũng cảm thấy cần một bàn tay phụ nữ chăm sóc nhưng người thích hợp sao mà khó tìm? Chọn bừa bãi, sống dễ dàng anh lại không chịu được... Tuệ đã có vài người bạn gái tốt nhưng cũng chỉ khựng lại ở tình bạn... Khi gặp Thoại Miên, Tuệ có cảm tình ngay nhưng lại khống chế tình cảm của mình vì cô còn quá trẻ so với tuổi hơn bốn mươi của Tuệ. Anh thầm cảm ơn Miên đã không gọi mình bằng chú nhưng như thế không có nghĩa là cô không thấy anh già... Khi biết Trí yêu Miên, Tuệ thoáng cay đắng rồi lại vui vì ít ra thì gia đình anh không mất cô. Tuệ tiếc rằng mẹ không còn vì bà chắc sẽ rất thương Miên... Bà thường nói với con trai: “Mẹ không có con gái nhưng sẽ có hai nàng dâu thảo”. Ước mơ của mẹ giờ sắp thành một phần. Tuệ bỗng cười thầm vì tính đa cảm của mình. Đôi khi thoáng trong mơ ước một mái ấm bình yên, là gương mặt người tình đầu, khi anh mới vào nghiệp lính. Một hoài niệm xa và loãng theo thời gian. Không có gì nhiều để nói. Rồi Trầm, không phải là tình yêu mà là nỗi thương cảm ray rứt và Thoại Miên hiện tại, vẫn còn hiện hữu ở tương lai nhưng đã là quá khứ. Thôi... - Tuệ lắc đầu xua đuổi những ý nghĩ bủa vây- Không ai làm gì được cho anh... kể cảù chính anh. Điều làm được trong tầm tay thượng đế nhưng người đã quay lưng... - Tuệ bỗng giật mình vì giọng nói đầy vẻ nghiêm trọng của em trai:

- Anh Tuệ. Em hỏi điều này, anh đừng giận nhé?

Tuệ ngạc nhiên:

- Gì vậy Trí? Làm gì phải rào đón dữ vậy? Nói đi, anh nghe đây.

Giọng Trí nhỏ lại:

- Có phải... anh có nhiều cảm tình với Miên không?

Tuệ dằn mình để khỏi tỏ ra nóng nẩy:

- Chú nghĩ vậy à?

- Anh quen cô ấy trước em và đã có những lo lắng giúp đỡ hơn đối với một tình cảm bình thường.

- Chú muốn nói... anh... yêu cô ấy?

Trí trả lời một cách khó khăn:

- Có thể lắm chứ... Hoàn cảnh hai người không có gì ràng buộc. Em nghĩ, ít ra thì lúc đầu anh cũng có ý định nào đó...

Tuệ gật gù. Anh muốn tìm một cách giải thích nào đó để Trí chấp nhận được mà không nghĩ rằng anh nói dối. Anh nhìn thẳng vào mắt em trai:

- Chú nói đúng. Một cô gái khả ái, ngoan hiền như Thoại Miên rất dễ chinh phục kẻ khác... Anh rất quý cô ấy, nhưng trong tình cảm của mình luôn luôn anh đặt một ranh giới. Tuổi tác quá chênh lệch, anh đã hạn chế mình ở một mức độ chấp nhận được. Và còn một điều quan trọng nhất: Đó là Thoại Miên không hề dành cho anh chút tình cảm nào, ngoài tình anh em. Ngay cả nếu cô ấy không gặp chú cũng vậy thôi. Tình cảm giữa anh và Miên không thể tiến xa hơn được.

Tuệ đứng lên, đặt tay lên vai em trai, giọng anh mang một âm sắc dỗ dành như ngày nào dỗ Trí ăn một món ăn mình thích:

- Chú thắc mắc vớ vẩn rồi đấy. Anh rất mừng khi chú và Thoại Miên yêu nhau. Con bé sẽ là người bạn đời tuyệt lắm.

Tuệ không biết mình nói những câu cuối cùng để mừng cho Trí hay tiếc rẻ cho mình. Không ngờ có một ngày giữa hai anh em lại chen vào một người con gái... Không biết Thoại Miên có nghĩ gì không?

                                                                                                     *
                                                                                                  *    *

Mùa đông năm nay lạnh hơn mọi năm. Người Sài Gòn buổi sáng ra đường với cái áo lạnh - ít khi có dịp mặc nên rất mới.

Thoại Miên loay hoay trang hoàng cây Noel. Tối qua Khang chở em gái đến đường Hai Bà Trưng, khu vực nhà thờ Tân Định và chọn mua cây thông giả hai thước... Miên thích thú lựa những trái châu, đèn sao, dây kim tuyến. Những thứ mà mười tám mùa Giáng sinh qua, cô không dám nghĩ đến. Còn nữa, Miên còn phải chọn một số quà, gói thật đẹp, để đêm Noel, bọn nhóc sẽ bắt số. Cô muốn những đứa trẻ lang thang có một đêm Noel ấm cúng. Căn nhà của hai anh em Miên trở thành nơi họp mặt của lũ nhóc sau một ngày lăn lộn tìm sinh kế. Chúng kể với Miên đủ thứ chuyện trên đời, chỉ khi nhìn thấy Khang chúng hơi khựng lại vì anh có vẻ nghiêm, dù vẫn vui vẻ, dịu dàng. Tý lì hỏi Miên với vẻ rụt rè:

- Tụi em tới quấy rầy chị, anh Khang có phiền không? Chị đừng sợ tụi em buồn... Nói thật để chị khỏi khó xử.

Miên cười:

- Anh Khang nghiêm vậy đó, nhưng rất tốt. Anh ấy không phiền gì đâu.

- Chị nói thiệt hả?

- Yên chí. Chị có dối em bao giờ đâu...

Nghĩ đến bọn trẻ, Miên cười một mình. Cô cảm thấy mình ngày càng gần gũi chúng. Đứa nào cũng biết đọc báo nhanh và viết được những lá thư dài. Đứa nào cũng viết cho chị Miên một lá thư và cô đọc một cách thích thú, cảm động. Miên bàn với anh khi ổn định gia đình xong sẽ gửi lũ trẻ vào trung tâm hướng nghiệp để khi ra đời chúng có một nghề nghiệp đàng hoàng. Ngày Miên rời xóm ga, bà con mừng dùm cô có một cơ hội đổi đời. Bà Bảy bán xôi nói bập bệu trong nước mắt:

- Tui mừng thiệt đó, cháu Miên à. Từ giờ cháu khỏi phải cực khổ nữa. Trời cao có mắt, cháu ăn hiền ở lành thì gặp phước... Lâu lâu tạt qua đây thăm bà con, hén cháu.

Bác Hai trà đá buồn xo. Có Miên, thỉnh thoảng cô qua lại thăm hỏi, bà cũng đỡ cô đơn. Từ ngày Quỳnh làm dữ với Miên, bà con xóm ga càng ghét, họ nói thẳng cho bà biết hiện con gái bà đang làm gì... “Nó có tài cán gì... chẳng qua tài... nằm ngữa”. Người mẹ chết điếng, nghẹn lời. Lâu rồi Quỳnh không về. Nó bỏ biệt xóm ga, quên luôn cả mái nhà đã che nắng tránh mưa cho nó từ thuở lọt lòng. Bà Hai không dám than thở với chồng. Ông nóng tính hay cộc. Có lần ông cầm sợi dây xích dài dùng cột xe ba-gác quất con gái, nó không tránh kịp kể như tiêu đời. Sau đó, hai cha con nghịch luôn tới giờ. Bà Hai giảng hòa mấy lần không được: “Bà đừng mất công vô ích, tui từ mặt nó, đồ con trời đánh. Có con gái như nó chỉ nhục thêm”, ông nói chắc nịch, gườm gườm nhìn bà. Quỳnh cũng không vừa, nó lờ, gặp cha không thèm chào... Nhà chỉ còn hai mẹ con... Giờ thì nó bỏ bà, bỏ luôn rồi, bà nhớ, buồn rồi tủi. Bây giờ quen rồi. Nó vắng mặt như chưa hề ở xóm ga này, nhưng trong trái tim người mẹ, hình ảnh đứa con gái càng xa càng rõ hơn bao giờ hết. Nhớ Quỳnh, bà hết dám nhờ Miên, mà cũng chẳng còn ai để mà nhờ. Nói cho ngay, xóm ga này không phải chỉ mình Quỳnh sa ngã. Cũng có mấy đứa cở như nó, nhưng tụi nó “đứng đường” vất vả, bị bắt lên bằt xuống chứ không vênh váo như Quỳnh nên không ai bận tâm. Thật ra, từ lâu người mẹ cũng đã lờ mờ hiểu được việc làm của đứa con gái duy nhất, nhưng bà biết mình không dạy được con và nghĩ hàng xóm không biết nên vẫn im lặng... Sự im lặng đồng lõa mà không đồng tình. Bà con xóm ga chỉ độc miệng mà không độc tâm, họ nói ra những điều làm đau lòng nhưng lại không ghét bà già tội nghiệp. Họ biết hai vợ chồng bà vất vả nhưng lương thiện, nên nói thì nói, mọi người vẫn thân thiện với bà. Người mẹ từ đó không dám nói đến Quỳnh trước mặt thiên hạ. Miên rời xóm ga để về với cuộc đời mà lẽ ra cô phải có từ nhiều năm rồi. Nếu không có người chú tàn nhẫn, có lẽ cô ta đã theo cha mẹ sang Mỹ trong những đợt xuất cảnh đầu tiên... Bà con xóm ga biết chuyện của Miên không phải do cô kể, mà từ sự góp nhặt của bọn nhóc... chúng biến câu chuyện thành một huyền thoại và “Chị Miên” như một cô bé lọ lem vừa thoát xác... và họ, những con người lao động chân chất lại nguyền rủa chú Hiếu như ngày nào họ đã hết lời nguyền rủa chú Thái của Tâm, những ông chú không nên có trên đời... Chính Miên, đôi khi trong giấc ngủ, cô vẫn thấy mình ngồi trước tủ thuốc lá ở sân ga, cảnh nhốn nháo của giờ tàu đến, sự xung đột thường xuyên của cuộc sống hằng ngày... Tỉnh dậy, Miên vẫn còn bàng hoàng... Căn nhà mới với những tiện nghi gần như xa hoa so với nếp sống cũ. Miên không phải lo tìm miếng cơm hằng ngày. Cô dư tiền để sắm cho mình những bộ cánh sang trọng nhưng Miên không làm điều đó. Vì vậy bọn nhóc yên tâm vì “Chị Miên” không khác trước bao nhiêu. Vẫn là người chị dịu hiền và là cô giáo khó tính, nghiêm khắc với chúng khi học...

Gần hai mươi năm xa cách mà khi nghe tiếng mẹ qua điện thoại, Miên cảm thấy như có một luồng khí nóng tràn khắp cơ thể mình, ấm áp trong cái lạnh se se của Sài Gòn mùa đông. Mẹ gọi: “Miên ơi! Con đó phải không, Thoại Miên?” Và cô bật khóc, nghẹn ngào: “Mẹ... Miên của mẹ đây?”. Bên kia mẹ cũng khóc. Miên hỏi trong tiếng nấc: “Mẹ ơi! Mẹ có khỏe không? Ba đâu hả mẹ?”. “Ba bận công việc, nhưng mẹ không thể chờ ba về... mấy tiếng đồng hồ, lâu quá. Mẹ phải nghe tiếng con ngay để biết rằng anh con nói thật... Miên ơi! Bao nhiêu năm rồi mẹ vẫn tự an ủi mình rằng con vẫn sống... mẹ con mình sẽ gặp nhau, dù người ta nói con không còn, trái tim mẹ luôn hy vọng”.

Mẹ nói trong nước mắt... Miên cố hình dung ra nét mặt của mẹ trong trí nhớ của cô nhưng không rõ ràng: “Cứ nhìn em là thấy mẹ lúc trẻ”, anh Khang nói như thế. Miên cười không tin lắm. “Mẹ đẹp hơn chứ, mẹ phải đẹp lắm, em nhớ mà”. Khang cười: “Trong mắt đứa con, bao giờ mẹ cũng đẹp nhất”.

Mẹ hỏi Miên đủ thứ chuyện không để cô kịp trả lời. Rồi khi ngừng, mẹ giục: “Nói đi, con nói đi”. “Nói gì hở mẹ”. “Nói gì cũng được. Mẹ muốn nghe con nói... Mười tám năm nay con sống ra sao? Khổ lắm phải không con? Tội nghiệp con tôi... Sao người ta có thể ác đến thế được?” Miên trấn an mẹ: “Mọi việc qua rồi. Bây giờ con gặp lại mẹ là đủ, đừng bận tâm những gì đã qua mẹ ạ”. “Không. Mẹ không để yên. Ai đã xử tệ với con họ phải trả giá... Mẹ sẽ tống cổ vợ chồng nó ra khỏi nhà để nó nếm cái khổ mà con phải chịu”. “Mẹ ơi, lúc đó con mới năm tuổi, không biết thế nào là khổ đâu”. Mẹ gạt phăng: “Con không phải bênh vực lũ người vô lương ấy. Họ muốn giết con gái của mẹ - Bà nấc lên - Trời ơi! Con tôi có tội tình gì mà mới mấy tuổi đầu đã phải sống vất vưởng”. Mắt Miên lại cay, nhưng cô trấn tĩnh mình, dịu dàng: “Mẹ ơi, mẹ đừng khóc nữa. Anh Hai nói mẹ bị bệnh tim, đừng xúc động quá có hại cho sức khỏe. Nay mai gặp nhau, con sẽ không bao giờ xa mẹ nữa”...

Khó khăn lắm, hai mẹ con mới rời được máy sau khi mẹ hẹn ba về sẽ gọi lại. Miên đã ba lần chuyện trò với ba mẹ qua điện thoại: “Có lẽ gần Tết, ba mẹ sẽ về - Giọng ba hơi khàn vì xúc động - Con gái của ba lớn lắm rồi nhỉ? Ba rất buồn vì những điều đã đến với con”. Ba nói ngắn nhưng trong giọng nói hàm chứa tất cả yêu thương. Ba không nhắc đến chú Hiếu và Miên cũng thích như thế. Ông đã nằm một chỗ với cái chân què. Vả lại sự hận thù không giải quyết được gì.

Anh em Miên dọn về nhà mới được ba ngày, vợ chú Hiếu có tới. Vẻ mặt bà ta ngượng ngùng khi nhìn thấy Thoại Miên. Bà nói giả lả: “Sao hai cháu lại đi chỗ khác? Nhà của ba má cháu mà”. Miên nhẹ nhàng: “Anh cháu muốn sống riêng”. Bà thím ngập ngừng: “Chú thím dọn đi mới phải. Chú không bị tai nạn, chắc ông lo vụ đó rồi”. Khang xen vào: “Chú thím cứ coi như cháu không về, không gặp em Miên, có sao đâu?” Câu nói mát mẻ làm thím Hiếu cười gượng: “Vậy sao được, mai mốt đây, anh chị về trách chú thím, chỗ người lớn... chú cũng đã không phải với cháu Miên rồi”.

Thoại Miên dàn hòa:

- Anh em cháu không nghĩ gì đâu. Chú bệnh, thím đừng làm chú buồn. Chuyện nhà cửa để ba má cháu về sẽ tính.

Thím Hiếu về, Khang bảo em:

- Nghe em nói chuyện, anh có cảm tưởng họ chưa hề đầy đọa em ngày nào.

Miên cười buồn:

- Xử sự khác đi thì em được gì? Những ngày tháng đó không thể lấy lại được... Quên thì tốt, không thì cũng chẳng nên nhắc làm gì.

Có tiếng chuông cửa, Miên đứng lên đi ra. Trí ôm trên tay một hộp giấy lớn, tươi cười:

- Em đang làm gì vậy?

- Trang hoàng cây Noel. Anh vào xem có đẹp không?

- Thoại Miên làm là phải đẹp.

Miên nguýt dài:

- Thôi đừng có nịnh.

Bước vô phòng khách, Trí xuýt xoa:

- Anh nói đúng mà, rất đẹp.

Miên nhìn Trí:

- Gói gì trên tay anh vậy?

- Búp-bê.

Miên không tin ở tai mình:

- Anh nói gì?

Trí bật cười:

- Anh nói búp-bê. Gì mà em ngạc nhiên dữ vậy? Một con búp-bê cho em không được sao?

Anh đặt cái hộp trên bàn, nhìn người yêu:

- Chắc bây giờ em vẫn còn thích nó?

Câu chuyện Miên kể với Trí hôm nào: Lúc còn bé, Miên thèm một con búp-bê, nhưng cha nuôi không bao giờ nghĩ đến điều đó. Con bé nhìn những đứa trẻ hàng xóm chơi búp-bê một cách thèm thuồng. Miên tự nhủ khi nào đi làm được món tiền đầu tiên, cô sẽ mua một con búp-bê. Vậy mà Trí nhớ.

Miên chớp mắt:

- Vâng... em thích... Con búp-bê dễ thương lắm.

Cô ôm nó vào lòng, vuốt những lọn tóc quăn nâu đỏ. Con búp-bê mềm mại, lớn gần bằng đứa bé mới sinh. Mắt nó trong suốt... Miên nghĩ ngày xưa giá mình được con búp-bê như thế này? Bây giờ cô đã có và có thể có nhiều thứ một lúc. Sao vậy nhỉ? Định mệnh dồn người ta vào khốn quẫn rồi thả ra một cách nhẹ nhàng... nhưng có phải mọi cuộc đời đều như thế không? Cùng lúc Miên hầu như có tất cả. Gia đøình, tình yêu. Đôi khi Miên phải nhéo mạnh tay mình để biết đau, để thấy cuộc sống hiện tại, không phải là mơ.

- Thoại Miên.

- Dạ.

- Bao giờ gặp ba mẹ, anh sẽ xin phép?

Miên biết Trí muốn nói gì nhưng cô vẫn hỏi:

- Về việc gì anh?

Trí nắm bàn tay nhỏ nhắn của người con gái anh yêu. Anh muốn kéo cô vào lòng, muốn đặt những nụ hôn say đắm lên má, lên môi người tình. Hơn bao giờ hết, anh hiểu đời mình không thể thiếu cô. Câu chuyện với anh Tuệ khiến những băn khoăn cuối cùng trong lòng Trí tiêu tan. Chính anh cũng nghĩ như vậy. Quả thật dù Tuệ có yêu Miên say đắm thì cũng chính sự đáp lại của cô mới là quyết định sau cùng. Thoại Miên rất hồn nhiên. Cô quý Tuệ như một người anh giống như Khang và không có gì hơn nữa. Trí nhìn vào đôi mắt trong suốt của Thoại Miên, thì thầm:

- Em làm vợ anh nhé.

Cô gái đỏ mặt quay đi:

- Em không...

Trí hỏi dồn:

- Không yêu anh?

- Không biết... em...

Miên chạy vụt vào nhà trong. Có tiếng sau lưng Trí:

- Nó chạy đi đâu vậy? Bộ cậu cầu hôn hả?

Trí quay lại, lúng túng:

- Anh Khang...

- Tự nhiên. Sắp là người nhà cả mà.

Khang cười cởi mở:

- Cứ nhìn kiểu chạy của con bé là biết nó bằng lòng, cậu yên chí.

Khang nhìn quanh:

- Đám “giang hồ nhí” đâu sao không phụ chị Miên trang hoàng cây Noel?


Trí nhìn đồng hồ:

- Giờ này tụi nó còn ở mấy nhà hàng. Dân ăn chơi sẽ giúp chúng có những món tiền hậu hĩnh.

Khang gật gù:

- Thoại Miên hay thật, lăn lộn giữa giữa xóm lao động phức tạp mà vẫn khiến người ta quý... Lũ nhóc không dễ nghe lời ai đâu.

- Chúng rất bướng. Cuộc đời bon chen dạy chúng như vậy... Đứa nào cũng trang bị cho mình một bộ mặt lì lợm để chống chọi với đời, đối kháng lại một xã hội còn nhiều bất công... Thật ra trái tim chúng rất trẻ thơ, sẵn sàng mở rộng với những tâm hồn đồng cảm... Thoại Miên vốn sẵn có tính nhân hậu, từ nhỏ sống thiếu gia đình nên hiểu được khát khao tình thương của những đứa bé lang thang... Cô ấy thương lũ trẻ thật lòng nên chúng cũng đáp lại như thế.

Khang nhìn Trí:

- Tôi hỏi thật nhé: Cậu có bằng lòng cho Thoại Miên đóng phim không?

Trí hơi ngập ngừng:

- Nếu là phim của người khác, có lẽ tôi sẽ không thoải mái lắm... nhưng tôi tôn trọng quyết định của Miên. Nếu cô ấy thích sẽ không có chuyện bàn cãi. Đóng phim cũng là một nghệ thuật và không phải cứ là diễn viên thì bê bối... Bản chất con người trong sáng thì ở đâu cũng thế.

- Thoại Miên đã qua thử thách rồi phải không?

Khang hỏi với nụ cười hóm hỉnh. Trí cũng cười. Họ hiểu nhau nhiều hơn lời nói. Nét cương nghị nhưng hiền hòa của Trí làm Khang tin em gái mình sẽ được hạnh phúc. Nhận xét đầu tiên của Khang là Trí hơi độc đoán nhưng sau đó anh hiểu đó là tính cương quyết khi cần. Trí mê về kiến trúc, mặc dù vẽ cũng rất có hồn. Trí nói với Khang khi hai người đi dự buổi triễn lãm tranh của họa sĩ Phạm Cung:

- Em không mê tranh Phạm Cung bằng tượng của anh ấy. Hồn tranh sắc sảo nhưng không nhập thần - Trí chỉ bức chân dung thi sĩ Bùi Giáng - Ai đã gặp Bùi Giáng một lần thì sẽ thấy ngay sự sinh động trong tượng đá này. Anh xem, những nét gẫy đặc thù trên gương mặt nhà thơ điên...

- Và một chút hồn Phạm Cung nữa chứ?

Khang chêm vào, vừa thích thú nhìn những chân dung tượng đá. Khang bỗng nhớ một câu thơ anh đọc trong tạp chí nào đó:

“Tượng đá chỉ là tượng đá thôi.
Nhưng khi ta áp đá vào môi.
Tế bào bỗng cứng men cuồng loạn.
Ta đã tan trong đá mất rồi. ”

Thoại Miên đi ra, ôm trên tay một chồng gần chục hộp giấy. Trí bước tới đỡ cho người yêu. Miên nhìn Khang:

- Đang nói xấu gì em đấy hả?

- Chưa hết... tại vì em nhiều tật xấu quá - Khang vừa nói vừa cười - Anh đang bảo Trí đừng theo đuổi em nữa...

Miên mở to mắt:

- Cái gì...

- Thì... cưới đi khỏi phải bận tâm chứ gì?

Miên đấm thùm thụp vào vai anh:

- Anh Khang này... Khi không làm người ta...

- Hết hồn phải không? Biết ngay mà... Vậy sao lúc nãy người ta cầu hôn lại bỏ chạy?

Hai má Miên đỏ bừng. Cô nhìn người yêu bằng ánh mắt trách móc. Trí vội phân trần:

- Không phải anh nói đâu. Lúc em chạy vô, anh Khang vừa tới.

Khang lắc đầu:

- Không được. Chưa gì mà cậu đã tỏ ra “sợ vợ” như vậy là hỏng... phải cương quyết...

Trí nhỏ giọng:

- Cô ấy khóc đấy.

- Khóc à! Vậy thì cả tôi... cũng xin chào thua.

Không khí trong nhà ấm áp như trái tim người con gái đang yêu. Thoại Miên cảm thấy mình hạnh phúc thật sự. Cô sắp những hộp giấy đủ màu dưới cây Noel, bên cạnh ông già Noel tóc râu trắng toát. Mỗi hộp giấy là một món quà nhỏ: bộ quần áo, đôi săng-đan, hay trái banh da, ước mơ lập một đội banh nhí của lũ trẻ... Lát nữa đây khi chúng ùa về từ những nẻo đường lang thang kiếm sống trong thành phố, chúng sẽ có một mái nhà, người chị chúng thương mến đang chờ sẵn... Miên lại mỉm cười nghĩ đến sự vui thích của lũ nhóc, không biết rằng Khang đã rút lui và người yêu đang cúi xuống đặt nụ hôn nhẹ trên tóc mình...

 Lý Thuỵ Ý



Thêm bình luận

Bài vở và hình ảnh xin gởi về This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.