Kha mở cửa ra khỏi phòng tắm, vừa đi vừa lau mái tóc còn ướt sũng bằng chiếc khăn rửa mặt. Dung trêu chọc:
-    Người đẹp vừa gọi, nói anh tới hầu chuyện ngay.
Kha trừng mắt nhìn em, Dung sợ hãi lè lưỡi:
-    Em nói đùa. Chị Thủy cần anh giúp gì đó.

Kha ậm ừ. Con bé này dạo này cũng lớn rồi, phải nghiêm khắc với nó mới được, nếu không lại hư mất thôi. Có mấy đứa em thì mỗi đứa một tính. Cái Thư thì lúc nào cũng chúi mũi học bài, kính cận thị dày cộm, ai rủ cũng không ra khỏi nhà, còn con bé Dung thì xinh xắn nhưng học hành lơ mơ, nghe tiếng chuông reo là vớ lấy điện thoại vì cả nhà chỉ có nó là nhiều bạn bè. Hai thằng em trai thì một thằng mới lớn đã đi bộ đội, còn thằng Khiêm lúc nào cũng thơ thẩn như người trên mây, học văn nữa chứ, không biết sau này kiếm sống thế nào. Tội bố mẹ, vất vả cả ngày mới lo được cho các con.

Kha vừa đi học vừa dạy kèm trẻ, tiền kiếm được cũng chỉ đủ mua sách vở và tiêu vặt, không phải xin bố mẹ là may rồi chứ cũng chưa giúp gì được cho gia đình quây quần trong căn nhà nhỏ hẹp ở một ngõ hẻm vùng ngoại ô.

Hôm nay chủ nhật, Thủy không gọi thì chiều Kha cũng tới. Tới với Thủy để ngồi với nhau trong phòng khách, để được Thủy dựa vào vai mình cười khúc khích khi xem những màn hài hước trên TV, hoặc để giúp Thủy giải mấy bài toán giải tích nhập môn, để được thấy Thủy phụng phịu than phiền, học khó thế này Thủy ở nhà nấu cơm cho mẹ còn sướng hơn!

Kha yêu vẻ tươi mát và nhí nhảnh của Thủy. Ừ, không có em thì anh chẳng có gì vui. Đời sống nhọc nhằn vì cơm áo, anh phải liên tục phấn đấu nên cằn cỗi trước tuổi. Anh không biết vì sao em yêu anh, nhưng cám ơn em, cám ơn ông thầy đã ra bài toán khó để em ngồi cắn bút, dơm dớm nước mắt trong thư viện, để anh có cơ hội giúp em và làm quen.

Nghe tiếng máy nổ là Thủy biết là xe của Kha. Chiếc xe cũ mèn, vứt ngoài đường không ai nhặt nhưng có nó nên anh mới tới được với em hàng ngày. Em yêu anh vì lòng anh độ lượng. Anh tốt bụng, không phải chỉ với em mà với tất cả mọi người. Ai nhờ gì anh cũng làm. Em lười học, anh phải chạy đi mua quà cho em, để em vừa ăn vừa học bài. Đôi lúc em buồn vì những chuyện vu vơ anh cho em bờ vai nương tựa, cho em bàn tay vuốt ve, và cho em ánh mắt anh nhìn như che chở, để em yên tâm với hạnh phúc êm đềm.

Thủy kéo tay Kha vào phòng khách, chỉ bó hoa đã được cắm trong chiếc lọ pha lê trắng, miệng nói líu lo, không để cho Kha kịp chào ông bà Tuân:

-    Anh Kha coi, hoa đẹp không, anh Vũ gửi tặng, cám ơn tụi mình đó. Có cả chocolat nữa. Anh ăn không?

Kha mỉm cười lắc đầu:

-    Để phần em. Anh lớn rồi.

-    Xí. Bộ lớn rồi là không ăn kẹo bánh hay sao? Hay anh mang về cho Thư và Dung đi.

-    Không nên. Tụi nó lắm chuyện, hỏi chocolat ở đâu mà có làm anh lại mất công giải thích.

-    Anh Bắc-Kỳ khó tính vừa chứ. Mấy đứa em sợ anh như cọp!

Kha nói nhỏ vào tai Thủy:

-    Còn em Nam-Kỳ, em có sợ anh không?

Thủy cười lớn:

-    Còn lâu mới sợ anh. Anh phải sợ em mới đúng chứ. Anh coi ba kìa. Ba sợ má quá trời.

Bà Tuân hét lớn trong lúc ông Tuân hả miệng cười:

-    Con nhỏ này ăn nói bậy bạ. Ba con mà sợ má thì má đã có phước. Thôi, các con lên phòng học đi. Để ba má nói chuyện công việc!

Thủy kéo tay Kha lên phòng học trên lầu. Căn nhà vắng người nên Thủy có phòng ngủ riêng và có cả một căn phòng vớí máy vi-tính làm phòng học. Kha bật máy vi-tính, nói nhỏ với Thủy:

-    Không ngờ cái hãng anh Vũ làm lớn thế. Thủy xem này, em vào Google, tìm chữ Global-Flextronics là thấy trang nhà của hãng này. Họ có cơ sở khắp thế giới, kể cả Viêt-Nam mình. Tuần tới có dịp gặp anh Vũ mình hỏi thăm thêm. Không biết vết thương của anh ấy lành hẳn chưa.

Thủy không nói. Cô tới sau lưng Kha, vòng tay ôm cổ, và hôn nhẹ lên gáy:

-    Anh Kha yêu computer hơn em. Tới nhà là ‘nói chuyện’ với máy chứ không thèm ngó ngàng tới em.

Kha quay lại mỉm cười với Thủy:

-    Tại cái máy vi-tính này nó không mè nheo anh, không đòi anh đi lấy nước cho nó uống, chạy đi mua bò-biá cho nó ăn.

Thủy cười:

-    Hi hi. Chắc là anh hợp với mấy người như anh Vũ. Chủ nhật sau anh tới sớm nhé. Không thấy anh Vũ nói khi nào tới. Mà hổng sao, anh Kha ở lại ăn cơm trưa luôn, và coi dùm em sao cái xe của em khó nổ máy quá à.

Kha không trả. Anh bận chăm chú nhìn vào màn hình, tặc lưỡi:

-    Revenue của Global-Flextronics gần 20 tỉ dollars một năm. Như vậy là bao nhiêu tiền Việt Nam nhỉ?



o0o

Chiếc xe taxi ngừng ngay trước nhà vì Vũ nhớ rất rõ nơi mình té xe. Chân Vũ hầu như đã lành hẳn, áo quần che kín hai vết thương nhỏ nên trông Vũ bình thường như xưa. Thủy mở cổng, mỉm cười với Vũ:

-    Chào anh, anh khoẻ hẳn rồi chứ, anh Vũ.

Vũ cũng mỉm cười gật đầu:

-    Tôi đã bình thường. Cám ơn cô.

Thấy Kha ở trong nhà đi ra, Vũ đưa tay bắt tay Kha:

-    Và nhất là cám ơn anh Kha.

Kha vội vàng:

-    Anh Vũ lại khách sáo nữa rồi. Tụi này cũng phải cám ơn anh vì những món quà anh gửi tặng.

Thủy nhí nhảnh tiếp lời:

-    Bông đẹp quá, và Thủy ăn hết chocolat chứ không để dành cho anh Kha miếng nào!

Cả ba người đều cười vang. Vũ theo chân Kha và Thủy vào nhà. Ông bà Tuân cũng tò mò muốn biết mặt Vũ nên đều có mặt trong phòng khách. Kha giới thiệu Vũ với ông bà Tuân. Vũ khen xã giao:

-    Ông bà có ngôi nhà đẹp quá, và có những người con thật ngoan. Chúng tôi đã may mắn được gặp gỡ.

Vũ cố ý dùng chữ ‘những người con’ vì coi Kha như đã là con rể gia đình này. Kha hình như hiểu ý, nhìn Vũ như thầm cám ơn, và pha trò cho không khí thêm vui vẻ:

-    Phải nói cho đúng là anh xui xẻo nên gặp tụi này.

Vũ mỉm cười ngồi xuống ghế do ông Tuân giơ tay mời. Bà Tuân đã được Thủy và Kha cho biết những gì về Vũ nhưng vẫn tò mò:

-    Ông Vũ có đưa gia đình về Việt-Nam không?

Vũ lắc đầu:

-    Thưa bà không. Chúng tôi vẫn chưa có gia đình riêng.

Bà Tuân như ngạc nhiên:

-    Coi bộ ông cũng khá tuổi rồi mà sao vẫn chưa lập gia đình. Bận làm giầu hả?

Vũ chợt thấy thoáng buồn nghĩ tới Thu-Loan:

-    Bận thì có bận, nhưng cũng chỉ là công việc thường nhật của một người đi làm công.

Vũ ngập ngừng một chút rồi nhẹ thờ dài nói thêm:

-    Hơn ba mươi tuổi, chúng tôi cũng có đã có cơ hội lập gia đình, nhưng rồi không thành.

-    Ủa, ông coi tướng cao ráo, có học và có địa vị, vậy mà người ta còn chê sao.

Vũ cúi đầu nói nhỏ:

-    Cũng không hẳn như vậy. Người yêu của tôi, cô ấy … qua đời vì một tai nạn xe cộ.

Thủy vừa mang chiếc khay đựng những tách nước trà nóng từ trong nhà ra, thoáng nghe thấy Vũ nói, và nhìn thấy Vũ cúi đầu buồn bã lòng cô chợt xúc động:

-    Anh Vũ dùng trà. Xin lỗi anh vì má Thủy đã vô tình gợi lại nỗi buồn.

Vũ nhìn lên, anh mỉm cười:

-    Không có gì. Chuyện xảy ra cũng đã lâu ngày. Tôi hầu như đã quên.

Thủy không tin là Vũ đã quên, nhìn con mắt anh xa vắng Thủy biết là hình bóng nào đó còn phảng phất đâu đây. Thủy thấy mình bâng khuâng:

-    Chị gì đó không còn nữa, nhưng ở một nơi nào đó chị ấy rất hạnh phúc vì được anh yêu thương.

-    Tôi cũng mong là Loan quên được những nỗi buồn trần thế, và siêu thoát trên thiên đường.

Ông Tuân từ nãy tới giờ vẫn im lặng, chợt lên tiếng như cố ý phá vỡ không khí có vẻ u buồn:

-    Ông Vũ còn trẻ mà. Rồi thì sẽ gặp những cơ duyên khác. Thế thế ông bà cụ vẫn mạnh khoẻ chứ?

Vũ gật đầu:

-    Cám ơn ông. Bố mẹ chúng tôi đã có tuổi, ít đi đâu xa, nhưng vẫn còn khoẻ mạnh và hiện giờ đã về hưu, sống ở San Diego.

Nhìn Kha và Thủy, Vũ nói tiếp:

-    Chúng tôi cũng còn một em trai và một em gái, cũng cỡ tuối anh Kha và cô Thủy đây thôi, sống cùng với ông bà già.

Kha nhìn Vũ:

-    Như vậy anh Vũ coi Kha và Thủy như em đi. Kha và Thủy đều không có anh lớn.

Giọng Thủy reo vui:

-    Ừ há, anh Vũ. Anh bằng lòng đi để Thủy đi khoe với bạn bè là có ông anh … người Mỹ!

Vũ bật cười

-    Như vậy thì còn gì hân hạnh hơn, cám ơn … các em. Như vậy là từ nay tôi cũng có một gia đình Việt-Nam ở Sài-Gòn!

Bà Tuân cười toe toét:

-    Rồi. Như vậy gọi tụi tui là chú với dì đi cho thân. Mai mốt dì làm mai cho, con gái đẹp bên này thiếu giống.

Kha chen vào:

-    Phải ngoan nữa bác à.

Thủy có vẻ vui nhất:

-    Anh ở lại ăn cơm với gia đình em trưa nay nhé. Em có nhiều điều muốn hỏi anh về đời sống bên Mỹ.

Vũ gật đầu:

-    Vâng. Xin cám ơn chú và dì. – Anh đổi cách xưng hô. - Cháu thấy thật ấm lòng.

Bà Tuân cao giọng:

-    Nói thiệt, gia đình dì vắng vẻ nên nhiều lúc buồn hiu! Tính bắt thằng Kha này về ở rể luôn, nhưng phải đợi tụi nó học hành xong xuôi đã. Vũ à, cháu lại chơi thường với gia đình dì nghe.

Vũ chưa kịp trả lời Thủy đã chen vào:

-    Má nói đợi học hành xong xuôi là má nói anh Kha, chứ chừng nào già khú đế con mới ra trường!

Ông Tuân hả miệng cười:

-    Gì chứ, cái đó thì ba tin.

Bà Tuân không chịu:

-    Con phải gắng lên chứ. Có Kha nó giúp con học, giờ thêm anh Vũ nữa, anh chỉ bảo cho con, học hành chắc khá hơn.

Kha bàn thêm:

-    Có lẽ anh Vũ sẽ giúp được chứ con chỉ lo lấy nước với chạy mua bò biá cho Thủy, đâu có giúp được gì.

Thủy đưa tay ngắt Kha:

-    Anh Kha đáng ghét. Nói xấu em.

Vũ cười với hạnh phúc của hai người:

-    Các em cũng còn trẻ. Rồi ngày tháng đó cũng sẽ tới. Hạnh phúc trong tầm tay các em à.

Kha gật đầu;

-    Dạ, anh Vũ nói đúng. Tụi em còn quá trẻ, nhất là Thủy. Em cũng còn gánh nặng gia đình. Phải giúp đỡ cha mẹ lo cho các em. Đời sống gia đình em chật vật lắm.

Vũ ái ngại:

-    Công việc của bố mẹ em ra sao?

-    Bố em làm việc trong một xưởng gỗ, còn mẹ em buôn bán lặt vặt ngoài chợ. Cũng đủ sống nhưng mấy đứa em gái sắp lớn, sắp  học xong phổ thông, có muốn thi vào đại học nhưng không biết có đủ khả năng, và sẽ  soay sở thế nào.

Ông Tuân bàn thêm:

-    Nói chung thì đời sống ở thành phố bây giờ đã được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Lớp trẻ muốn thoát khỏi cảnh nghèo nàn một cách lương thiện cần có học vấn và kiến thức. Tuy nhiên không phải ai cứ muốn đi học là được. Con Thủy may mắn được chú và dì lo liệu. Nếu không học được thì thật là uổng.

Thủy kêu lên:

-    Con cố gắng mà ba.

Ông Tuân gật đầu:

-    Ba biết, nhưng con cần cố gắng thêm nữa. Càng học lên cao càng khó con à.

Vũ hỏi Kha:

-    Em có bận học lắm không?

Kha lắc đầu:

-    Năm cuối, em không còn bận lắm. Vẫn có thì giờ đi làm gia sư để kiếm tiền sách vở.

Vũ trầm ngâm:

-    Anh nói điều này, nếu không phải em đừng để tâm nhé.

Kha ngạc nhiên:

-    Dạ, anh cứ nói. Em không có ý nghĩ gì đâu.

-    Không phải là anh có ý trả ơn em, nhưng quả tình anh muốn nhờ em. Kha vào làm việc cho anh, làm bán thời như một kỹ-sư học việc thôi. Em nghĩ thế nào?

Cả Thủy và Kha đều kêu lên kinh ngạc. Kha hỏi:

-    Anh muốn mướn em làm việc thật hả anh?

-    Đúng thế. Anh cũng cần người tin cậy để anh có thể giao công việc, nhất là những người biết tiếng Anh, quen với Internet để tìm kiếm dữ kiện, nghiên cứu những mô hình thiết kế. Em giúp anh được chứ?

Thủy trả lời thay Kha:

-    Anh Kha giỏi sinh ngữ lắm. Còn Internet thì là nghề của chàng!

Kha hình như rất xúc động:

-    Hầu như tất cả chúng em đều mơ ước có cơ hội làm việc cho những doanh nghiệp tân tiến. Nếu anh cho em cơ hội như thế thì còn gì hơn. Em sẽ cố gắng để không phụ lòng tin cậy của anh.

Thủy thở phào:

-    Vui quá. Hoan hô anh Vũ – và nhìn Kha – Anh Kha, em mừng cho anh.

Bà Tuân cười thành tiếng:

-    Thằng Kha này hên quá. Mà này anh Vũ, học việc và làm bán thời như vậy có được trả luơng không, và nếu có thì được chừng nhiêu cà?

Vũ mỉm cười:

-    Chắc chắn là có. Mới bắt đầu và làm bán thời thì chỉ chừng hai trăm một tháng.

-    Hai trăm ngàn thôi hả?

Vũ lắc đầu:

-    Không. Hai trăm dollars.

-    Trời. Như vậy là  hơn ba triệu. Sao người ta trả lương nhiều vậy!

-    Cũng không nhiều đâu ạ. Lương bổng ở bên này thấp lắm. Đó là lý do họ lập hãng xưởng ở đây vì nhân công rẻ. Ở Mỷ, một kỹ-sư điện toán mới ra trường lãnh lương gấp mười lần như vậy.

-    Chà, như vậy ai cũng giàu hết chọi há.

-    Cũng không hẳn như vậy đâu dì. Lương cao nhưng nhu cầu nhiều, vật giá đắt đỏ nên đâu cũng vào đấy.

Thủy ghé tai Kha thì thầm:

-    Hổng biết. Như vậy là anh Kha giầu hơn em rồi. Anh phải bao em đi ciné, đi coi trình diễn thời trang, và gì gì nữa đó.

Kha nhìn Vũ:

-    Em cám ơn anh.

Vũ mỉm cười móc ví đưa danh thiếp của mình cho Kha:

-    Mai em đến tìm anh tại hãng. Anh sẽ đưa em xuống phòng nhân viên làm giấy tờ, sắp xếp giờ làm việc của em sao cho thích nghi với giờ học. Em cần hỏi anh điều gì nữa không?

Đỡ lấy danh thiếp của Vũ, Kha thấy lòng thật hân hoan:

-    Em không biết nói gì hơn là cám ơn anh thêm một lần nữa.

-    Em lại khách sáo rồi Kha.

Thủy giằng lấy danh thiếp của Vũ trên tay Kha, chăm chú nhìn:

-    Tên anh là ‘Vu Hoang’, ủa, anh không có tên Mỹ hả?

Vũ lắc đầu:

-    Sorry, làm Thủy thất vọng, em chỉ có ông anh người Mỹ với tên da vàng! Hồi đó bố mẹ anh mới sang Mỹ, bố anh hoài cổ, còn nhớ Việt-Nam, đặt tên anh là Hữu-Vũ, Ông ấy giải thích là “Họ Hoàng có Vũ”. Nhưng ở Mỹ người ta không để ý đến middle name nên tên anh họ chỉ gọi là “Vu” thôi.

Thủy nghẹo đầu:

-    Thế còn ‘Director’ là gì? Anh là đạo diễn hả?

Vũ cười lớn:

-    Ừ, anh là đạo diễn, thế Thủy có muốn đóng phim cho anh không?

Mọi người ôm bụng cười. Thủy đỏ mặt:

-    Anh ngạo em hoài.

Ông bà Tuân hình như rất vui. Bà gọi với vào trong nhà:

-    Chị hai ơi, cơm nước xong chưa? – Quay sang Thủy bà hỏi tiếp – Con vô trỏng xem có gì cần không rồi ra mời ba và các anh vào ăn cơm, nghe con.

Thủy đứng lên, cô vẫn cần danh thiếp của Vũ:

-    Cái này của em. Anh Vũ cho anh Kha cái khác. Em còn nhiều câu hỏi, nhưng để ăn cơm đã.

Bà Tuân lắc đầu:

-    Cái con nhỏ lý lắc.

Vũ nhìn theo Thủy không nói, và chợt nhớ tới người em gái đang ở bên Cali với gia đình. Jennifer cũng cỡ tuổi đó, cũng dễ thương như con nai hiền, cũng được bố mẹ thương yêu và che chở dưới mái ấm gia đình. Vũ thỉnh thoảng mới gặp em, nhưng anh em vẫn gần gũi.  Jennifer email cho anh thường, và vẫn đòi giới thiệu bạn cho anh. Vũ lại nhẹ thở dài nhớ tới Thu-Loan. Làm sao anh quên, anh nhớ em Loan ơi.


Khi Thủy trở ra tươi cười vẫy gọi, Vũ chợt giật mình vì thoáng thấy như thể là Thu Loan vừa gọi tên anh.

( còn tiếp)

 Trần Quang Thiệu
Thêm bình luận

Bài vở và hình ảnh xin gởi về This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.