Nước trong và ấm. Người con gái thả mình ngập tới cổ, hai tay cô gối lên đầu, ngửa mặt lên trần tận hưởng cảm giác sảng khoái của làn da được vuốt ve êm ái. Đó là cái thú của Tam Hạ khi chờ Shika thức dậy. Ông dậy khá muộn vì thường thức khuya làm việc. Và khi cô đến sớm, ở ngôi nhà riêng của ông, cô ngâm mình trong bồn tắm cẩn gạch men hồng tuyệt đẹp. Shika đã mướn căn nhà này để tiện hai người gặp nhau buổi sáng, đôi khi là buổi tối trước khi cô về lại căn nhà quen thuộc với những người thân. Từ ngày có Shika, cuộc sống của Tam Hạ đổi thay, cô đi làm sớm, về nhà muộn, để mẹ khỏi thắc mắc, Hạ giải thích:

- Dạo này con nhận làm thêm buổi sáng và tối, như thế tiền phụ trội sẽ khá hơn, con không ăn cơm nhà, má và cả nhà đừng chờ.

Cô hôn mẹ sau câu nói và tiền Hạ mang về cho mẹ cũng gấp đôi. Bà Tâm không mấy thắc mắc về đứa con gái ngang bướng của mình. Bà tin Tam Hạ. Cũng từ trong nỗi lo của tình mẫu tử, người mẹ mong muốn con mình tìm được một cuộc đời riêng. Cuộc đời mà nó cảm thấy thích hợp. Vì thật ra, hạnh phúc của con mới là điều bà quan tâm. Những mâu thuẫn giữa mẹ con thời gian qua đủ để bà hiểu rằng con cái bà ở một thế hệ khác, tự chủ và tự quyết hơn. Nếu ở lớp tuổi bà, người con gái không dám vượt lễ giáo để có thể vì đó mà vùi chôn cả cuộc đời xuân trẻ trong bất hạnh thì hôm nay, những người con gái sẵn sàng đương đầu với dư luận để giải thoát mình khỏi cảnh tối tăm. Bà đã từng khóc và khâm phục cô Loan trong "Đoạn Tuyệt", thân gái dám đối đầu với bà mẹ chồng cổ hủ khắc nghiệt. Đó là hình ảnh Tam Hạ hôm nay. Lúc sau này, không khí gia đình có vẻ bớt căng thẳng. Nhất Đông có lần nói với mẹ:

- Con thấy má không nên cằn nhằn các em. Vấn đề hôn nhân không thể thúc bách, nó phải đến trong thoải mái, giữa những người thật sự yêu thương nhau. Má không nói thì chúng nó cũng nghĩ đến đời mình. Nhị Thu và Tam Hạ đều quá tuổi trưởng thành, không đứa nào khờ dại đâu mà má sợ.

Người mẹ yên lặng, thỏa hiệp ngầm với đứa con gái lớn. Bà không quan tâm đến chuyện cưới hỏi của người khác dù thiệp hồng thỉnh thoảng vẫn đến với các con. Nhị Thu vẫn dè dặt với mẹ, chỉ có Tam Hạ là vui với tất cả mọi người, niềm hạnh phúc trong cô tràn đến với người khác, cô yêu đời hơn bao giờ hết
.
Tam Hạ ngâm mình trong nước ấm giữa cái tĩnh lặng của buổi sáng. Cô lim dim mắt nghĩ đến Shika. Hình như ông đã thức và vào phòng làm việc. Ông thường coi qua giấy tờ, tập thể dục trước khi gặp cô để cùng ăn sáng. Tam Hạ mỉm cười một mình. Câu chuyện tối thứ bảy tuần trước hiện về trong trí cô: Sau giờ làm việc, họ cùng đi ăn tối và nghe nhạc. Sau đó Shika đưa cô về nhà riêng uống trà. Trà đối với ông rất quan trọng. Ông từng nói với cô một cách say sưa về "trà đạo": Sáng và tối, một tách trà nóng. Không có không được và thường cô chia tay với ông sau tách trà cuối ngày. Từ khi có Tam Hạ, Shika không muốn uống trà một mình: "Dường như trà phải có cả em trong đó". Cô đã cười khúc khích, bảo ông: "Anh quên người sành trà người ta phát hiện trong ấm trà ngon có lẫn một hột trấu - còn bây giờ trà của anh lẫn cả... em, đâu còn là trà nữa". Ông không trả lời, nhưng ôm cô vào lòng. Shika có lối ve vuốt nhẹ nhàng. Ông thích hôn vào gáy cô, Tam Hạ lại rất sợ nhột. Cô cười và tránh né để càng bị hôn nhiều hơn.

Gương mặt Shika tối nay có vẻ ưu tư. Tam Hạ có cảm tưởng ông sắp vượt một cái gì khó khăn lắm. Ông thân hành rót trà cho cô. Tam Hạ để ý thấy cạnh bình trà có hộp nhỏ gói giấy hoa rất đẹp.

- Hôm nay là đúng hai năm, ngày chúng ta biết nhau. Thời gian đủ để khẳng định nhiều điều, trong đó có tình yêu của chúng mình. Em nghĩ sao?

Cô gái hơi hồi hộp, cô không biết ông muốn gì? Lúc gần đây, Shika không còn dè dặt như trước, ông tin cô hơn và thoải mái khi họ gần nhau. Tam Hạ luôn khẳng định với người tình rằng cô không bao giờ có ý muốn ràng buộc ông, rằng tình yêu cô dành cho ông hoàn toàn vô điều kiện. Gần năm mươi tuổi đầu, người đàn ông lăn lộn trong trường đời lẫn trường tình không cho phép mình chủ quan trước cạm bẫy đàn bà. Nhưng Tam Hạ đã dâng hiến ông hơn ba mươi năm gìn giữ. Cô không chút ngại ngần và tỏ ra rất vui sướng. Điều đó khiến Shika cảm động. Ông đã đi vào đời cô bằng tất cả trìu mến nâng niu. Hai cánh tay trần mịn màng quất xiết lưng ông, như muốn ghì giữ lại những gì đã mất. Đôi vú căng mịn, trắng hồng của Tam Hạ như một loại trái cấm càng ăn càng thèm. Tất cả là của ông, từ cặp đùi thon chắc nịch đến đôi môi nóng bỏng đam mê. Cô dâng hiến gần như tuyệt đối, chính sự trong sáng khiến ông mềm lòng. Họ đã sống với nhau nhiều ngày hạnh phúc. Dường như đối với Tam Hạ, bây giờ chỉ có Shika là đáng quan tâm. Câu nói của Shika bao hàm nhiều nghĩa và cô muốn ông thấy mình thông minh: - Không phải em nghĩ mà là anh nghĩ, anh yêu. Vì bao giờ anh cũng đúng.

Cô cười với ông, hàm răng trắng bóng, đều tăm tắp. Ông yêu cô quá. Đúng thế và ông sợ cô biết điều đó. Shika phải dấu bớt tình cảm của mình. Nhưng ông thấy dường như cô gái không hề quan tâm ông yêu cô bao nhiêu, cô chỉ biết cho từ phía mình. Ông lắc đầu:

- Vậy mà anh nghĩ nhiều lúc anh đã đối xử không công bằng với em.
- Đừng nghĩ thế, Shika, em yêu anh!
- Yêu không có nghĩa bị thua thiệt.
Cô nheo mắt ranh mãnh:
- Nhưng anh luôn luôn "ở trên" em.
Shika không thể tiếp tục làm mặt nghiêm, ông cười. Nét mặt ông giãn ra, rất trẻ. Ông thích mê đi cái kiểu buông thả rất nghệ thuật của cô khi làm tình. Khác xa người vợ Nhật của ông, luôn luôn trọng chồng, khép kín. Có thể với một câu bông đùa ý nhị cũng khiến người đàn ông rạo rực khát khao, Tam Hạ vậy đó. Ông quyết định cầm cái hộp:
- Một món quà nhỏ cho em. Anh muốn tự tay mang nó.
Ông mở lớp giấy hoa. Bên trong là cái hộp nhung. Nắp hộp mở, Tam Hạ reo lên:
- Đẹp tuyệt.
Cô nhìn chiếc nhẫn xoàn lóng lánh trên nền nhung đỏ thẫm. Hột lớn cỡ 8 ly, dát cúc sắc sảo, nước tím lộng lẫy. Shika cầm bàn tay người tình, xỏ nhẫn vào một ngón rồi hôn lên tay cô:
- Không phải nhẫn đẹp mà tay em đẹp.
Tam Hạ chớp mắt. Cô thật sự xúc động, một phần vì trị giá món quà quá lớn, nhưng điều quan trọng hơn là Shika đã tặng cho cô khi cô đã là của ông. Nếu ông cho cô trước đó, cô có thể nghĩ rằng ông chinh phục cô, dẫn dụ cô khi chưa được. Nhưng bây giờ? Nó nói lên giá trị thật sự của cô đối với ông.

Shika nhìn cô, mỉm cười. Ông đọc thấy niềm vui trong mắt người con gái mình yêu. Ông dịu dàng:
- Em đã mang lại cho anh món quà tinh thần to tát hơn nhiều. Em là một phần của cuộc sống anh hiện tại. Anh chưa dám nghĩ đến tương lai, nhưng mong nó cũng sẽ tốt đẹp.
- Em là của anh mãi mãi.
Giọng cô tha thiết hơn:
- Shika, em yêu anh và chỉ có vậy thôi. Em không mong gì hơn nữa. Là kẻ đến sau, em chấp nhận đi bên lề cuộc đời anh. Điều đó đối với em không có gì quan trọng. Điều quan trọng là anh có yêu em không?
- Em rất thông minh, cô bé. Em không lầm đâu.
- Hạnh phúc của người phụ nữ là được yêu say đắm, được dâng hiến, được nô lệ, ít ra là một lần trong đời. Người chưa biết khóc vì tình là bất hạnh. Có những người vợ sinh cho chồng 5, 7 đứa con mà vẫn chưa biết yêu chồng. Họ chỉ làm đầy đủ bổn phận, cần nhau do thói quen... và ghen tuông vì tự ái. Thật ra, người đàn bà hưởng được lạc thú vợ chồng sẽ biết quý giá tình yêu gấp bội.
- Em có buồn anh không?
- Sao lại buồn anh?
- Vì anh đã có gia đình, không sống được trọn vẹn cho em.
- Anh có lừa dối em đâu. Em biết điều gì mình có thể mong ước và nên ngừng lại ở đâu. Chính lương tâm và bổn phận người chồng, người cha tốt nơi anh làm em kính phục.
- Anh chỉ sống đúng với một con người.
- Cái giản dị nhất lại khó khăn nhất anh ạ. "Lẽ phải" chỉ hai chữ thôi, viết nhanh, nói dễ mà đâu phải ai cũng thực hiện được.
- Cám ơn, tình yêu của anh. Em đã làm anh yên tâm.
Ông hôn cô. Chiếc nhẫn lấp lánh trên ngón tay Tam Hạ.
Tối hôm đó, khi về nhà, Tam Hạ bị khám phá ngay. Tứ Xuân đang bói bài với Nhị Thu trong phòng, nhìn thấy trước. Con bé gần như hét lên:
- Ố là là... đẹp ơi là đẹp.
Nhị Thu ngơ ngác:
- Cái gì vậy? Đang dở bài, mày rú lên ghê thế con quỷ nhỏ.
Tứ Xuân chỉ vào ngón tay Tam Hạ:
- Thu nhìn kìa... đẹp quá chừng...
Đến lượt Nhị Thu xuýt xoa:
- Ờ... chiếc nhẫn đẹp tuyệt... "nhiêu" vậy Hạ?
Tứ Xuân nheo mắt:
- Em bảo đảm đây là trái tim của hiệp sĩ Phù tang, đúng không?
Tam Hạ vói tay cốc đầu em gái:
- Giỏi. Làm bốc sư được đó.
Cô cởi nhẫn đưa cho em gái. Tứ Xuân luồn vào ngón tay của mình, đưa lên trước mặt ngắm nghía. Cô bé cử động bàn tay theo lối trình diễn nữ trang, gật gù:
- Em cũng phải đi tìm một "Samurai" mới được. Hạ này ghê thật. Lúc nào cũng tủm tỉm cười mà làm bá chủ thế giới lúc nào không hay.
Cô nhìn sang Nhị Thu:
- Chị Ba, lo tìm áo cưới cho Tam Hạ là vừa - à quên, chắc Shika không mướn áo đâu. Cô dâu sẽ mặc kimono. Đúng không, Hạ?
Tam Hạ nghiêm mặt:
- La lớn chút nữa cho bà via nghe luôn. Người ta vợ con đàng hoàng, ai cưới mình được. Phải thực tế một chút chứ.
- Vậy là "người vợ không bao giờ cưới"... em mà như Hạ... khỏi chịu đi.
- Thì mày bảo ông Huy cưới mày thử xem?
- À, em với Huy... xù rồi, cho vào dĩ vãng hết rồi. Chàng và nàng đã vĩnh viễn xa nhau.
Con bé xuống giọng cải lương, Thu và Hạ bật cười, Thu hỏi:
- Được bao lâu rồi?
- Một tuần!
- Lâu gớm.
- Còn gì nữa. Tuần hai lần gặp, bỗng dưng cắt đứt... em chì vậy thôi, còn muốn gì nữa.
- Ai muốn gì đâu. Nhưng tao hỏi thật - Nhị Thu hạ giọng - Có khóc không đó?
- Có khóc. Mà có người dỗ.
Tam Hạ nheo mắt:
- Ai dỗ?
- Chuẩn.
Con bé trả lời gọn lỏn, như kể chuyện vui từ nãy giờ. Cô săm soi ngón tay có chiếc nhẫn xoàn lóng lánh:
- Hôm nào sinh nhật bạn, Hạ cho em mượn đeo nha.
- O.K. Đừng có mại của tao là được.
Hạ vừa nói, vừa cười. Tứ Xuân tiếp theo chiều suy nghĩ:
- Em mà đeo nhẫn này là tụi bạn... lé mắt hết. Xịn quá mà.
- Mày sẽ nói của người yêu tặng chứ gì?
Bị đoán trúng tim đen, Tứ Xuân nhăn mặt:
- Hạ này... cái gì cũng biết hết ta ơi. Cho em út lên một chút không được sao? Nhỏ Trúc có nhẫn 5 ly mà cứ khoe hoài. Thấy cái này là đứng tim luôn.
- Coi chừng gây án mạng.
- Gì kỳ vậy?
- Thì con Trúc đứng tim.
Tứ Xuân cười, nhìn chị thay đồ, tấm tắc:
- Công nhận người Hạ đẹp dễ sợ. Thảo nào anh chàng Shika không điêu đứng.
- Chinh phục bằng cái đầu bền hơn, nhỏ ơi. Đó là kho tàng không bao giờ bị mai một. Sắc đẹp chỉ là món nữ trang thay đổi lúc nào cũng được.
Tứ Xuân chu môi:
- Nhưng muốn người ta biết cái đầu để họ đến gần, phải có thời gian, đúng không? Nếu Hạ không đẹp thử xem? Ai người ta thèm gần mà biết hay dở?
Con bé lắc lắc đầu có vẻ khoái trá với câu nói của mình, rồi bất chợt hỏi chị:
- Shika hôn chị ở đâu?
Tam Hạ chưng hửng:
- Gì vậy? Cái gì mà hôn hít vào đây?
- Em hỏi Shika hôn chị ở đâu? Ở môi hay... ở não?
- Á à... Tao hiểu rồi. Thôi đi, đừng có lý sự nữa. Mà nếu tao trả lời anh ấy không hôn ở hai chỗ đó mà hôn... nơi khác thì sao nào?
Ba chị em cười phá lên. Nhị Thu lắc đầu:
- Tao chịu thua. Tụi bay ghê quá.

Vậy mà đã một tuần trôi qua, một tuần của hạnh phúc ngọt ngào. Buổi sáng Tam Hạ đến sớm, thả mình trong bồn tắm khoảng nửa tiếng. Rồi cô làm món ăn sáng nhẹ cho hai người. Shika bao giờ cũng ra phòng khách lúc Hạ vừa tắm xong. Ông thích nhìn làn da sạch bóng vừa lau xong. Ý nghĩ đưa Tam Hạ lâng lâng trong sảng khoái. Rồi cô vốc nước vỗ lên mặt nhè nhẹ và ngẩng lên:
- Ô... Shika.

Cô gái kêu lên. Shika đã đứng đó tự bao giờ. Ông đi chân trần nên cô không nghe tiếng chân. Cô mải mê nghịch nước, tận hưởng sự lan tỏa thư thái của làn nước ấm trên khắp các tế bào. Ông nhìn cô. Cục Adam trên cổ ông chạy lên chạy xuống. Dù chẳng còn lạ gì nhau, cô gái vẫn đỏ mặt. Trần truồng trên giường khác với trong bồn tắm. Shika nói, mắt vẫn không rời tấm thân tuyệt mỹ chập chờn dưới làn nước:
- Anh muốn nhìn em tắm. Lúc em nghịch nước trông như một đứa trẻ chưa bao giờ biết ưu tư.

Tam Hạ không biết nói sao. Ông đã đứng đó và có lẽ cũng chẳng có gì quan trọng ngoài sự ngượng nghịu của cô. Họ đã quấn quýt lấy nhau nhiều lần. Sự hòa hợp tình dục khiến cô cảm thấy thèm muốn mãnh liệt. Điều đó khiến cô hơi hoảng và bâng khuâng tự hỏi mình có bình thường hay không? Rồi cô tự trả lời là mình đã dồn nén dục tình quá nhiều, quá lâu, nên bây giờ được dịp bùng ra, phải có thời gian bão hòa. Cô đang ở độ tuổi bắt đầu chín muồi của người đàn bà, loại trái chín trên cành, ngọt lịm. Khao khát thì cũng tự nhiên thôi. Lúc chưa có ông, cô đã chẳng có lúc tự vuốt ve mình để làm dịu cơn rạo rực đó sao? Đó cũng là thức ăn cần thiết để giải thoát sự trầm uất, tại sao lại tránh né? Tam Hạ mạnh dạn nhìn thẳng người tình, đưa hai bàn tay cho ông:
- Kéo dùm em dậy.
- Nằm yên chút nữa, cô bé - Shika vừa nói vừa quỳ xuống bên bồn tắm. Ông đặt tay lên vai cô dưới làn da lộng lẫy lúc sáng, lúc sậm theo bóng nước. Tay ông chạm vào núm vú cô, Tam Hạ co mình lại:
- Đừng... anh!
Ông không nói không rằng hôn phủ lên mặt cô. Hai cánh tay vục sâu vào nước, đỡ dưới lưng cô gái và ve vuốt không ngừng. Shika cởi trần, chỉ mặc một quần soọc thể thao. Tam Hạ biết ông muốn gì. Cô ưỡn người và ông bế thốc cô lên tay. Cô được đặt lên tấm khăn lông lớn và dày trải sẵn trên nệm. Shika không cho cô lau nước. Ông ôm ghì lấy người tình và cô rên lên khe khẽ. Sau đó nằm bên nhau, bụng đói cồn cào nhưng vô cùng thỏa mãn.
- Em thật tuyệt!
- Sao, anh?
Cô hỏi lại, nũng nịu, tuy biết ông nói gì.
- Anh điên lên vì em.
- Người điên là em mới đúng. Anh cho em biết thế nào là hạnh phúc của một người đàn bà.
- Còn anh, với em, anh cảm thấy mình thật sự là đàn ông.
Cô lăn vào cánh tay ông, cười khúc khích:
- Anh biết em nghĩ gì không?
Shika nhìn cô, chờ đợi:
- Một đứa con. Em đang nghĩ đến nó.
Dưới sức nặng của đầu mình, Tam Hạ thấy cánh tay ông động đậy. Nhưng ông vẫn nằm yên. Rồi ông hỏi:
- Sao em nghĩ đến nó lúc này?
- Vì đang ở chu kỳ có thể "dính".
Họ làm tình theo lịch kinh nguyệt. Và ông chợt hiểu hôm nay là ngày "cấm"
- Anh bậy quá.
- Nhưng rất tuyệt, đúng không?
- Dĩ nhiên rồi.
- Shika.
- Gì đấy, bé?
- Anh có lo không?
- Có con?
- Có thể lắm.
Ông đắn đo. Trả lời không sẽ khiến cô tổn thương vì tình yêu cô dành cho ông. Còn nói có, quả thật ông chưa sẵn sàng. Cô nói, không đợi ông trả lời:
- Một đứa con kết tinh của tình yêu, anh không thích sao, hở Shika? Em đã nói cả ngàn lần rằng nó và cả em nữa chẳng bao giờ làm bận chân anh. Hãy cho em cơ hội để có nó.
Cô nhổm dậy, quỳ trên nệm, hai bàn tay ôm lấy khuôn mặt người tình. Giọng cô tha thiết:
- Nó sẽ là món quà quý giá nhất mà anh cho em. Em muốn làm mẹ, muốn giữ mãi tình yêu của chúng mình bằng hình tượng của sự sống. Anh hiểu không? Em sẽ không bao giờ ràng buộc anh dù bất cứ lý do gì. Hãy tin em. Nó sẽ mang họ mẹ. Anh nghe không? Họ mẹ. Và là con em. Chỉ là của em thôi, hoàn toàn không dính dáng gì đến anh, đến gia đình và xứ sở anh.
Cô gục đầu lên ngực ông, nước mắt ứa ra. Shika cảm thấy tim mình nhức nhối. Giọng ông cũng khàn đi:
- Nhưng em sẽ nói sao về cha nó?
- Em sẽ nói cha nó chết khi nó còn bé.
Cô đưa tay bịt miệng vì vừa lỡ lời. Cô hoảng hốt nói chữa:
- Anh muốn em nói với nó như thế nào cũng được.
Ông khẽ lắc đầu:
- Rất tiếc không thể nói với nó điều anh muốn. Còn điều anh cần thì... tội cho nó quá. Anh không muốn con mình không cha.
- Vợ con anh sẽ không bao giờ biết bất cứ điều gì, Shika, em hứa.
Người đàn ông nhìn vào mắt cô, nói chậm rãi, như muốn cô hiểu rõ từng lời:
- Em không hiểu, gia đình anh chỉ dự một phần nhỏ vào quyết định này. Thật ra họ sẽ không bao giờ qua Việt Nam. Sự cản trở từ chính anh. Anh có thể phủ nhận với gia đình và xã hội về giọt máu của mình nhưng làm sao đánh lừa được lương tâm? Anh sẽ luôn bị ray rứt vì không tròn bổn phận với nó.
Ông ôm lấy vai cô, dỗ dành:
- Nếu em đặt mình vào cương vị anh, em sẽ hiểu được sự khó xử đó. Con nào cũng cần cha. Anh không thể bỏ đứa này và cũng không thể chối từ đứa kia.
- Nhưng nếu đó là yêu cầu khẩn thiết của em thì sao? Em xin anh. Em tự nguyện mà. Shika, anh có hiểu không? Em thèm được làm mẹ, thèm vô cùng. Đó là thiên chức cao quý nhất của người đàn bà. Em sẽ nuôi con, dành hết cuộc đời mình để lo cho nó. Con em sẽ nên người. Nó sẽ không thua thiệt đâu. Em sẽ sống cho nó, chỉ cho nó thôi.
Giọng cô trở nên sôi nổi:
- Ngay từ khi chưa có ý niệm làm vợ, đứa bé gái đã có bản năng làm mẹ. Lúc nhỏ, lúc nào em cũng ngủ với con búp bê tóc vàng, em ru nó, để nó nằm trên tay, bảo vệ nó khi có đứa bé nào đụng đến. Đó chính là khái niệm làm mẹ. Shika, anh chính là người định mệnh gửi đến để em hạnh phúc có một đứa con.
Cơn lốc trào từ tim cô ra lời nói. Cô gục hẳn vào người tình, mười ngón tay bấu vào da thịt ông. Cô nghe tiếng ông thoảng bên tai mình:
- Rồi em sẽ trả lời sao với gia đình, xã hội về sự hiện diện của nó, hả bé? Em sẽ không bảo vệ nổi con và cả bản thân nữa. Anh đã hình dung ra một đứa con không cha như thế nào. Lúc đó em sẽ ân hận.
Tam Hạ ngẩng phắt lên:
- Với em thì khác, sẽ không có chuyện đó đâu.
Ông thở dài:
- Mọi sự sẽ phức tạp hơn em nghĩ. Anh rất khổ tâm khi không thể công khai giữ em trong cuộc sống, để chia xẻ mọi thứ.
Mắt người con gái nhòa lệ:
- Anh yêu. Đủ rồi. Em chỉ cần biết suy nghĩ của anh về em và con. Chừng đó đủ để cho em thêm can đảm đối đầu với trở ngại. Anh "không sống" với em nhưng luôn luôn anh "có bên" em. Em sẽ không đơn độc đâu, Shika.
Ông siết chặt cô vào lòng, hôn tới tấp lên tóc cô:
- Em là người đàn bà tuyệt vời. Chúng ta sẽ có con vì em muốn thế.
Cô sững người, choáng ngợp hạnh phúc vì quyết định của ông. Vậy là cô đã thắng, đã đánh gục được sự dè dặt trong ông. Điều cô tưởng chừng vô cùng khó khăn giờ đã thành sự thật. Ông yêu cô. Tình yêu đủ để ông quên đi nguyên tắc sống của mình. Phần nào, ông đã hòa nhập vào cô. Tam Hạ biết mình đã trở thành một phần sự sống của ông. Buổi sáng tháng ba bỗng rực nắng, đẹp hơn tất cả mọi buổi sáng. Vĩnh biệt những câu hỏi tế nhị của Shika trước cuộc làm tình. Giã từ những bao cao su đáng ghét. Họ sẽ làm tình bất cứ lúc nào thèm muốn và ngoài những khoái cảm còn một mục đích thiêng liêng: có con.
Tam Hạ rời giường đi làm thức ăn sáng. Cô cắm lò nướng mấy miếng sandwich và chiên trứng gà với jambon, hành tây thái sẵn còn trong tủ lạnh. Một thoáng sau, khay điểm tâm đã đặt trên giường. Shika hít một hơi dài khoan khoái:
- Được vợ chiều thật tuyệt.
Ông ăn sáng ngon lành, Tam Hạ cũng thế. Họ cười với nhau. Ý nghĩ về đứa con ám ảnh cô trên đường đến nơi làm việc. Cô cười một mình, sung sướng nghĩ đến sự sống bé nhỏ mà ý nghĩa lớn lao đối với cô. Tam Hạ hình dung ra đứa bé bụ bẫm trong tờ lịch treo ở nhà.
*
* *
- Nghĩ gì buồn vậy bé?
Tứ Xuân lắc đầu. Chuẩn đẩy ly ca cao sữa đá về phía cô:
- Uống đi em, nhớ Huy phải không?
- Không. Nhớ đến lần đầu mình gặp nhau ở đây.
- Vậy mà nhìn em buồn hiu như anh chết rồi vậy. À, Xuân này, sao em không nhắn Huy...
Cô gái quắc mắt:
- Chi vậy?
- Thì để gặp.
- Anh điên, mệt quá, đừng nói chuyện đó nữa. Em quên rồi.
Chuẩn cười nhẹ:
- Em sẽ quên, nhưng bây giờ thì chưa.
Tứ Xuân nổi cáu:
- Khi không đưa em đến quán này, chi vậy?
- Em sợ à?
- Không. Nhưng... không thích.
- Tại sao phải né tránh, hở em? Cứ đến đây, ngồi đây, trực diện với sự thật, nhớ thật nhiều, buồn cho hết... Không tin anh hả? Bé cứ thử chiều nào cũng đến đây, ngồi ngay bàn từng ngồi với Huy, chỉ mấy buổi chiều là nỗi buồn sẽ nhạt dần, rồi em sẽ thấy bình thường trở lại. Tin anh đi. Em cần Huy như một thói quen - xa rồi cũng quen.
- Nhớ hoài thì sao?
- Tốt chứ sao.
Cô bé lại trợn tròn xoe đôi mắt:
- Anh yêu em vậy đó hả?
- Yêu nhiều lắm đấy, bé, và rất thực tế nữa. Anh ích kỷ lắm nên muốn em phải quên hẳn người xưa. Bởi vậy phải chữa tận gốc bệnh nhớ này. Cách chữa bệnh của anh hơi đặc biệt: thay vì tránh xa những nơi gợi nhớ, anh lại đưa em đến. Tránh né chỉ càng khiến em cảm thấy ray rứt hơn, cần thiết hơn. Đau nhiều rồi sẽ quên hơn là âm ỉ mà nhớ mãi.
- Lỡ em không quên được thì sao?
- Thì anh mất trắng. Nhưng như thế còn hơn được nửa vời.
- Ghê. Anh thâm quá. Giờ mới biết.
- Tham, đúng hơn là thâm. Anh chỉ muốn có em trọn vẹn, cưng ạ!

Đây là lần thứ ba, Chuẩn đưa Tứ Xuân đến đây. Lúc đầu cô bé ngỡ anh vô tình hoặc thích khung cảnh này. Cô bé nhớ Huy da diết. Nỗi nhớ một cái gì đó rất quen nhìn bỗng dưng không thấy nữa. Cô tự ái không điện thoại cho Huy, nhưng chờ anh thì đã gần hai tuần rồi. Lúc gặp Chuẩn cũng cảm thấy vui vui. Với Chuẩn, Tứ Xuân chuyện trò dễ hơn nhiều. Họ có cùng một cái nhìn chung về xã hội. Chuẩn lớn hơn Tứ Xuân mấy tuổi nên anh vui được niềm vui của cô, hiểu điều cô hiểu. Bên anh, cô bé không cảm thấy lạc lõng. Nhưng cô vẫn nhớ Huy. Cô muốn nhìn anh cười, muốn nghe anh nói. Tứ Xuân có cảm tưởng cả mái tóc mình cũng nhớ bàn tay Huy dịu dàng ve vuốt. Chuẩn không có những cử chỉ trìu mến đó hay anh chưa làm, Tứ Xuân không bận tâm lắm. Nhưng cô thích Chuẩn, nhất là lúc đi bên nhau. Lũ bạn quỷ quái của cô bé đã "chẳng may" nhìn thấy hai người, thế là kéo nhau đến phỏng vấn. Tứ Xuân chỉ cười cười ra vẻ bí mật. Thảo lùn lên tiếng:

- Chừng nào cho bọn tao ăn cưới, nhớ phải báo trước một tháng nha, tao còn để dành tiền, gấp quá tao đi không ráng chịu..
- Yên chí. Tao sẽ báo trước... ba tháng luôn, để tụi mày bỏ heo được nhiều tiền.
Thảo lùn trề môi:
- Nghèo mà ham. Cả bọn tao sẽ hùn lại mua cho mày một... một...
- Một... gì?
- Cái áo bầu.

Cả bọn cười ồ. Tứ Xuân cũng thấy vui vui, dù cô bé chưa có cảm nghĩ gì đặc biệt vời người bạn trai dễ thương đó. Hiện tại anh chỉ là người giúp cô quên đi những phút giây trống rỗng. Chuẩn pha trò rất có duyên và khi nghiêm cũng "có nét" lắm. Hôm Tứ Xuân đưa anh chàng về "ra mắt" gia đình, Chuẩn đã chinh phục ngay tình cảm mọi thành viên trong nhà, người tỏ ra hài lòng nhất là người mẹ. Bà đã đi xuống bếp, hỏi nhỏ Nhị Thu:
- Cái ông... thầy già... nó bỏ rồi hả?
Thu nói cho mẹ yên lòng:
- Không có gì đâu má. Nó còn trẻ. Chuyện quen biết là thường, ông ấy chỉ là bạn thôi.
- Vậy mà hôm tao la nó, nó nói làm tao hoảng luôn. Con nít bây giờ sao... hổng giống tao hồi xưa chút nào. Cậu này coi bộ hiền lành, trông cho nó thương...

Nhị Thu nhìn mẹ. Cô hiểu bà lại bắt đầu lo đến Tứ Xuân. Tội nghiệp mẹ. Suốt đời hết lo chồng lại lo con. Nhị Thu bỗng tự trách mình đã là một phần nỗi khổ của mẹ. Nhưng giá bà chịu hiểu cô một chút rằng hoàn toàn không phải cô khó tính, kén chọn mà vì những người đến với cô chênh lệch quá nhiều. Giá như cách đây mười năm, đời sống không phải khốn khổ vì lo cơm áo, nhà bốn năm miệng ăn chỉ trông vào tài xoay xở của cô và Tam Hạ. Nhất Đông có đời sống riêng, Tứ Xuân còn nhỏ. Hai cô con gái giữa đã lăn xả vào xã hội, có khi phải đứng chợ trời. Rồi còn những chuyến đi lúc nào cũng chực chờ để ngốn hết số vốn dành dụm. Tiền đưa trước để thuê "tãi" ra tàu lớn, tiền để lại mẹ thăm nuôi, chạy chọt... Không vì những cái đó, ở tuổi ngoài hai mươi có lẽ mọi việc sẽ dễ dàng hơn. Hoặc nếu cô là cô gái quê hay lớn lên trong gia đình lao động chân tay, ít học... khả năng lấy chồng cũng rất dễ dàng. Không phải mệt óc vì trình độ, vì giai cấp xã hội, tư tưởng giáo dục. Chính những chữ "nếu" đã làm đảo lộn nhiều cuộc đời. Chỉ những thiếu nữ đã được học hành, có kiến thức, gia đình khá giả, mới phải khựng lại vì những khó khăn trong vấn đề hôn nhân. Nhị Thu và các bạn cùng trường, cùng lớp ngày nào đã nhận thấy điều đó và đi đến kết luận rằng con gái Huế và Sài Gòn là "chịu khó ở vậy" nhiều nhất.

Trong bữa cơm hôm ấy, Chuẩn đã làm mọi người thoải mái vì cách pha trò rất có duyên. Có tiếng nói đàn ông, không khí trong nhà khác hẳn. Anh Vinh, chồng Nhất Đông, thỉnh thoảng về chơi cũng thế. Nhưng anh bận đi dạy Anh văn, sau này lại làm việc với công ty nước ngoài nên hầu như thời gian rất ít, chỉ đủ để nghỉ ngơi, vui với vợ con. Nhà toàn phụ nữ, đôi lúc cũng cảm thấy nặng nề, nhất là khi mỗi người lại đắm chìm vào nỗi ưu tư, không khí gần như ngột ngạt. Sự hiện diện của Chuẩn thật đúng lúc, xua tan được đám mây u ám vẫn thường xuyên lởn vởn trong nhà. Anh chàng lém lỉnh khen món ăn ngon, cách bày biện khéo. Chuẩn nói một câu khiến bà Tâm mát cả ruột:

- Con chắc bác trai ngày xưa chẳng bao giờ thích đi ăn nhà hàng. Mẹ con ở nhà thường nói người Huế nấu ăn rất khéo.

Bà Tâm cười rất tươi:
- Đúng ra ông nhà tôi ngày xưa cũng hay đi dự tiệc tùng, nhưng rồi cũng thích về ăn với con cái hơn.
Chuẩn quay sang nhìn Tứ Xuân:
- Gia đình có bốn chị em gái là quý lắm đó bác. Con gái lại hiếu thảo hơn con trai. Má con sinh mấy đứa con trai liền, chừng có cô út, mừng thôi là mừng. Bà cụ hay nói con gái tiếng theo chồng nhưng không bao giờ bỏ cha mẹ, còn con trai nếu gặp người vợ không thuận thảo với bên chồng thì có ở chung cũng chẳng nhờ được.
Tứ Xuân reo lên:
- Đó, má thấy không, tục ngữ đã nói "Tứ nữ bất bần". Bốn đứa con gái, mỗi đứa lo cho má một chút là hết xẩy. Tụi con sẽ chọn người chồng biết... sợ vợ để lo cho má khỏi bị cằn nhằn.
- Em yên tâm, khỏi chọn... Anh đàn ông nào cũng có hai loại máu trong người: máu dê và máu sợ vợ.
Cô bé trừng mắt:
- Vậy chắc anh loại máu dê mạnh hơn.
Chuẩn làm bộ thiểu não:
- Truyền thống gia đình anh lại thiên về... sợ vợ.
Như tất cả những bà mẹ vợ tương lai, bà Tâm hỏi thăm Chuẩn rất kỹ về gia tộc, về nghề nghiệp và về... bất cứ điều gì bà nhận thấy có thể liên quan đến hạnh phúc con gái mình, đến nỗi Tam Hạ phải khều mẹ:
- Con Xuân không có ế đâu, má đừng săn đón như vậy, kỳ lắm.
Bà không bằng lòng nhưng cảm thấy cũng đã biết được những điều cần biết. Đến lúc ăn tráng miệng, Tứ Xuân bày ra dĩa rau câu ướp lạnh được làm thành những loại trái cây rất đẹp. Chuẩn tấm tắc:
- Món này chắc chị Thu làm.
- Không. Tứ Xuân đặc biệt làm đãi cậu đấy. Con bé làm bánh khéo lắm.
- Vậy mà em cứ tưởng... Xuân chỉ tham gia được món... nước mắm thôi chứ.
Chuẩn vừa nói vừa cười. Tứ Xuân nguýt dài:
- Vừa thôi nghe. Nước mắm khó làm lắm đó. Có những món ăn chỉ ngon do nước mắm thôi. Đúng là không biết... nấu ăn.

Câu chuyện làm Nhị Thu nhớ đến một lần đi ăn với nhóm chị Nguyệt. Hôm đó đến quán Hương Huyền bên quận 8, dưới cầu Nhị Thiên Đường một chút. Vợ chồng Thư làm "chủ xị". Nữ chủ nhân "đi chợ" toàn những món hấp dẫn: gỏi tôm thẻ ngó sen, đùi và cánh gà chiên bơ, cua rang muối, cá lóc hấp. Cuối cùng là cơm chiên Dương Châu. Bữa ăn xoay quanh cuộc sống người nước ngoài, những khó khăn người Việt Nam gặp phải. Anh Thư nói về đời sống bên Úc, nơi mà đàn bà được nhiều biệt đãi. Chị Hai của Khải và Kim Chi, ở Pháp, thì lại cảm thấy phụ nữ khổ hơn. Nhị Thu chợt nghĩ nếu lúc trước, trong một chuyến nào đó, tàu cô đi lọt thì chắc giờ này mình cũng sẽ nói về một đất nước xa lạ như quê hương thứ hai. Cái gì rồi cũng quen nhưng quê hương thì không thể nào quên được. Nó gắn bó bằng chính máu thịt mình. Anh Thư vui tính và kể chuyện rất truyền cảm. Anh nói về "cánh đàn ông" ở Úc: "Đàn ông thường xuyên là người đi chợ, hầu như ai cũng biết nấu ăn, đến nỗi tôi có anh bạn khoe bà xã rất giỏi về các món ăn. Mấy anh em tròn mắt thán phục, chưa kịp khen anh diễm phúc, anh ta đã tiếp: "Đúng, bà xã tôi rất rành các món ăn... Nhà hàng nào món gì ngon là biết hết". Cả bọn vỡ lẽ, cười như mếu. Tứ Xuân mà biết chuyện này, chắc sẽ khuyên Chuẩn đi Úc một chuyến để "tầm sư học đạo".

Dù sao sự xuất hiện của một thanh niên vui tính như Chuẩn làm mọi người thoải mái. Không khí gia đình vui hẳn lên và liên tiếp hai ba ngày sau đó, bà Tâm nhắc đến anh với giọng trìu mến "Cái thằng vui đáo để".

Chính niềm vui của gia đình đưa Tứ Xuân đến gần Chuẩn hơn. Cô bé chịu đi chơi khi nỗi nhớ người tình vẫn còn ray rứt. Nhưng tuổi trẻ năng động và với sự có mặt của người thanh niên dễ mến bên cạnh Tứ Xuân cũng thấy "không đến nỗi nào" như mình vẫn thường tưởng tượng nếu phải xa người yêu. Điều hành hạ cô nhiều nhất là sự ấm ức của lòng tự ái. Sắc đẹp và tuổi trẻ của cô đã không thật sự chiến thắng!
- Tứ Xuân, nếu có được ba điều ước em ước gì trước tiên?
- Ước Nhị Thu và Tam Hạ lấy chồng.
- Sao kỳ vậy? - Chuẩn không dấu nổi ngạc nhiên. Tứ Xuân cười:
- Chị phải đi trước em chứ. Sắp trở thành "hai bà già khó tính" tới nơi.
- Mấy chị khó với em lắm sao?
- Cưng thì có. Út mà.
- Vậy sao em ghét?
- Ghét hồi nào? Nhưng nhìn các chị sống một mình chẳng ai yên tâm cả.
- Kể cả mẹ?
- Nhất đấy. Cụ lo ngày lo đêm.
- Y hệt bà dì anh. Có một cô con gái, ngoài ba mươi chưa chồng, mà gặp ai bà cũng nhờ mai mối. Anh thấy điều đó thật phi lý. Tự chọn hạnh phúc còn là khó, người khác, dù là cha mẹ, chọn cho thì làm sao sống được.
Tứ Xuân tủm tỉm cười:
- Bà via em lúc nào cũng nhắc đến thời "Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy". Cụ bảo chẳng có gì mà không hạnh phúc, cứ thành vợ chồng rồi sẽ có hết.
- Em có nghĩ vậy không?
- Có chứ... nếu em ở thế kỷ 19.
Chuẩn nhìn cô gái bằng ánh mắt thích thú:
- Nhìn em lần đầu anh đã thấy ngay là một cô bé hóm hỉnh. Điều đó sẽ giúp em trẻ lâu, bé ạ.
- Cấm nịnh nha.
- Anh kỵ nịnh đàn bà, em không biết sao?
- Vậy nữa. Lẽ ra anh nên học luật. Em thấy anh thích cãi lắm đó.
- Chỉ cãi với em thôi. Bé biết tại sao không? Tại vì anh thích nghe em nói.
- Xạo quá.
- Tứ Xuân, anh hỏi điều này... cấm giận nhé.
- Gì ghê vậy?

Chuẩn dợm nói rồi im lặng. Anh thả mắt nhìn ra hoàng hôn bắt đầu phủ xuống những cụm hoa, bụi cỏ. Cả khoảng không gian mênh mông mà anh vẫn cảm thấy như thiếu không khí. Chuẩn hít nhẹ một hơi, nhìn lướt qua gương mặt người con gái. Tứ Xuân đẹp hơn bao giờ hết. Một chút buồn vương trên đôi mắt đen láy, hồn nhiên vẫn còn trong mắt cô. Cô bé chờ đợi một cách thẳng thắn. Anh bỗng không tin ở mình. Những tháng qua biết có đủ để nói điều muốn nói?

Nếu cô chối từ? Thật tình anh cũng không biết sẽ bắt đầu lại từ đâu? Nhưng Chuẩn phải nói, anh không thể chờ đợi thêm. Anh nắm tay cô xiết nhẹ. Tứ Xuân không phản ứng.
- Anh - à, em hứa không giận chứ?
Tứ Xuân không trả lời. Cô bé linh cảm điều Chuẩn sắp nói. Tay cô không run nhưng tim reo vui. Người con gái nào mà không thích nghe lời tỏ tình? Dù mình yêu hay không, càng nhiều người yêu mình càng tốt. Cô thoáng nghĩ đến Huy, tim cô se lại. Với Huy, Tứ Xuân đã không nhận được lời tỏ tình, trái lại, cô phải làm điều đó. Có phải bất trắc trong tình đầu sẽ làm ta nhớ mãi? Tiểu thuyết nào cũng nói thế, không biết cuộc đời sẽ ra sao? Có thật cô không bao giờ quên được Huy? Nếu vậy thì tội Chuẩn quá. Và cả những người sau anh nữa? Tứ Xuân giật mình vì tiếng Chuẩn:
- Em có bao giờ nghĩ đến cuộc sống riêng chưa?
- Có lẽ chưa. Em chưa muốn xa mẹ.
Anh xiết tay cô chặt hơn:
- Tứ Xuân, anh yêu em. Anh muốn chúng mình...
Cô bé đưa ngón tay chận lên môi anh:
- Chúng ta nên như thế này một thời gian đã anh. Em hiểu Chuẩn và rất trân trọng tình anh, nhưng bây giờ... khoan đã.
Tứ Xuân cắn môi như đắn đo rồi cô nhìn thẳng vào mắt người con trai:
- Em chưa quên được Huy và không muốn về với anh trong tâm trạng đó. Em nói dối cho anh vui cũng được, như bảo đợi hai chị đi trước, nhưng em không thích. Anh rất trung thực và em cũng muốn đáp lại như thế.
- Cám ơn em. Ít ra anh cũng nói được điều muốn nói.
Chuẩn châm thuốc, rít một hơi. Anh thả khói tản mạn trong không gian. Tứ Xuân cảm thấy bâng khuâng, ngước nhìn Chuẩn bằng ánh mắt trìu mến:
- Đối với em, hiện tại anh là người bạn thân nhất và em mong trong tương lai cũng thế.

Anh im lặng gật đầu. Anh cũng chỉ mong có thế. Tình yêu là tự nguyện mà sức mạnh của nó rất mãnh liệt. Gần ba mươi tuổi đầu, mắt anh đã nhiều lần sững sờ nhìn một đường cong trên thân thể phụ nữ. Tai anh từng nghe lời tình ru ngọt ngào trong mắt giai nhân. Nhưng anh chỉ đến rồi đi. Linh tính cho anh biết đó không phải là người đàn bà của đời mình. Cho đến khi gặp Tứ Xuân, Chuẩn hiểu tất cả: Lâu nay anh chỉ đợi phút này, khi nhìn đứa con gái nhí nhảnh ngồi một mình buồn hiu chờ một người không đến. Chuẩn lớn lên giữa hai lớp tuổi: giữa hai mươi và bốn mươi. Những người hai mươi tuổi có khuynh hướng sống cho hết tuổi trẻ, và chẳng cần biết ngày mai ra sao. Con số tìm kiếm cho một tương lai đích thực không nhiều. Sự hoang mang đánh mất phần lớn nhiệt tình tuổi trẻ. Còn lớp người bốn mươi lại quá dè dặt rút vào những nơi ẩn trú mà họ cho là an toàn. Họ tự ví mình như người của thế hệ trước, thương hại lớp đàn em không có hoàn cảnh sống như họ ngày xưa. Hai lớp người khó cảm thông tuy khoảng cách thời gian không đáng nói, nhưng luôn luôn bảo vệ những gì thuộc về mình tối đa. Lớp tuổi của Chuẩn nhìn thấy thế hệ trước và tiếp xúc thế hệ sau, dung hoà hai lứa tuổi nhưng cũng phải thừa nhận rằng tuổi trẻ bây giờ còn hưởng được rất ít thời gian tuổi thơ. Giữa trẻ con và người lớn, họ nhìn cuộc sống bằng thực tế va chạm hằng ngày, mơ mộng chỉ còn là món quà xa xỉ cho những tâm hồn muốn đôi phút lẩn tránh sự thật. Bạn bè Chuẩn, con gái cũng nhiều, phần đông chưa lập gia đình vì "Tìm được người lý tưởng khó quá". Một cô bạn nói rất thành thật: "Lúc chồng muốn lấy thì không muốn lấy chồng - Khi muốn lấy chồng thì chồng không lấy". Nụ cười trên môi người con gái khi nói câu này như một bông hoa đang từ từ rũ cánh, nó gượng gạo và thê thảm. Bởi thế Chuẩn không lạ khi Tứ Xuân xin câu đầu tiên trong ba điều ước "Xin cho Nhị Thu và Tam Hạ lấy chồng" nghe có vẻ khôi hài nhưng không phải hoàn toàn vô lý.

Chuẩn đưa Tứ Xuân về gần 8 giờ tối. Đèn phòng khách sáng trưng khác với thường ngày. Tứ Xuân nói nhỏ:
- Chắc nhà có khách. Thôi anh về đi, lỡ gặp mấy o, mấy mệ ở Huế vô chào hỏi phiền phức lắm. Mấy người đó phong kiến lắm, lúc nào cũng theo tôn ti trật tự gia tộc, mất thì giờ.
Thật ra, cô bé sợ phải giới thiệu lòng vòng, rồi còn phải chịu đựng những câu hỏi đầy vẻ tra tấn, chưa hết, còn ánh mắt tò mò không dấu nổi ai, điều đó một lần Nhất Đông đã gặp, lúc mới yêu anh Vinh. Thôi thì hỏi cặn kẽ từ đời ông tằng, ông tổ, điều tra hơn tình báo. Sau lần đó, Đông đành phải cấm người yêu đến nhà mỗi khi có bà con ở Huế vô thăm. Nhưng không còn kịp nữa, xe vừa ngừng trước cửa là có tiếng reo:
- A, dì Xuân về.
Cô gái lẩm bẩm:
- Lại con nhỏ Ý Yên, đúng là hại bạn.
Một cái đầu nho nhỏ xinh xinh cắt tóc tém hiện ra ngay sau câu nói, lần này là một tiếng reo... rất Huế:
- Chị Tứ Xuân tề... lớn ghê, đẹp hỉ... anh mô ri?
Hai ba giọng cười khúc khích quyện nhau. Tứ Xuân nhìn Chuẩn, nhăn nhó:
- Đã biểu về không chịu nghe.
- Đối phương tấn công nhanh quá, anh không đỡ kịp đấy chứ.
- Chứ không phải anh cố tình ở lại ra mắt hở?
- Chúa ơi, oan cho anh quá. Anh đâu có dại dột lựa ngay lúc nhà đầy "những cán bộ điều tra xét hỏi" để ra mắt.
Câu pha trò khiến Tứ Xuân đang bực cũng phải bật cười. Họ bước vào trước những đôi mắt tò mò, chờ đợi. Tam Hạ từ trong phòng đi ra, nói lớn:
- Thầy Chuẩn sao hôm nay đến dạy cho Ý Yên muộn vậy? Làm nãy giờ nó mừng hụt, tưởng tối nay được nghỉ.
Câu nói bất ngờ làm mọi người trong gia đình biết rõ về Chuẩn ngơ ngác và rồi chợt hiểu. Tam Hạ đã gỡ rối một cách khéo léo. Với vai trò gia sư chắc chẳng ai nghĩ đến chuyện tra vấn, Tứ Xuân mừng hơn ai hết, tiếp luôn:
- Em gặp ảnh ngoài đường lại nhờ chở đi chút công việc. Thôi, trả "thầy" cho Ý Yên đấy.
Cô bé nheo mắt, thở phào nhẹ nhõm. Chuẩn chào bà Tâm rồi quay sang Ý Yên diễn cho trọn vai trò thầy giáo bất đắc dĩ:
- Thôi nhà hôm nay có khách, cho phép cô học trò trốn học. Hôm khác thầy dạy bù.
Anh nói chững chạc, mặt nghiêm như... thầy giáo. Tứ Xuân nói nhỏ với cháu:
- Coi anh chàng làm mặt hình sự kìa, bà Hạ mà không lanh trí thì nãy giờ te tua như cái mền rách.
- Làm gì ghê vậy bà. Làm như dòng tộc mình ăn thịt người không bằng.
- Mai mốt mày cứ đưa bồ về rồi biết.
Ý Yên lè lưỡi:
- Hổng dám đâu
Có tiếng Huế chen vô:
- Thầy giáo trẻ hỉ... Liệu thầy có chấm được cô mô trong nhà ni không?
Tam Hạ lại lên tiếng:
- Dạ Trúc ơi, tiếc rằng thầy giáo có vợ rồi, nếu không chị sẽ làm mai cho em đó.
Cô bé chừng mười bảy, mười tám nguýt dài:
- Chị Hạ ni kỳ ghê, nói chi mô rứa.
Mấy cô con gái tụ tập coi chương trình truyền hình, chỉ có hai bà già ngồi rù rì trên divan phòng khách. Dì Tuệ nói với chị:
- Chị cứ nghe em, ở ngoài mình có mấy đám làm theo kiểu đó rồi.
Bà Tâm ngần ngại:
- Không biết có được gì không? Mấy đứa nhỏ nhà này không như con người ta đâu. Tôi cũng buồn nhưng chúng nó không chịu biết làm sao.
- Nhưng chúng nó phải hiểu rằng con gái lớn nếu không đi tu là phải có chồng, cứ ở vậy làm bà cô ai chịu nổi? Chị sống hoài lo cho chúng nó sao?
Thấy chị vẫn không yên tâm, dì Tuệ nhỏ giọng rủ rỉ:
- Đây là cơ hội cho con cái mình có tương lai nữa, đâu phải chỉ lấy chồng không đâu. Đi vượt biên năm lần bảy lượt, tốn biết bao nhiêu không được, bây giờ có dịp đi bằng máy bay đàng hoàng không ngon sao. Chị tin đi, hai đứa nhỏ sẽ bằng lòng mà.
- Tùy dì. Lo được dùm chị thì lo.

Dì Tuệ lại đưa ra những trường hợp kết hôn mà mình đã biết. Ở nước ngoài gửi thư về nhờ gia đình bên này tìm vợ. Ảnh của cô gái được gởi sang. Nếu thấy vừa ý, tiếp tục vài lá thư tìm hiểu và nhân một chuyến về thăm quê hương là có ngay "Đám cưới trên đường quê".
- Chị biết con mụ Lạc không? Cỡ tuổi con Nhị Thu chớ ít sao, tròm trèm bốn chục rồi, mà không đẹp bằng nữa, vậy mà tháng trước làm đám cưới rình rang, thằng chồng hớn hở cứ như được vàng. Có phải sướng không?
- Bộ ở bển không có con gái sao? - Bà Tâm hỏi em gái, vừa như ngây ngô, vừa mai mỉa. Dì Tuệ vẫn cười:
- Thiếu gì. Thế giới bây giờ trai thiếu gái thừa mà. Nhưng con gái Việt Nam ra nước ngoài thường chê đàn ông xứ mình, nào là thiếu tiền, không biết galant... đôi khi là thiếu thước tấc nữa. Với lại cưới vợ ở bên đó tốn kém dữ lắm, nhà gái đòi hỏi... sao đó, nên họ thích về Việt Nam cưới rồi mang đi.

Bà Tuệ biện bác cho lý lẽ của mình. Thật sự bà không nắm vững lắm cái nguyên nhân tại sao thanh niên Việt Nam thích về quê hương cưới vợ, dù con gái đồng hương ở nước ngoài cũng nhiều. Bà chỉ góp nhặt mỗi nơi một ý, ráp lại để thuyết phục chị mình. Hai chị em đi đến quyết định sẽ hỏi ý kiến Nhị Thu và Tam Hạ rồi sẽ tiến hành, nhưng bà Tuệ nghĩ một lúc rồi bảo chị:
- Khoan nói với chúng nó đã. Chị cứ đưa em hai tấm ảnh mỗi đứa, tấm chụp nghiêng, tấm nhìn thẳng.
- Chi vậy?
- Em gửi qua Mỹ cho người quen trước, để họ tìm cho mình nơi vừa ý. Bao giờ có thư hồi âm, mình hãy báo các cháu.
- Nhưng nếu không hỏi ý trước, mai mốt hai đứa không chịu thì sao?

Bà Tuệ nhìn chị, sững sờ:
- Chị làm mẹ mà.
- Tôi có nói không làm mẹ đâu.
- Vậy mà chị lo mấy đứa không chịu. Chị không có quyền gả tụi nó à? Nuôi con lớn lên từng tuổi này mà không có chút quyền hạn nào sao?
- Nhưng việc chồng con là việc một đời, mình ép sau này con cái sướng không nói gì, lỡ khổ nó trách.
- Vậy là chị tiến bộ quá đấy. Hèn chi trong nhà hai ba đứa con gái lớn tồng ngồng vẫn ở giá - Giọng bà Tuệ chua ngoa, bà dằn mạnh hai tiếng "ở giá" khiến tim người mẹ thót lên. Bà Tâm nhăn mặt nhưng không nói gì - Em sợ con cháu sau này chị trăm tuổi nó vẫn không nơi nương tựa nên mới có ý lo cho chúng, chứ em ăn vàng ăn bạc chi.
- Tôi cũng biết dì thương cháu. Tôi có phản đối dì dâu, chỉ hỏi qua tụi nó thôi. Mẹ con tôi từ ngày ba nó mất, sống hẩm hút rau cháo với nhau cũng quen rồi, đứa nào cũng thích ở gần mẹ - con Đông lấy chồng rồi mà ngày nào cũng chạy về. Lấy chồng xa xứ...

Bà Tâm mủi lòng, sụt sùi nghĩ đến xa con bà lại buồn. Người mẹ trong bà luôn luôn thôi thúc lo cho con nên chồng vợ để bà yên tâm nhắm mắt, nhưng cứ nghĩ đến nó phải vượt đại dương theo chồng, bà lại đau lòng. Giọng bà Tuệ bực tức:

- Sợ nó lấy chồng xa sao cho đi vượt biên? Chị phải biết nghĩ đến tương lai con cái chứ. Ôm mà chết cả đám à. Bây giờ phong trào "Về quê lấy vợ" đang rầm rộ, người ta còn háo hức mình không "chớp" cơ hội, đợi mai mốt xẹp rồi có mà ngáp.

Bà ngừng để thở và cũng để cho chị thấm thía lời nói mình, rồi tiếp:

- Chị thấy con Dạ Trúc của em không? Mới mười bảy tuổi, ế ẩm gì đâu, vậy mà em cũng gởi ảnh nó đi rồi. Con gái lấy cho đáng tấm chồng, cha mẹ cũng mát mặt. Mình không trông nhờ con nhưng mong nó có nơi nương tựa cho vững chắc. Lấy phải thằng chồng lương ba cọc ba đồng uổng công mình nuôi.

Luận điệu sặïc mùi tiền của em làm bà Tâm cũng thấy chói tai nhưng bà yên lặng không muốn thành lớn chuyện sợ các con biết. Người mẹ đã có kinh nghiệm về phản ứng của con cái, sau đó là bầu không khí căng thẳng trong gia đình vốn đã có nhiều ưu tư. Bà chỉ muốn con mình sung sướng, như tất cả mọi người mẹ trên đời. Lý luận của em gái, bà Tâm không mấy đồng ý. Bà cảm thấy làm như thế, những đứa con yêu của mình sẽ trở thành món hàng rẻ tiền. Nhưng bà không nói ra điều mình suy nghĩ. Dù sao, Tuệ cũng đóng vai trò bà dì lo cho hạnh phúc của các cháu.

Họ không thể ngờ được một điều là Nhị Thu đã vô tình nghe tất cả. Cô định lên hỏi địa chỉ người chị họ mà bà Tuệ biết, nhưng Thu đã ngừng kịp ở ngách cửa. Khi nghe mẹ và dì nhắc đến tên chị em mình, linh tính cho cô biết lại là vấn đề hôn nhân. Đó là sự quan tâm hàng đầu trong ngôi nhà này, mặc dù ai cũng cố tình làm ngơ như không nghĩ đến. Nhị Thu cắn chặt môi để dấu nỗi uất ức, để kềm chân lại không bước vào nói với dì Tuệ mấy câu rằng chị em mình không phải là đồ vật để ai muốn bán mua cũng được, phương sách của dì nên dành cho con cái dì, ở đây không ai cần tới... những ý nghĩ rối rắm trong trí Nhị Thu, đã nhiều lần gặp chuyện thúc ép, nhưng chưa bao giờ cô cảm thấy buồn tủi như lần âm mưu này. Đã đành rằng cô không đồng ý, nhưng còn quan trọng hơn nữa, đó là cái nhìn của người khác dành cho cô, nó khiến Thu thấy mình như là gánh nặng mà mọi người cần phải hất khỏi vai. Cô gái cố bình tĩnh, hít một hơi để lấy lại hơi thở đều đặn và mặt bớt tái rồi lặng lẽ quay trở về phòng mình. Nhị Thu tắt đèn và khép cửa phòng. Còn lâu Tam Hạ mới đi ngủ. Con bé dạo này có niềm vui riêng dễ hòa đồng với mọi người. Thu biết đối tượng của Hạ và biết rõ cả hoàn cảnh của ông ta, nhưng rõ ràng là em gái cô đang hạnh phúc. Tam Hạ biết rõ điều mình làm và chấp nhận mọi hậu quả. Trừ người mẹ, mấy chị em trong nhà đều biết Hạ đang thu xếp cho mình một cuộc sống riêng ngoài gia đình. Bóng tối như đồng lõa với sự cô đơn, Nhị Thu cảm thấy mình lạc lõng giữa đại dương mênh mông với muôn vàn sóng dữ. Định mệnh sẽ xô đẩy mình đến bến bờ nào đây nhỉ? Chắc chắn là một bến bờ không phủ toàn cát mịn mà là sình lầy hoặc đá nhọn. Đau thật, cuộc đối thoại giữa mẹ và dì Tuệ soi rõ cho Nhị Thu thấy mình trong mắt người khác. Như vậy đó sao? Sự thật phũ phàng hơn cô nghĩ. Thì ra nỗi khổ không phải mình cô chịu mà lây lan đến cả mọi người. Nhị Thu bỗng dưng muốn khóc. Thèm khóc ghê gớm, khóc được lúc này nỗi tủi cũng sẽ vơi đi. Nhưng rồi sau đó? Những ngày tháng dài trước mặt liệu có bình yên? Ít ra thì trước khi mình già hẳn, để không còn một chút hy vọng lấy chồng nào nữa, chắc cũng không thể yên được. Sao vậy nhỉ? Tại sao người ta không để yên cho mình quên đi. Quên thời gian, quên tuổi tác... quên cả cuộc sống phải tranh giành để tìm một hạnh phúc thật sự không bao giờ có. Phi lý. Phi lý mà không nghịch lý chút nào.

Nhị Thu trằn trọc mãi với bao nhiêu câu hỏi không có lời đáp. Tâm hồn vốn đa cảm của cô càng bấn loạn vì những câu đối thoại vô tình nghe được. Ngoài phòng khách xì xào tiếng cười nói của mấy đứa em gái. Giọng Huế của lũ con dì Tuệ, tiếng nam của Tam Hạ, Tứ Xuân và Ý Yên. Chúng nói đủ chuyện trên trời dưới đất. Điều làm Thu ngạc nhiên là Tam Hạ cũng nói hăng hái không kém đứa nào. Con sâu đã lột xác thành bướm rồi sao? Cái vỏ giam giữ con người ít nói, lầm lì ấy đâu rồi? Lạ thật. Có lẽ con nhỏ yêu đời nên trẻ hẳn lại. Đôi lúc Nhị Thu thấy ở em gái hai con người: con người hòa hợp với cuộc sống và con người riêng, không ai xâm phạm được. Nhị Thu chịu. Cô chỉ có một, không thể thoát ở lối nào khác hơn tâm hồn u uất của mình. Hết chương trình tivi từ rất lâu, Tam Hạ mới đi ngủ. Cô rón rén nhẹ chân sợ làm chị tỉnh giấc. Hạ đâu biết Nhị Thu vẫn còn thức với những suy nghĩ tối tăm thoát từ lòng địa ngục.

                                                                                                                         *      *
                                                                                                                            *    
(còn tiếp)

  Lý Thụy Ý            
Thêm bình luận

Bài vở và hình ảnh xin gởi về This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.