Má tôi là người khó nuôi con!

Lúc ngoại tôi còn sống, tôi thường nghe ngoại tôi kể chuyện má hồi trẻ, má tình cờ lượm được cái rổ đựng kim chỉ ngũ sắc. Đó là cái rổ mà những người sinh con ra không nuôi được, họ nhờ đến tay thầy pháp ếm bùa vào đó. Người ếm đặt cái rổ trên đường đi, chỗ dễ nhìn thấy nhất .Ai bất phước bắt gặp cái rổ, không biết mang về nhà dùng là coi như nhận cái khó nuôi con vào mình.Má tôi có chồng, đứa con đầu lòng chưa kịp tượng hình đã mất. Người thứ hai, sinh ra cả tháng trời khóc ngằn ngặt cũng rời khỏi vòng tay của má. Một thời gian khá lâu má có được anh Hạnh. Anh tôi tuổi dần, mập mạnh đáng yêu mang đến cho má tôi bao nhiêu là hy vọng! Mỗi lần kể về anh, bao giờ má cũng cứ bần thần như đang nhìn thấy anh trước mặt.
 Rồi chiến tranh khốc liệt kéo tới, cả thôn Hưng Thạnh dạt lên Kiển hàn để tản cư. Ở đây, một trận dịch bi thảm tràn qua đã làm bao trẻ con bỏ thân lại nơi này, trong đó có cả anh tôi...Mấy lần sinh nở rồi cũng như không. Má  cứ thơ thẩn như người mất hồn.

Sáu năm sau, má  sinh tôi và tiếp đến là em Thuận. Ba tôi vắng nhà, tôi và em lớn lên trong sự chăm nom vất vả khó khăn của má. Nhưng có lẻ cái vận khó nuôi con chưa chịu buông tha cho má, năm em Thuận được ba tuổi, em bị phong đòn gánh và đột ngột qua đời.

Ngọn đèn dầu leo lét trong một đêm mùa hè nực nồng, hình ảnh đứa em trai nhỏ bé mặc chiếc áo lãnh tím, nằm hấp hối trên giường với đôi mắt khép hờ và má tôi ngồi bên em khóc vật vã đã in sâu trong trí óc non nớt của tôi lúc đó mãi cho tới tận bây giờ...

Tôi lớn lên trong nỗi âu lo phập phồng của má: Má luôn sợ có ngày tôi cũng như anh em tôi bỏ má mà đi  về một nơi nào khác.

Em Thuận được chôn trên một cái gò cao, xung quanh là ruộng muối thênh thang. Nghe lời mấy người già, khi chôn cất em Thuận , má phải nhờ đến dượng Sáu tôi - như là người ngoài - lo dùm. Nhiều năm trôi qua, má tôi kiêng, không dám lên thăm mộ em. Má tôi sợ em vương vấn theo về rủ tôi đi. Và tôi lúc còn nhỏ cũng hoàn toàn không biết em tôi nằm ở đâu .

Nỗi lo sợ ám ảnh không nuôi được con lớn đến mức ai bày gì để  giữ được tôi má cũng nghe. Theo lời ngoại, má đã giả đò "bán" tôi cho nhà một  người quen. Tôi được má dắt ra phố Gia Long mua cho một bộ đồ mới và một cái mũ nỉ màu xanh lá. Tôi vẫn nhớ hồi đó quanh chiếc mũ có làm sợi dây đánh con rít,  tôi rất thích. Từ nhà tôi lên nhà ông bà Bá không xa lắm. má tôi dẫn tôi băng qua bến xe đến đường luồng gần nhất trên đường Bạch đằng là tới. Má nắm tay tôi giao cho ông bà Bá, nhắc tôi phải kêu ông bà  bằng ba má rồi vội vã đi như chạy ra khỏi con hẻm nhỏ. Tôi rớm nước mắt định chạy theo, nhưng sợ ông Bá nên chỉ đứng im, mân mê cái mũ nỉ trong tay và nhìn theo bóng má tôi dần dần khuất xa.

Đêm đầu tiên xa nhà, không có hơi ấm của má bên cạnh, nằm với bà Bá, tôi trằn trọc mãi. Dụi đầu vào cái gối mới thơm nức mùi lông não, tôi cứ khóc thút thít và ngủ mùi đi lúc nào chẳng hay. Nhà ông bà Bá  không lớn hơn nhà tôi bao nhiêu, nhưng đồ đạt tủ giường rất đẹp và sang trọng. Nhà có cái sân rộng, xung quanh sân có mấy chậu cây nhỏ trồng thứ cây gì tôi cũng không biết, điều đó không lấy gì làm cuốn hút sự chú ý của một đứa trẻ hay táy máy như tôi. Cả ngày tôi chỉ biết đi quẩn quanh trong sân một mình. Tôi nhớ nhà tôi quá! Ngôi nhà nhỏ của tôi hồi đó phía  trước có cây keo, keo thường có  nhiều con sâu đầy lông lá, xui xẻo  đi ngang bị nó rớt xuống trúng người là nó ngứa không chịu được. Tôi bỗng thèm được nhai những trái keo mà tôi và tụi bạn xóm trong hái bằng khèo nèo, Cây keo nhà tôi nhiều trái lắm! Những trái keo khoanh tròn, mỗi khi chín ăn rất thích, nó có vị ngọt chát khó tả. Ở nhà ông bà Bá, do sợ tôi bỏ chạy về nhà mình. thành thử cổng lúc nào cũng đóng kín. Ban ngày ông Bá đi làm, bà Bá coi nhà nấu ăn. Tôi tuyệt đối không được bước chân ra khỏi nhà. Và mỗi khi đứng trong sân nhà ba má mới nghe tiếng còi xe lửa, tôi lại nhớ đường rầy dọc theo sông Bạch Đằng. Như đã trở thành thói quen, khi chưa lên đây, chiều nào tôi cũng đứng trước nhà chờ nhìn thấy những đoàn tầu chạy qua. Những toa tầu khi trườn mình băng băng qua đường rầy thường hụ còi phụt khói đen nghịt. Đường rầy rung lên  nặng nề  làm những hàng cây gòn lá xanh sậm trồng dọc theo con đường cũng rung theo. Cả hàng cây dài cùng một lúc thi nhau đong đưa những trái gòn trông rất ngộ nghĩnh. Và những lúc như thế, tôi thường đứng sững trơ người ra nhìn mê mẩn đến kì lạ.

Khoảng một thời gian  sau, tôi cho là lâu lắm, nhưng má nói chỉ nửa tháng thôi - dì Sáu lên đón tôi về. Từ lúc đó, mọi người không còn gọi tôi bằng cái tên mà ba tôi đặt ra, gia đình gọi tôi bằng cái tên mới: con Xin, coi như tôi là đứa nhỏ được xin về nuôi.. Tôi phải gọi má tôi bằng dì chứ không được xưng hô như trước đây nữa. Ban đầu tôi vừa tủi thân vừa buồn nhưng mỗi khi gọi sai lại bị người lớn la, riết rồi tôi cũng quen, miễn sao tôi được ở trong ngôi nhà của mình và quan trọng tôi được ở bên má tôi.Có điều má lo nhất là  đã "làm phép" rồi mà tôi vẫn thường đau ốm quặt quẹo luôn. Chắc hẳn tôi là một trong những thân chủ thường xuyên, quen mặt của tiệm thuốc bắc Xuân Hòa Đường và Diệp Bảo Toàn trên đường Gia Long lúc ấy.

Một ngày, ngoại tôi mời ông thầy pháp tới. Tôi run rẩy hồi hộp đứng trước mặt ông. Ông thầy pháp có gương mặt hiền từ, điều đó làm tôi có phần yên tâm . Tay cầm nhánh lá nhúng trong chén rượu trắng, ông vung vẩy nhánh lá vào người tôi. Ông đọc lầm thầm những câu thần chú bí hiểm, tôi nghe mà không hiểu gì cả. Mà tôi chắc những người lớn đứng xung quanh lúc ấy cũng không hiểu như tôi. Sau đó, ông cho tôi đeo hai sợi dây niệt hai bên cổ tay. Một sợi khác vòng từ cổ xuống dưới nách, dây niệt này có cột một túi bùa lúc đó gọi là phái. Chẳng biết túi bùa đựng cái gì bên trong, tôi ngửi thử nghe như mùi thơm thơm của bông vạn thọ. Ông thầy pháp nói với má :đến năm tôi được mười hai tuổi, ông sẽ hạ phán và cởi bùa cho tôi.

Càng lớn, những trận đau bệnh càng thưa dần- không biết có phải nhờ tài của thầy pháp không - nhưng tôi vẫn còn ốm o lắm! Tay chân lòng khòng loèo khoèo trơ cả xương.

Thế rồi cho đến năm tôi được tám tuổi, má  mới tính chuyện cho tôi đi học. Trường học đầu tiên của tôi do một anh trong xóm tên Diệu dạy. Cùng với đám trẻ nhỏ đồng trang lứa, tôi bắt đầu ê a mấy chữ cái đầu tiên.Tôi nhớ anh dạy chúng tôi học được chừng vài tháng,  bất ngờ anh bị bắt lính nên lớp học phải đóng cửa.

Tôi được má xin vào học một nơi khác...Trường tư thục Công Quán nằm trong con hẻm lớn, bên hông khu giải trí Bình Dân. Từ nhà tôi đến trường chỉ có mấy bước chân. Tôi  ôm cuốn vở vào ngực, chạy một hơi là tới nơi. Trường tôi học có cây bàng to, rợp bóng mát. Lá bàng xanh cứng và những trái bàng chín nhai ngòn ngọt dễ chịu. Vào giờ ra chơi, mấy đứa học trò nhỏ chúng tôi thường tụ tập dưới gốc cây để chơi ô làng, bắn dây thun hay nhảy lò cò. Tụi con trai thích chơi bắn bi và tạt lon. Đôi khi, cả trai lẫn gái cùng chơi chung trò chơi năm mười. Những trò này bây giờ hiếm thấy trẻ con nào còn chơi nữa. Trong sân còn có cây trứng cá, trái nhiều vô kể. Mỗi lần trời mưa, trứng cá chín đỏ rụng tràn mặt đất. Lũ học trò chúng tôi thi nhau lượm bỏ đầy túi áo. Vừa ăn chúng tôi vừa ném vỏ trứng cá vào nhau la chí chóe. Nhiều lúc mải mê quên cả vô học, thầy phải xách roi ra rượt cả đám mới nháo nhào tranh nhau vào lớp. Hấp dẫn nhất vẫn là hai cái xích đu. Hể tiếng kẻng ra chơi vừa vang lên là cả lũ ùa chạy ra giành lấy. Trên thanh gỗ bắt ngang hai sợi dây, đứng trên đó, tay nắm chặt hai sợi dây treo, chúng tôi mặc sức mà nhún cho thân người bay vút tận xa...

Trường học cũng chính là nhà ở của vợ chồng thầy Địch và cô Oanh. Trường chỉ có hai phòng. Lớp học hồi đó thật đặc biệt: Vỡ lòng, lớp năm, lớp tư ngồi chung với nhau.Thầy dạy hết nhóm này, cho nhóm đó chép bài lại quay sang dạy nhóm khác. Thầy rất vui tính, thầy  hay chọc chúng tôi cười và còn dạy chúng tôi hát. Cô cũng thường kể chuyện cho chúng tôi nghe, nhưng cô nghiêm và hay phạt mấy trò ưa phá phách, lười học bài. Mấy đứa con trai đứa nào cũng sợ cô. Đôi khi, tôi vẫn như còn nghe thấy bài tập đọc đầu tiên khi chúng tôi vừa biết ráp hai chữ cái lại với nhau. Cả lớp thích thú ngồi ưởn ngực , khoanh tay đặt lên bàn ngay ngắn, theo nhịp đập cây thước bảng của cô,  cùng gân cổ lên, đứa nào cũng cố đọc thật to:

"Kỳ nghỉ hè
Ta về quê
Nhà ta ở
Mé bờ đê
Ở nhà có
Mẹ cha ta
Cô và bà
Quý ta quá
Mẹ đi chợ
Cha ra ga
Bà ở nhà
Để giữ bé...

Khi thư thả
Ta ra đê
Đi thả bê
Nghỉ là thú..."

Thỉnh thoảng , vào những chiều cuối tuần, khi mặt trời còn hắt lên một vạt nắng mỏng ở góc sân, thầy Địch  mang cây đàn violon nhỏ nhắn, bóng lộn ra tập cho học trò hát. Xếp vở vào hộc bàn, lũ học trò bé con lại có dịp há những cái miệng vô số răng sún ra mà hát theo tiếng đàn dìu dặt của thầy. Bài hát ấy, tôi khó mà quên được giai điệu của nó, tuy nhiên thời gian gần năm mươi năm trôi qua, lời bài hát cũ chỗ nhớ chỗ quên:

"Quê nhà tôi, chiều khi nắng êm đềm...Bao người ra ...ngồi hay đứng bên thềm dịu dàng con mắt trông về phía trời xa..."

Cũng tại ngôi trường đơn sơ năm nào, một đứa bé gái con của bà hàng cơm như tôi, ngoài lũ bạn ngây ngô trong xóm, cũng được mấy đứa con nhà khá giả ở đường Gia Long làm bạn. Thân thiết thì có ba chị em Võ Hồng, Tâm và Lý ở tiệm vải Trung Thành. Bạn Hưng tiệm vải Càn Hưng, chị em Kim Anh - Kim Bình nhà hàng xén Minh Châu...Thường, chúng tôi rủ nhau về nhà chơi đồ hàng hay chơi búp bê...còn một số bạn nữa, sau 1975 chuyển đi đâu không rõ, nên tôi chẳng còn nhớ tên.

Và cho đến một ngày, Có lẻ thấy má tôi cứ mãi lo mua bán, trong khi trường đã "hết lớp" cho tôi học, cô Oanh gọi má lên trường, kêu má đưa giấy khai sinh của tôi để thầy cô làm hồ sơ đưa tôi vào trường tiểu học Nguyễn Huệ. Lúc bấy giờ cô mới ngỡ ngàng biết tôi không phải tên Xin như lâu nay cô vẫn gọi. Tất cả giấy tờ đều nhờ thầy Trắc, người thầy trẻ cũng cùng dạy học ở trường Công Quán giúp đỡ. Mỗi khi nhớ đến việc làm này của thầy cô cũ, tôi thật mang ơn thầy cô tôi biết bao nhiêu!

Tôi đã rời ngôi trường nhỏ có cây bàng xanh ngắt, có cây trứng cá dày đặt trái chín, cái xích đu quen thuộc, xa tiếng đàn violon của thầy tôi vào những chiều  cuối tuần tắt nắng...và cùng với một số bạn khác tôi đến học ở ngôi trường mới.

Buổi học đầu tiên ở trường Nguyễn Huệ, trong bộ đồng phục quần xanh áo trắng, đứng xếp hàng với các bạn mới trước cửa lớp Ba D, khi cô giáo hướng dẫn điểm danh, tôi ngây người nghe cô gọi tên mình mà tưởng như tên của ai: Trần Thị Hòa ! Cái tên cúng cơm của tôi, cái tên mà có một quảng thời gian dài tưởng như bị lãng quên.

 Đào Thanh Hòa


Thêm bình luận

Bài vở và hình ảnh xin gởi về This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.