Trinh Vương thương yêu,

Lâu quá rồi mình không viết, không tâm sự gì với Trinh Vương, và cũng chẳng viết cho ai hay liên lạc, thâm chí ngay cả gọi điện thoại cho bạn bè cũng không, cho dẫu đôi khi mình cũng tự hỏi không hiểu tại sao mình lại như thế, ngày tháng cứ trôi, cứ trôi . . . một cách vô vị, nhìn thấy nó trôi tuột đi trước mắt mà thấy tiếc nuối vô cùng, nhưng rồi cũng chẳng làm được gì . . . Có hai người bạn từ xa xưa ở VN, rất, rất nhiều năm không gặp, khi tình cờ biết được tin mình qua người quen đã nhắn tin, gửi hình ảnh thời xa xưa bên nhau, vì sợ nhắc tên thì mình không nhớ ra, một người đang ở Washington D.C. còn một người ở VN qua thăm con và bị con cúm tầu làm cho phải ở lại Cali trong nhiều tháng trời, mình được tin rất mừng vì bạn bè không ngờ mà ngẫu nhiên gặp lại, một người nói chuyện được hai lần thật lâu, nhắc lại bao nhiêu chuyện trên trời dưới biển giữa hai đứa và những người bạn chung, xong rồi cũng cả mấy tháng không gọi lại cho nhau, chỉ một vài tin nhắn vơ vẩn rồi thôi . . .

Còn người kia thì may mắn hơn, hai đứa có cơ hội ở cùng nhau gần tuần lễ, cũng đưa được nhau đi đây đó, chụp được với nhau mấy chục tấm hình, cùng Facetime để gặp những người bạn chung ở xa xôi, lâu ngày không gặp, nhắc những chuyện, những kỷ niệm tưởng không còn nhớ nữa . . . và sau lần gặp đó dù nhà cũng không xa nhau lắm nhưng rồi cũng chỉ liên lạc qua Messenger . . .

Quả thật cái con cúm tầu phù này đã làm xáo trộn và thay đổi cuộc sống của không riêng một đất nước hay cá nhân nào, nó còn hơn cả Tsunami đã cuốn trôi những thành phố của nước Nhật năm nào . . . Nó hầu như làm thay đổi nếp sống thường nhật của cả thế giới này, không chỉ thay đổi những thói quen hàng ngày của mỗi con người, mà dường như nó ảnh hưởng đến từng suy nghĩ và cách nhìn nhận cuộc đời của nhiều con người và nhiều đất nước, dường như không ai suy nghĩ được điều gì ngoài việc nghĩ đến nó, nó làm cho người ta trở nên nghi kỵ và ích kỷ hơn, nhưng cũng làm người ta Sáng Mắt Ra hơn khi dành nhau đi mua khẩu trang, dành nhau đi mua nước sát trùng để rửa tay, mua gạo, mua thức ăn dự trữ và cái điều vô duyên nhất là dành nhau đi mua giấy vệ sinh . . . Mình thì không mua bán gì, không dự trữ gì, chỉ tìm mua mấy chai nước sát trùng gửi về cho đứa con trai mà không sao mua được, cuối cùng phải nhờ mua Online, có cô bé quen cho mình mấy chai nhưng thấy “Made in china”mình chẳng muốn cầm chút nào, nhưng không cầm thì quá ư thiếu lịch sự nên để dành cho người khác vậy . . . Có rất nhiều người thắc mắc, từ rất lâu khi mình còn ở VN, “Rằng, Thì, Là, Mà . . .” tại sao mình lại ghét tầu phù đến như vậy, trong lúc bạn học của mình, và nhất là những người bạn trong Hội dưỡng Sinh của mình đa số là người Tầu, ngay cả con cái mình cũng hay chỉ trích vì chuyện mình ghét ba tầu đến như thế, thật ra mình không ghét người dân tầu, và những người tầu ở chợ lớn VN cũng không đáng ghét lắm, thật ra mình chỉ ghét tầu cộng và những âm mưu thâm độc của nó đối với người dân VN chúng ta từ ngàn xưa : “ Một ngàn năm nô lệ giặc tầu . . .” với biết bao đau khổ, bạo tàn chúng đổ trên người dân Việt, và sự tàn độc của chúng, muốn đầu độc và thống trị cả thế gian này, với chính sách ngu dân và vô thần, cũng như sự độc ác của chúng đối với những Tộc người ỏ trong cùng mảnh đất mà chúng gọi chung là đất nước, cũng như những người dân Châu Phi bị chúng cướp đất bằng cách cho chính phủ của những đất nước này vay tiền, và thực hiện những công trình xây dựng thiếu chất lượng, với lương tâm của những kẻ bất lương: “ Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi” nợ khó trả nên phải trả bằng đất đai của quê hương . . . với chính sách luồn lót tiền bạc, đánh vào lòng tham của con người, sự thâm độc khi làm cho những thế hệ trẻ sa đọa vì thuốc phiện, ma túy, nghiện chơi game, bị lệ thuộc vào những thói hư thật xấu, đánh mất lòng tự trọng và ý chí tiến thủ . . . Không chỉ vậy, những món hàng sản xuất và bán với giá rẻ mạt, như cho không, chứa rất nhiều độc tố gây nên căn bệnh chết người, căn bệnh chữa đến tán gia bại sản, nhưng hậu quả vẫn là cái chết trong đau đớn, căn bệnh nghe tên là như nghe án tử hình : Ung Thư . . . Thật ra người VN chúng mình đã bị bọn tầu phù này hại nhiều nhất, từ tiêu dùng cho đến sản xuất nông nghiệp, thật tội cho người nông dân VN, cứ bị hết cú lừa này đến cú lừa khác, có nhiều người trách dân mình dại khờ và tham lam nên trúng kế độc của bọn chúng, thật ra không thể trách người dân vì họ thiếu thông tin, thiếu hướng dẫn, và thực ra, lòng tham thì con người nào chẳng có, ai chẳng muốn đổi đời, chẳng muốn có cuộc sống khá giả hơn cuộc sống mình đang có, lại không có được nền giáo dục nhân bản như thời của chúng mình, thời mà nền tảng giáo dục luôn : “ Giấy rách phải giữ lấy lề” hay : “ Lành cho sạch, rách cho thơm”, mà giá trị đạo đức được đặt trọng tâm vào : “ Đồng tiền là Tiên là Phật . . . là cái lọng che thân, là cán cân công lý . ..” hay “ đồng bạc đâm toạc tờ giấy” Xin đừng kết tội người nông dân VN, khi ngày nay họ trồng mọi thứ để bán, khác với mảnh đất hoa mầu trồng riêng cho gia đình họ dùng hàng ngày, đừng trách họ ích kỷ và gian dối, mà hãy làm sao đánh thức lương tri của họ

Trinh Vương thương yêu,

Mình hay nói lan man đủ thứ chuyện quá phải không, cái điều chính mình muốn kể cho Trinh Vương nghe lại quên khuấy đi mất, thật là cái tật đáng ghét của mình không sao bỏ được phải không Trinh Vương, chả vậy mà người ta thường nói :“ Cái tật lớn hơn cái tuổi” . . . Thôi trở lại đề bài nha, nãy giờ đi lạc lâu quá rồi, trong những ngày này có rất nhiều chuyện để kể cho TV nghe, chuyện vui, chuyện buồn . . . Mình hứa sẽ kể trong những thư tới nghen, hôm nay mình muốn nói cho TV nghe hai chuyện vui mình vừa nhận được có liên quan đến TV đó . . . Chuyện thứ nhất là các chị em Trinh Vương, nhóm ở Qui Nhơn, Bình Định đã có cuộc họp cùng nhau vào ngày Chúa Nhật, 27/9/2020. Có lẽ đây là cuộc họp đông nhất kể từ sau lần Về Nguồn đầu tiên của chúng mình, hồi tháng 3/2019 . Nghe nói trời mưa nhưng các chị em mình cũng tề tựu đông đủ tại Quốc Bảo Palace, với mầu áo xanh đồng phục đã được mọi người đồng ý từ lần Về nguồn đầu tiên, cảm động nhất có lẽ là sự hiện diện của nhóm Hoài Ân dù trời mưa, và ở xa nhưng cũng đi 9/10 người do bạn Phúc ta mời . . . Nghe kể chị Kim Thanh đại diện cho các chị lớp lớn của mình tham dự và phát biểu cũng như có những sinh hoạt rất vui, mình xem được đoạn ghi hình khi mọi người hát bài ca tạm biệt : “ gặp nhau đây rồi chia tay . . . “ nhưng quan trọng là : “ Hẹn Mai ta xum vầy … ”, phải thế không các bạn ?! Xem hình các bạn gửi mình mong cho con cúm tầu phù này mau biến mất hay ít ra là cũng có thuốc trị bớt sự hung hăng của nó, để chị em chúng mình lại có dịp gặp lại nhau nơi ngôi trường thân yêu cũ, cho dù bây giờ đã khác ngày xưa . . .

Chuyện vui thứ hai mình muốn chia sẻ cho tất cả chị em Trinh Vương, nói riêng, và cũng là niềm tự hào của phụ nữ Việt Nam chúng ta nói chung . . . Sở dĩ mình dùng chữ Tự Hào, vì như mọi người đều biết Truyện Kiều của đại Thi Hào Nguyễn Du được chúng ta học từ năm lớp Đệ Tứ, tác phẩm gồm 3254 câu thơ Lục bát, viết bằng chữ Nôm, với tên gọi “ Đoạn trường Tân Thanh ”, cảm tác từ “Kim Vân Kiều Truyện” của tác giả người Trung Hoa Thanh Tâm Tài Nhân. Truyện Kiều của Nguyễn Du, là những áng thơ tuyệt tác, chuyển tải những dâu bể cuộc đời, không chỉ đúng trong xã hội phong kiến ngày xưa mà ngay cả trong xã hội ngày nay, cũng không thiếu những mảnh đời bất hạnh, những nhân vật tiêu biểu đã trở thành danh từ chung quen thuộc đến nỗi nghe tên gọi là biết ngay đó là hạng người nào, ví dụ như “Sở Khanh”, “Tú Bà”, hay “ Hoạn Thư”, và ngay cả tên gọi “Nàng Kiều” . . . Cũng đủ nói lên thân phận bọt bèo của người phụ nữ . . . Tác phẩm Kiều của Nguyễn Du được dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp, những câu thơ của ông trau chuốt đến nỗi hầu như ít có ai nhớ đến Thanh Tâm Tài Nhân là ai, chỉ còn có Truyện Kiều và Nguyễn Du, bởi Nguyễn Du đã đem đến cho tác phẩm Kiều của ông một sức sống mới cả về nội dung lẫn nghệ thuật, cho dù bối cảnh vẫn ở thời nhà Minh bên tàu . . . Ở đây mình không muốn bàn đến Truyện Kiều, bởi vì truyện Kiều của Nguyễn Du đã quá nổi tiếng, là một tác phẩm văn học được đưa vào giảng dạy ở bậc Trung Học, và được mọi người từ giới văn chương bác học, cho đến những người bình dân Việt Nam, dường như không một người nào không thuộc ít ra là một vài câu thơ trong tác phẩm này, ngay cả khi nói đến tai nạn của một người nào đó, họ có thể dễ dàng ví von ngay : “ Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài ” hoặc câu : “ Có tài mà cậy chi Tài - Chữ tài liền với chữ Tai một vần “ Ở đây mình chỉ muốn nhắc đến những bức tranh minh họa cho tác phẩm truyện Kiều, thường là những hình ảnh mang đậm nét tầu, từ trang phục cho đến mái tóc, trâm cài, tất cả giống như hình vẽ ở những hộp bánh trung thu, trông như hình Hằng Nga . . . Nhìn chung, tất cả đều giống như hình mẫu các cô gái trong phim cổ trang của tầu.

Tuy nhiên, có một người đã làm nên hình tượng khác biệt cho Nàng Kiều, một nàng Kiều đậm nét Việt Nam, nàng Kiều với áo tứ thân, và tóc vấn thả đuôi gà, và có lẽ cũng là người Họa Sĩ vẽ Tranh Lụa về Kiều nhiều nhất. Với 28 bức tranh khổ 80x60, nét vẽ mềm mạị và đầy nữ tính, cuộc triển lãm vào ngày 17/9/2011 của chị đã trở thành một sự kiện hội họa, tạo một tiếng vang lớn, trung tâm Kỷ Lục Việt Nam đã xác nhận chị là người Nữ Họa Sĩ vẽ Tranh Kiều nhiều nhất từ trước đến giờ. 28 bức tranh lụa chuyển tải hầu như hoàn toàn tác phẩm Kiều từ khi Kiều gặp gỡ Kim Trọng, đến cảnh chị em du xuân, và tai ương đổ xuống nhà họ Vương, cho đến cảnh bị Tú Bà, rồi Sở Khanh bạc đãi, hành hạ, cho đến lúc gặp Thúc Sinh, Từ Hải, rồi gieo mình xuống sông Tiền Đường và trùng phùng cùng gia đình sau mười lăm năm truân chuyên lưu lạc, mỗi bức họa là một đoạn đường đời, chỉ nhìn nét vẽ trên khung lụa và tên đặt cho mỗi tác phẩm, ta cũng có thể hình dung ra nỗi lòng của Kiều và số phận trớ trêu của một Hồng Nhan, nhưng nổi bật nhất trong tác phẩm của Nguyễn Du cũng như tác phẩm hội họa của nữ sĩ Ngọc Mai là ngón đàn của Kiều, trong tác phẩm của Nguyễn Du, Kiều đã được nhiều người ngưỡng mộ qua tiếng đàn, tiếng đàn cất lên cho thấy số phận đã được định sẵn ở đó: “ Rằng hay thì thật là hay- Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào ” riêng trong tác phẩm hội họa thì có ba bức tranh vẽ lúc Kiều đánh đàn là tác phẩm : “Hai Tình Vẹn Vẻ Hòa Hai”, “ Phím Đàn Dìu Dặt Tay Tiên ” và bức vẽ : “ Cung Đàn Bạc Mệnh”(A Melancholic Tune), Ngọc mai đã lấy Họa để chuyển tải Thơ, một việc làm không dễ thành công, có lẽ khi vẽ, chị đã gửi vào đó tình cảm của chính chị và của không ít những phận đời phụ nữ của chúng ta, trong từng giai đoạn của đất nước, nhất là thân phận của những người phụ nữ Miền Nam sau ngày đất nước thống nhất, những người con gái ngày ấy đã bước xuống cuộc đời, đã đi vào cuộc sống với không ít trắc trở khốn khó, như nhạc sĩ Phạm Duy đã viết trong một tác phẩm âm nhạc của ông “ Khóc cười theo mệnh Nước nổi trôi” ( Bài Tình ca này ông cũng có nhắc đến truyện Kiều). Tuy không hoàn toàn giống Nàng Kiều, nhưng dẫu sao cũng Phận Đàn Bà . . .

Nữ họa sĩ Ngọc Mai gốc người Sài Gòn, nhưng cả gia đình chị đã có thời gian sống ở Qui Nhơn khá lâu, giống như chúng tôi, chị xuất thân từ ngôi trường Trinh Vương thân yêu của chúng ta. Chị cũng là người Tổng Thư Ký đầu tiên của trường, chị là một trong số những học sinh khóa đầu của bậc Trung Học đệ Nhị Cấp Trinh Vương, ngay từ những ngày còn ngồi dưới mái trường Trinh Vương thân yêu, tài hội họa của chị cũng đã bộc lộ ngay trong những tờ Bích Báo của trường vào những dịp lễ . . . Thế nhưng cuộc sống bận rộn với vai trò làm vợ, làm Mẹ ( chị là con dâu của ông Lê ngộ Châu, chủ báo Bách Khoa, một tạp chí rất có uy tín những năm trước 1975), và cả những bận rộn phải lo toan cho con cái học hành thành đạt, tôi và nhiều người những tưởng là ước mơ của chị đã không thể thực hiện được vì những lo toan, cơm, áo, gạo, tiền . . . Thế nên tôi vô cùng bất ngờ khi năm 1997 nhận được thiệp mời, cũng như thấy báo chí đăng bài giới thiệu cuộc triển lãm tranh sơn dầu, chủ đề NÀNG của nữ họa sĩ Ngọc Mai ở sảnh của khách sạn Metroplitan, gần Vương Cung Thánh Đường ( còn gọi là Nhà Thờ Đức Bà) đầu đường Tự Do (nay có tên gọi là Đồng Khởi), và càng ngạc nhiên, và cảm phục chị hơn khi biết chị còn có những cuộc triển lãm khác ở Pháp và Hoa Kỳ, và vì chị vô cùng khiêm tốn, và cũng vì chúng tôi vô tình nữa, nên nhiều chị em Trinh vương không hề biết đến chị, có lẽ Hội Họa và âm nhạc không phải là mảnh đất mầu mỡ dành cho phái nữ nên ít ai để ý thì phải, riêng tôi và chị, dù có nhiều năm liền không gặp, thậm chỉ cả không liên lạc nữa, nhưng mỗi bước đường của tôi, đều được chị dõi theo, cũng như khi có những chuyện vui buồn gì chị cũng sẽ bằng cách nào đó cho tôi biết; giống như tôi không bao giờ quên những câu thơ ngắn chị đã từng gửi cho tôi khi cả hai chị em còn chung một mái trường:

Hoa pensee là mầu hoa thương nhớ

Mầu hoa buồn như mầu tím đau thương

Gửi về em bằng kỷ niệm học đường

Bằng thương mến bằng cảm tình nhỏ dại

Bốn câu thơ này chị gửi năm tôi tròn mưới sáu, đến nay cũng đã hơn năm mươi năm, dù không ghi chép, dù cành hoa và những lời thơ đã rơi rớt đâu đó vì những xê dịch của cuộc đời, nhưng mỗi lần nhớ về chị là tự nhiên những câu thơ này lại vang trong đâu tôi . .. Tuy nhiên, hôm nay tôi không chỉ giới thiệu cho mọi người về người chị Nữ Họa Sĩ của chúng tôi, mà còn gửi đến một tin vui không chỉ cho chị, không chỉ cho Trinh Vương, mà còn là niềm vinh dự cho Việt Nam chúng ta khi tác phẩm tranh lụa“ Cung Đàn Bạc Mệnh” của chị đã chính thức được chính phủ Pháp cho in thành tem thư loại “Lettre vert”( Tem xanh), sử dụng cho loại thư tín nặng đến 20gram. Hiện nay tại Pháp có hai loại tem nội địa

Loại chuyển phát nhanh ( lettre prioritaire), chuyển một ngày tới, có khung màu gris

Loại lettre vert là loại chuyển hai ngày tới, Thư dùng tem xanh thì không chuyên chở bằng máy bay ( trừ khi phải gửi ra đảo hay ngoại quốc), nên tiết kiệm hơn cho người dùng, cũng như bảo vệ môi trường.

Để kỷ niệm 255 ngày sinh của Thi Hào Nguyễn Du và 200 năm ngày mất của ông, Trung tâm Văn Hóa Việt Nam ở Pháp cũng như ở Việt Nam, có nhiều chương trình giới thiệu và triển lãm liên quan đến Ông và tác phẩm. Về việc chính phủ Pháp ấn hành tem minh họa truyện Kiều, họa sĩ người Đức Claudia Borchers cũng được chọn để in tem. Riêng tranh của chị Ngọc Mai được đặc biệt chú ý vì Nàng Kiều trong tranh của chị đậm nét Việt Nam. Nhìn vào con tem, người ta có thể nhận ra ngày hình ảnh người phụ nữ Việt Nam xưa . . . việc được in tem không những là một vinh dự cho riêng chị, mà còn là một cách quảng bá cho truyện Kiều, và những cô em gái Trinh vương cũng được thơm lây, và tự hào về người chị lớn của tụi em

Chúng em Yêu chị, cánh hoa Mai Ngọc Ngà của em

Phạm Thiên Thu (Tháng 10/2020)

( Viết riêng cho ngày sinh nhật của chị đó nha chị Yêu)

Thêm bình luận

Bài vở và hình ảnh xin gởi về This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.